Ngày nay dù diện tích nhà ở ngày càng thu hẹp, đặc biệt là ở khu vực thành phố, thì nhiều gia đình vẫn luôn cố gắng mang mảng xanh vào không gian sống bằng cách trồng cây cảnh. Việc này không chỉ đơn thuần để trang trí mà còn xuất phát từ mong muốn cải thiện phong thủy, tăng sinh khí và tạo cảm giác dễ chịu trong nhà.
Một trong những nơi lý tưởng nhất để trồng cây chính là phòng khách. Không gian này vừa rộng rãi, vừa là nơi đầu tiên tiếp nhận năng lượng từ ngoài vào nên việc bố trí cây cảnh hợp lý có thể giúp thanh lọc không khí, cân bằng sinh khí và tạo cảm giác thư giãn cho cả gia đình. Dưới đây là 4 loại cây xanh kích thước lớn, rất phù hợp để đặt ở phòng khách.
1. Cây phát tài (phất dụ)
Cây phát tài là loại cây được nhiều gia đình và văn phòng lựa chọn vì cái tên mang ý nghĩa rõ ràng: phát tài phát lộc. Không những vậy, loại cây này còn dễ trồng, dễ sống và đặc biệt phù hợp với người bận rộn.
Cây có dáng thân thẳng, vươn cao, lá xanh mướt và thường được trồng trong nước. Chỉ cần chuẩn bị một bình hoặc chậu có nước sạch, đặt cây vào là đủ để duy trì sức sống. So với các loại tre cảnh khác, cây phát tài núi không cần đất, ít sâu bệnh và không tốn công chăm sóc. Ngoài ra, thân cây có thể uốn tạo hình thành dạng tháp xoắn hoặc cầu kỳ hơn, phù hợp trang trí cho nhiều kiểu không gian. Không chỉ đẹp và dễ trồng, cây còn có khả năng hấp thụ một số khí độc trong không khí, góp phần giúp không gian sống sạch hơn.
Lưu ý khi chăm sóc cây phát tài:
- Mực nước lý tưởng là khoảng 10cm, không nên đổ quá đầy
- Cắt xéo phần gốc để cây dễ hút nước hơn
- Loại bỏ lá phía dưới gần gốc để tránh thối khi ngập nước
- Thay nước 2-3 ngày/lần trong giai đoạn chưa ra rễ. Khi đã bén rễ thì chỉ cần thay khi thấy nước vẩn đục
- Có thể nhỏ thêm dung dịch dinh dưỡng định kỳ 7-10 ngày một lần
- Tránh để cây dưới ánh nắng gắt, đặt nơi có ánh sáng khuếch tán là tốt nhất
2. Cây hạnh phúc
Không chỉ có cái tên đầy ấm áp, cây hạnh phúc còn là một trong những loại cây cảnh lý tưởng để trồng trong phòng khách. Lá của cây bóng mượt, xanh tươi quanh năm và nếu chăm tốt còn có thể nở hoa - điều khá hiếm với cây cảnh trong nhà.
Cây tượng trưng cho sự viên mãn, đủ đầy và đặc biệt thích hợp đặt gần sofa hoặc gần cửa ra vào để vừa tạo điểm nhấn vừa thu hút năng lượng tích cực.
Lưu ý khi chăm sóc cây hạnh phúc:
- Dùng đất tơi xốp, thoát nước tốt
- Bổ sung dung dịch sắt khoảng mỗi 3 tháng để đất duy trì độ chua nhẹ, cây xanh lá hơn
- Cần tưới nước đều, nhất là vào mùa hè khi độ ẩm dễ bị thất thoát
- Ưa sáng nhẹ, không nên đặt cây ở nơi tối hoặc thiếu sáng quá lâu
- Khi cây lớn nhanh, nên cắt tỉa bớt cành để giữ dáng đẹp và không tốn dinh dưỡng
3. Cây kim tiền
Cây kim tiền gần như là biểu tượng của sự may mắn và giàu có. Từ văn phòng, quầy lễ tân khách sạn cho đến phòng khách gia đình, đâu đâu cũng dễ thấy sự xuất hiện của loài cây này.
Cây có thể trồng dạng nhỏ đặt bàn hoặc loại cao đặt sàn. Dáng cây mạnh mẽ, thân dày có khả năng giữ nước nên khá chịu hạn. Đặc biệt, sau thời gian dài chăm sóc tốt, kim tiền có thể trổ hoa. Dù hiếm gặp, nhưng nếu cây ra hoa thì đó là điềm lành, tượng trưng cho sự hanh thông, tài lộc đến bất ngờ.
Lưu ý khi chăm sóc cây kim tiền:
- Cây ưa ánh sáng nhẹ, cần phơi nắng sáng vào mùa thu đông, tránh nắng gắt mùa hè
- Chỉ nên tưới khi đất đã khô hẳn, tránh để đất luôn ẩm
- Khi thay chậu, có thể trộn thêm một lượng phân lót vừa đủ
- Dùng đất tơi, có độ thoáng như đất trộn với cát hoặc đất tribat
- Trồng kim tiền trong chậu nhỏ sẽ dễ tạo dáng cây đẹp và gọn gàng hơn
4. Cây ngũ gia bì
Cây ngũ gia bì rất quen thuộc trong công viên, bồn cây ven đường, nhưng ít ai biết nó cũng là một trong những loại cây cảnh cực kỳ đáng trồng trong nhà. Cây còn được gọi là cây chân chim hoặc bát phương tụ tài vì mỗi cụm lá xòe ra giống như bàn tay đang đón lộc bốn phương.
Dáng cây thẳng đứng, thân vươn cao, lá sum suê nhưng không rậm rạp, rất hợp để đặt ở một góc phòng khách, đặc biệt là nơi nhiều ánh sáng.
Lưu ý khi chăm sóc cây ngũ gia bì:
- Cần đặt nơi có nắng, càng sáng cây càng xanh tốt
- Cây chịu hạn tốt, chỉ nên tưới khi mặt đất đã khô khoảng 3cm
- Mùa xuân và hè nên tưới 5-7 ngày một lần, đông có thể cách 15-30 ngày
- Cây phát triển nhanh, cần bón phân định kỳ để không bị còi cọc
- Nên tỉa gọn cành để giữ dáng và tránh cành mọc lộn xộn