Trong cuộc sống muốn được nhận vào làm một công việc nào đó, ai rồi cũng sẽ phải trải qua những lần phỏng vấn xin việc. Đương nhiên chuyện rớt đậu cũng là điều không thể tránh khỏi. Miễn là sau những lần như thế bạn đủ tinh tế nhận ra bài học kinh nghiệm để bản thân trưởng thành và cố gắng hoàn thiện mình hơn cho những lần tiếp theo.
Liên quan tới chuyện phỏng vấn xin việc này, mới đây trên mạng xã hội xuất hiện một bài viết kể lại hành trình đi xin việc của một bạn sinh viên năm hai được rất nhiều người chú ý.
Theo như chia sẻ của cô nàng, bản thân đã rất cố gắng trong cả hai lần phỏng vấn chỉ với hy vọng được nhận vào vị trí content cho một công ty. Tuy nhiên cả hai lần cô đều không qua và nhà tuyển dụng họ cũng không có thời gian rảnh để đưa ra được một lí do chi tiết hơn tại sao cô rớt.
Dù rất buồn, nhưng vì sự thắc mắc chưa được giải đáp nên cô đã viết cả "tâm thư" dài với mục đích tìm tới sự sẻ chia từ các bậc tiền bối, những người có kinh nghiệm dày dặn trong vấn đề xin việc. Đồng thời cô cũng muốn bày tỏ nỗi lòng với hy vọng xin được nhận vào một công việc liên quan tới viết lách. Nguyên văn bài viết của như sau:
"Tâm sự của một cô bé vừa rớt phỏng vấn lần 2. Em biết trượt phỏng vấn là chuyện hết sức bình thường như trà sữa phải có đường. Em chỉ là cô bé sinh viên năm 2 chập chững bước vào đời và được chào đón bằng vài cái tát yêu thương. Lần 1 bị đánh trượt vì nói xàm làm chị HR nghĩ mình không thích viết lách, huhu em không thích viết lách sao em dám ứng tuyển vô vị trí Content chị ơi.
Lần 2 bị trượt vì không phải người phù hợp nhất, ước gì chị nói cho em biết em không phù hợp ở đâu để em biết đường sửa huhu. Nhân đây anh chị HR cho em hỏi các anh chị cần gì ở 1 ứng viên vị trí CTV, TTS Content, Truyền thông, Marketing ạ? Em chỉ là cô bé nhỏ nhoi ao ước được cống hiến sức mình cho sự nghiệp viết lách, truyền thông và marketing thôi sao mà khó quá.
Em đã trăn trở mấy đêm liền và khóc huhu cả 1 dòng sông (em xạo cho nó vui ạ) với mong muốn nhỏ nhoi có được cơ hội thực tập. Ai đó hãy đến "vắt kiệt" chất xám của em đi, hứa sẽ ngoan và yêu thương các anh chị vô bờ bến".
Với lời kể hài hước, dí dỏm nghe qua tưởng rằng ai cũng sẽ thương cảm cho nữ sinh tội nghiệp. Thế nhưng, trái ngược hoàn toàn với điều này, ngay khi đăng tải ít giờ trong nhóm về chuyện công sở cô nàng lại nhận đủ gạch đá từ cộng đồng mạng. Thậm chí có một số nhà tuyển dụng tham gia trong nhóm đã thẳng thừng "mắng" cho cô nàng bài học nhớ đời.
"Vì em không thực sự nghiêm túc với công việc mình muốn làm, em không cho nhà tuyển dụng thấy rằng em thực sự muốn làm công việc về content. Mới phỏng vấn mà em đã nói xàm, thì trong công việc em lại nói lung tung, rồi em chán em nghỉ, nhà tuyển dụng lại mất thời gian tìm kiếm người thay em".
"Đến phỏng vấn còn nói xàm thì em nghiêm túc những lúc nào hỡi cô em bé nhỏ hài hước vui nhộn ơi?".
"Bản chất cái câu chuyện vòng vo này của em với mục đích xin việc cũng không nghiêm túc thì em đừng hỏi tại sao mãi không ai dám nhận. Vui thôi đừng vui quá, cái gì cũng có giới hạn, nghiêm túc lên xem nào".
Hẳn là sau lần này cô nàng không những tìm được lí do vì sao mình rớt phỏng vấn mà còn nhận ra được bài học đắt giá đầu đời khi đi xin việc. Chính cái thái độ không nghiêm túc lại còn "xàm" với HR trong quá trình phỏng vấn là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự thất bại trong cuộc phỏng vấn của cô nàng.
Không dừng lại ở đó, cũng thông qua câu chuyện lần này của nữ sinh năm hai, hy vọng nhiều bạn trẻ đã, đang và sắp có ý định xin việc hãy thật nghiêm túc trong cách hành xử khi phỏng vấn. Bởi người đời nói đâu có bao giờ sai "thái độ hơn trình độ".
Bạn có thể là một người rất xuất sắc nhưng ngay từ cái cách hành xử đầu tiên với nhà tuyển dụng trong cuộc phỏng vấn đã thể hiện bạn là một người không nghiêm túc thì có ai còn dám nhận vào làm. Huống hồ trong cuộc sống ngày nay nhân tài rất nhiều, chỉ cần bạn "lơ là" chút thôi là có thể tuột mất công việc yêu thích của mình.
Hãy là một người trẻ thông minh, ít nhất là để nhà tuyển dụng họ không đánh giá xấu bạn ngay từ lần đầu gặp gỡ.