Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: "Diệt lăng quăng bọ gậy là gốc rễ phòng chống sốt xuất huyết"

Định Nguyễn, Theo Thời Đại 15:35 26/07/2017

Trước diễn biến phức tạp về tình trạng người bị sốt xuất huyết ngày một gia tăng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) kêu gọi cả cộng đồng cùng chung tay tiêu diệt muỗi, lăng quăng bọ gậy. Đây là gốc rễ phòng chống sốt xuất huyết.

Trong cuộc họp báo tại Bộ Y tế trưa ngày 26/7, PGS.TS.Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp và số người nhiễm virus sốt xuất huyết ngày càng tăng, một số bệnh viện trung ương quá tải, toàn thể cộng đồng cần nêu cao quyết tâm diệt muỗi, tránh lây lan trong khu dân cư. 

Theo ông Dương, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết chiếm số lượng lớn trong TP Hồ Chí Minh và khu vực miền Tây vì tại đó người dân rất hay lưu trữ nước trong lu, bình, bể nước,... 

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Diệt lăng quăng bọ gậy là gốc rễ phòng chống sốt xuất huyết - Ảnh 1.

PGS.TS.Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

"Còn hiện nay, tại Hà Nội do có tình trạng mất nước nên người dân trữ nước nhiều. Tuy nhiên, ở đâu cũng vậy khi tích trữ nước cần đậy bể nước lại, thường xuyên lau dọn hoặc thả cá vào bể nước để tiêu diệt bọ gậy cũng như không để cho muỗi có môi trường sinh sản", PGS.TS.Trần Như Dương chia sẻ. 

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, trong đợt dịch sốt xuất huyết hoặc nơi nào có nguy cơ lây nhiễm cao thì việc phun muỗi và chủ động phun diệt muỗi là điều rất cần thiết. 

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Diệt lăng quăng bọ gậy là gốc rễ phòng chống sốt xuất huyết - Ảnh 2.

Người dân cần chủ động phun dịch muỗi để phòng chống dịch sốt xuất huyết.

"Khi ổ dịch có nguy cơ cao, việc chủ động phun dịch muỗi chỉ tính nhất thời, chỉ diệt được con muỗi trưởng thành mà đang có nguy cơ hoặc đang nhiễm virus mang mầm bệnh. Việc phun thuốc trong thời điểm dịch là rất cần thiết để tiêu diệt nhanh, gọn muỗi, ngăn chặn kịp thời lây truyền. Nhưng gốc của vấn đề mang tính chất lâu dài là việc diệt lăng quăng và bọ gậy.

Hiện chưa có vắc xin diệt lăng quăng bọ gậy nên diệt loại này là quan trọng nhất và mang tính lâu dài. Vì nếu vừa diệt muỗi hôm nay mà không diệt lăng quăng bọ gậy thì sau 4-5 ngày trứng nở ra bọ gậy rồi thành muỗi. Người dân phải diệt bọ gậy hàng ngày, thường xuyên, liên tục", ông Dương nhấn mạnh. 

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Diệt lăng quăng bọ gậy là gốc rễ phòng chống sốt xuất huyết - Ảnh 3.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.

Qua đây, ông Dương cũng kêu gọi: "Người dân phải là chủ thể trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Làm sao để mỗi gia đình phải thành pháo đài, mỗi người dân phải là một chiến sĩ trong việc diệt lăng quăng bọ gậy, hàng ngày hàng giờ, thì mới thành công được". 

Trao đổi về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết người dân cần chủ động mọi biện pháp phòng tránh, bôi kem thoa chống muỗi. Việc phun hóa chất diệt muỗi phải lựa chọn, do cơ sở y tế trực tiếp phun nếu phun không đúng loại thuốc đặc trị có thể muỗi sẽ quay lại. 

Trong 7 tháng đầu năm 2017 cả nước ghi nhận gần 60.000 trường hợp mắc (Trong đó có hơn 50.000 trường hợp nhập viện), có 17 trường hợp đã tử vong.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài thời gian tới, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ mỗi cộng đồng thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng để phòng chống dịch:

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ không chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa, bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ...

+ Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

+ Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

+ Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.