Tình huống khó xử khi phụ huynh nhắn nhầm vào nhóm chat có giáo viên

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ Việt Nam 14:18 05/04/2023
Chia sẻ

Ngoài cách ứng xử thiếu tế nhị của ông bố thì nếu sự thật như cô giáo nói, rõ ràng đứa trẻ chưa được chuẩn bị những kỹ năng tự chăm sóc tốt.

Nhóm lớp là phương tiện thuận tiện để giáo viên và phụ huynh trao đổi với nhau. Giáo viên có thể đăng thông báo và giao bài tập về nhà, phụ huynh có thể nhận thông tin để nắm bắt một số nội dung quan trọng. Tuy nhiên, đôi khi trong "không gian họp phụ huynh" online này cũng nảy sinh những vấn đề khiến cả bố mẹ lẫn giáo viên không biết nên cười hay mếu.

Mới đây, một ông bố ở Trung Quốc đã "tẽn tò" một phen khi nói xấu cô giáo nhưng lại đăng nhầm vào nhóm chat chung, thay vì chỉ gửi trong nhóm phụ huynh thân thiết. Theo đó, ông bố này vô cùng bức xúc vì sự vô trách nhiệm của cô giáo mầm non khi bé Giai Kỳ (5 tuổi) nhà anh dù tè ra quần nhưng cô không phát hiện ra.

Thấy con khó chịu, ông bố không kìm được, nhắn tin chê bai: "Đóng tiền cho trường mầm non này thật là phí tiền. Cô giáo quá vô trách nhiệm. Hôm nay con tôi đi học về, quần ướt nhẹp nhưng cô không hề hay biết". Tuy nhiên, điều mà ông bố này không biết đó là anh đã nhắn nhầm vào nhóm có cả cô giáo.

Khi một người khác nhắc nhở: "Nhắn nhầm nhóm lớp rồi", ông bố muốn thu hồi nhưng không kịp nữa. Cô giáo đã có phản hồi. Giáo viên này nói rằng khi ở trường đứa trẻ vẫn chưa tè trong quần. Đồng thời khẳng định, họ đang chăm sóc từng đứa trẻ bằng cả trái tim và tình thương của mình. Cô không quên nhắc phụ huynh nên chú ý hơn đến việc trau dồi khả năng tự chăm sóc của con cái. Câu trả lời của giáo viên khiến ông bố xấu hổ, chỉ im lặng chứ không đáp lại.

Khi cha mẹ không hài lòng với việc giáo viên quản lý trẻ không tốt, bạn có thể trao đổi trực tiếp. Nếu chỉ im lặng hoặc phàn nàn sau lưng, giáo viên sẽ không biết phụ huynh quan tâm đến điều gì, dẫn đến mối quan hệ hai bên ngày càng xấu đi.

Ngoài ra, khi sử dụng nhóm lớp, giáo viên và phụ huynh phải tuân thủ các quy tắc chung, chú ý ngôn ngữ văn minh, không văng tục.

Nhiều người cũng nhận định, trong sự việc trên, ngoài cách ứng xử thiếu tế nhị của ông bố thì nếu sự thật như cô giáo nói, rõ ràng đứa trẻ chưa được chuẩn bị những kỹ năng tự chăm sóc tốt. Trên thực tế, nhiều cha mẹ vẫn cho rằng con còn nhỏ, đi học sẽ tự hiểu chuyện. Nhưng một lớp học thường rất đông học sinh, một hai cô giáo không thể chăm sóc chu đáo như cha mẹ.

Bởi vậy trước khi cho con đi học, cha mẹ hãy dạy cho con những kỹ năng cơ bản để con có thể đáp ứng và thích nghi với môi trường mới.

Những kỹ năng cần trang bị cho trẻ trước khi đi học mầm non

1. Kỹ năng tự chăm sóc bản thân khi ở nhà

Đến giờ phút này thì cha mẹ cần nghiêm túc kiểm điểm lại xem các con đã học hết các kỹ năng tự chăm sóc bản thân hay chưa: Tự xúc ăn; đói biết lấy đồ ra ăn; biết kẹp bánh mì với bơ, pate để ăn; biết tắm; đi toilet lau rửa sạch sẽ; biết tự lấy quần áo ra mặc; thay quần áo và tự giặt sạch; ở nhà một mình biết tránh các vật dụng nguy hiểm... Nếu con còn thiếu những kỹ năng nào, cha mẹ cần phải bổ sung ngay.

2. Kỹ năng hoàn thành công việc được giao

Vào lớp 1 trở đi, khả năng con có bài tập về nhà hay bài tập cuối tuần là có. Vì thế, các cha mẹ nên tập cho con thói quen phải hoàn thành tốt công việc được giao. Bây giờ chưa có bài tập nhưng cha mẹ có thể giao cho con trách nhiệm và yêu cầu hoàn thành trong một thời gian ngắn nào đó. Tuyệt đối không giúp con làm để con quen với việc sẽ có những trách nhiệm phải tự làm một mình và sau này sẽ không mè nheo bố mẹ.

3. Kỹ năng bảo quản đồ dùng của chính mình

Đi học là con sẽ mang theo rất nhiều đồ dùng và chuyện trẻ mất đồ hồi lớp 1 là vô cùng phổ biến. Cha mẹ có thể dạy con kĩ năng giữ gìn đồ bằng việc yêu cầu con tự đeo balo (không mang giúp con), tự sắp đồ trong balo, tự kiểm đồ và nếu mất đồ sẽ bị phạt. Sau vài lần con sẽ rút ra kinh nghiệm và biết cách bảo quản đồ đạc tốt hơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày