Giống như hầu hết các du học sinh Trung Quốc tại Mỹ, Jerry Liu - một học sinh năm cuối tại trường cấp 3 tư thục ở Pennsylvania - phải đóng mức học phí 59.050 USD/năm. Mỗi năm, cậu sẽ bay từ New York về Bắc Kinh để nghỉ lễ 3 lần, mỗi lần tốn khoảng 1.300 USD.
Rất ít người, trong đó có cả hội bạn thân của Liu, nhận ra rằng những chi phí đó đã chiếm hết 80% thu nhập của cha mẹ họ.
“Trước khi thằng bé đi, chúng tôi đã cảnh báo rằng học phí là thứ duy nhất chúng tôi chu cấp cho nó”, mẹ của Liu - bà Lian Qiu - cho biết. Bà là trợ lý văn phòng, còn chồng làm việc trong ngành quảng cáo. “Điều này giống như cảnh tượng thường thấy ở thành thị Trung Quốc. Cha mẹ sẽ mua tặng một căn nhà khi con cái kết hôn, nhưng đó là tất cả những gì họ có thể chu cấp cho con”.
Jerry Liu là một trong số rất nhiều học sinh Trung Quốc được cha mẹ gửi gắm đi học tại Mỹ.
Trong năm học 2017-2018, Trung Quốc là nguồn du học sinh đông đảo nhất trên nước Mỹ, với số lượng lên tới 363.341 người. Học phí tại Mỹ cao gấp 15 lần so với các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc.
Đối với các gia đình tại đất nước tỷ dân này, học phí không phải là điều duy nhất họ lo lắng. Phí thuê gia sư ôn thi và chuyên viên tư vấn đại học cũng rất đắt đỏ.
Theo báo cáo của LendEDU năm 2017, phần lớn các sinh viên châu Á đều cần phụ huynh chu cấp tài chính cho việc học.
Từ trước đến nay, mọi người thường quan niệm rằng những phụ huynh Trung Quốc cho con đi du học đều rất giàu có. Tuy nhiên, chính họ cũng cảm thấy áp lực trước gánh nặng tiền bạc. Theo dữ liệu từ Trading Economics, mức thu nhập trung bình tại Trung Quốc là 11.992 USD/năm.
Hành trình du học đầy gian nan và tốn kém
Trước khi du học Mỹ, học sinh Trung Quốc phải trải qua nhiều kỳ thi chuẩn hóa. Một bài kiểm tra năng lực tiếng Anh dành cho người nước ngoài (TOEFL) có chi phí là 217 USD.
Học sinh có thể làm TOEFL, hay các bài kiểm tra xét tuyển SAT và SSAT, bao nhiêu lần tùy thích. Giới trẻ Trung Quốc thường thi liên tục cho tới khi đạt được số điểm yêu cầu.
“Một số người ở trường tôi đã thi TOEFL đến 10 lần”, Hongyi Yin - một du học sinh 18 tuổi tới từ Bắc Kinh - cho biết. Hiện cậu đang là sinh viên năm nhất tại ĐH Case Western Reserve tại bang Ohio (Mỹ).
Mặc dù Yin từng học tại một trường cấp 3 danh tiếng có liên kết với ĐH Nhân dân Trung Quốc, cậu vẫn phải thi tới 6 lần mới đỗ.
Kể từ sau vụ bê bối gian lận điểm vào năm 2016, khiến kỳ thi SAT rút khỏi Trung Quốc, các gia đình tại nước này phải tốn gấp đôi, thậm chí là gấp ba cho chi phí dự thi. Giờ đây, mỗi năm có tới 40.000 học sinh Trung Quốc phải bay sang Hồng Kông, Singapore hay Hawaii chỉ để thi SAT.
Tingran Wang - một sinh viên 18 tuổi - đã bay tới Hồng Kông 3 lần trong năm qua để tham dự kỳ thi. Cậu là một trong số 10.000 học sinh có mặt tại hội trường có kích cỡ to bằng cả nhà kho để thi SAT. Sau đó, cậu sẽ bay về nhà với bố mẹ vào ngày hôm sau.
“Vạn nhân khanh cũng không tệ đến mức ấy”, Wang nhận xét. Từ này có nghĩa là “hố chôn tập thể của 100.000 người”, được dùng làm tiếng lóng để chỉ nơi diễn ra kỳ thi.
“Tôi cố gắng tập trung vào bài thi của mình. Khi phải ngồi cùng với từng đó thí sinh, bạn có thể bị xao lãng bởi các thể loại tình huống”, cậu cho biết.
Một nhóm sinh viên Trung Quốc trong lễ tốt nghiệp tại ĐH New York. (Ảnh: Alamy)
Thêm vào đó, phụ huynh Trung Quốc cũng phải gánh khoản phí luyện thi. Ở các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, có những tòa nhà chỉ toàn các trung tâm luyện thi. Tại đây, học sinh sẽ dành nhiều giờ đồng hồ để tham gia các lớp rèn từng kỹ năng cho bài kiểm tra. Mỗi trung tâm lại nhiều mức học phí khác nhau, tùy thuộc vào năng lực ngoại ngữ của học sinh và mức điểm mong muốn.
Tại Tổ chức Giáo dục Quốc tế Tam Lập - một điểm luyện thi nổi tiếng ở Thượng Hải, chi phí cho các khóa học dao động trong khoảng 1.454-43.590 USD, tùy vào từng gói khác nhau.
Mỗi năm, có khoảng 40.000 học sinh ôn thi tại trung tâm này. Một nửa trong số đó hy vọng sẽ đạt điểm TOEFL hoặc SAT như ý. Trung tâm cũng cung cấp dịch vụ đưa đón đi thi SAT tại Hồng Kông và Mỹ, với lượng khách hàng lên tới 1.000 người/năm.
Gánh nặng tài chính trên vai cha mẹ
Các bậc phụ huynh Trung Quốc thường không nắm rõ quy trình nộp hồ sơ vào các trường tại Mỹ. Do đó, họ buộc phải thuê chuyên viên tư vấn cá nhân.
Bà Nini Suet - CEO của Tổ chức Giáo dục Quốc tế Dung Thượng - cho biết, cha mẹ sẵn sàng trả tới 40.000 USD cho chuyên viên tư vấn vì họ “sợ thất bại”.
“Vào thập niên 80, ở Trung Quốc có quan niệm chỉ những đứa trẻ hư mới phải đi du học Mỹ”, bà Suet nói. “Còn bây giờ, ngay cả những học sinh giỏi cũng nhắm tới các trường tốt nhất tại Mỹ. Phụ huynh nghĩ rằng, nếu con cái mình hy sinh các trường hàng đầu tại Trung Quốc mà lại không vào được trường tốt hơn tại Mỹ, thì công sức và tiền bạc bấy lâu nay coi như bỏ đi. Họ có quá nhiều thứ để mất”.
Linghui Zhang cho biết, cô đã trả 174.360 USD cho một công ty tư vấn để hoàn tất thủ tục du học cấp 3 cho đứa con trai cả Calvin Chang.
“Chuyên viên tư vấn nói rằng con trai tôi phải tham gia tất cả các lớp học và luyện thi. Vì thế, chúng tôi đã trả tiền cho chúng”, người mẹ 40 tuổi đang làm giám đốc điều hành tại một công ty năng lượng ở Bắc Kinh nói.
Theo Zhang, con cô được luyện kỹ năng phỏng vấn, cũng như bay tới Seoul (Hàn Quốc) để luyện viết luận. Mỗi lần đến thăm trường tại bang Philadelphia (Mỹ), cậu luôn đi kèm với chuyên viên tư vấn để gia đình có thêm “thông tin nội bộ” từ ban tuyển sinh.
“Tại các lớp phỏng vấn, học viên được luyện các câu hỏi mà ban tuyển sinh hay đưa ra. Nhờ vậy, tôi biết được mình nên trả lời thế nào cho phù hợp trong buổi phỏng vấn thực”, Calvin Chang cho biết. Cậu đang là học sinh lớp 12 tại trường nội trú. “Cả tôi và cha mẹ đều chưa từng làm thủ tục này bao giờ nên đành tin tưởng hoàn toàn vào chuyên viên tư vấn”.
Mặc dù có thu nhập cao, cô Zhang vẫn cảm thấy áp lực khi cho 2 trong số 4 người con của mình đi du học Mỹ. Chi phí cho mỗi đứa trẻ là 65.000 USD/năm.
“Tôi gần như kiệt sức”, cô Zhang thừa nhận. “Kiếm tiền không hề dễ dàng. Đôi khi, Calvin không hiểu được những áp lực kinh tế mà tôi phải chịu đựng, chỉ vì gia đình tôi có nhà cửa bề thế. Tuy nhiên, đó lại là chuyện khác. Căn nhà là một phần tài sản của chúng tôi. Nhưng tụi trẻ lại nghĩ rằng chúng tôi có dư tiền cho chúng ăn chơi xa xỉ”.
“Tôi chỉ muốn đầu tư vào chuyện học hành của con”, cô cho biết. “Thỉnh thoảng, Calvin sẽ bắt taxi đi lại trong thành phố New York, dù đi bộ không mất nhiều thời gian. Thằng bé không hiểu được tại sao tôi lại giận dữ đến vậy”.
“Thằng bé luôn bắt taxi thay vì đi tàu từ trường đến New York, tiêu tốn hàng trăm USD. Chúng tôi luôn cãi nhau về vấn đề này. Tôi chỉ muốn trả tiền học phí cho con, không phải cho sự lười biếng của nó”.
Nỗi niềm của những đứa con xa nhà
Ziheng Ma là một học sinh 18 tuổi đang theo học tại California (Mỹ). Bên cạnh khoản học phí 20.000 USD, cha mẹ của Ma phải trả tiền ăn ở cho chủ nhà, khoảng 1.400 USD/tháng. Thế nhưng, cậu vẫn chưa thực sự ổn định về chỗ ở. Chàng trai này đã phải chuyển nhà tới 4 lần, cả tình nguyện lẫn bị ép buộc, do sự khác biệt về lối sống.
“Thật khó để chấp nhận chuyện chủ nhà chỉ coi tôi như một phi vụ làm ăn”, Ma phàn nàn. “Đôi khi tôi cảm thấy quá sức. Cứ chuyển ra chuyển vào như vậy thật là mệt mỏi. Tuy nhiên, bạn vẫn phải làm vì không còn cách nào khác”.
Học sinh Trung Quốc trong lễ tốt nghiệp phổ thông tại Mỹ (Ảnh: Alamy)
Trong hè vừa qua, Ma đã mất 1.500 USD để tham gia thực hành tại ĐH Emory và 6.500 USD cho chương trình về khoa học y sinh tại ĐH Yale. “Người ta bảo rằng những cơ hội này sẽ làm đẹp học bạ của tôi”, cậu nói. “Những chương trình mà tôi tham gia đều liên quan đến ngành sinh học, nên chúng sẽ hỗ trợ cho việc học hành và sự nghiệp của tôi sau này”.
“Cha mẹ tôi không giàu có nhưng hiếm khi bàn bạc với tôi về chuyện tiền nong”, chàng trai trẻ cho biết. “Họ chỉ nhắc nhở khi tôi vung tiền quá tay cho đồ ăn. Tuy nhiên, nếu tôi bảo rằng mình cần tiền cho việc học, họ sẽ đưa ngay mà không cần nghĩ lại”.
Cha của Ma là kiến trúc sư, còn mẹ cậu là quản lý ngân hàng. Cậu tiết lộ rằng hầu hết các bạn học tại Mỹ xuất thân giống mình đang xem xét nộp hồ sơ vào các trường đại học công và cao đẳng cộng đồng. Tuy nhiên, cha mẹ Ma sẽ không để cậu làm việc đó.
“Họ đã miệt mài làm việc để tôi được hưởng những đặc quyền này”, cậu nói. “Cha mẹ sẽ khuyến khích tôi thi vào các trường tốt nhất mà không nề hà chuyện tiền nong. Xin học bổng sẽ làm giới hạn các lựa chọn của tôi, nhưng nếu không, cha mẹ sẽ phải thắt lưng buộc bụng”.
(Theo SCMP)