Sau Thần Tượng của đạo diễn Quang Huy, bẵng đi gần một năm người ta mới gặp lại anh với cương vị đạo diễn phim. Với Chàng Trai Năm Ấy lần này, anh tiếp tục cho thấy mình là một vị đạo diễn rất thức thời khi điểm trúng chỗ thiếu của điện ảnh Việt: một phim tươi mới và nói về đề tài tuổi thanh xuân.
Kế thừa được ưu điểm của Thần tượng, Chàng Trai Năm Ấy có những khung hình đầy màu sắc, những góc quay đủ đẹp, đủ sâu như một MV ca nhạc. Dàn diễn viên không quá xuất sắc nhưng đủ tròn vai. Phim đặc biệt cho thấy sự thăng hoa của Sơn Tùng trong vai trò diễn viên. Vốn có những biểu cảm đa dạng trên sân khấu, việc tìm một bộ phim để cậu bé tài năng này vẫy vùng là điều sớm muộn. Với Chàng Trai Năm Ấy, Sơn Tùng đã có thể đặt hòn gạch đầu tiên nhưng vững chắc nếu có ý định tấn công điện ảnh trong tương lai.
2. Trúng Số
Ra mắt âm thầm nhưng Trúng Số lại là phim gây nhiều tiếng vang nhất trong dịp đầu năm và xóa đi định kiến phim Tết “nhàm”, “vô vị” cố hữu. Phim là câu chuyện đặc sắc và khác biệt về lòng tốt của những con người nơi vùng quê nghèo. Nơi ấy có cô Thơm hiền lành đi bán vé số, “lãnh đạo huyện” Tư Phi vừa ở tù ra, một anh Tư Nghĩa lái xe ba gác chỉ ham mua vé số và… ăn hột vịt lộn sống vui vẻ cùng cô vợ đanh đá, một bé Hường “nữ hoàng thẩm mỹ” đang đi tìm cơ hội đổi đời.
Phim có cách tiếp cận ngược, làm một trailer mang đặc tính “hài nhảm” rồi làm khán giả bất ngờ khi nó nghiêm túc hơn tưởng tượng. Khán giả bị cuốn theo những tình huống xảy đến bất ngờ với những người lao động nghèo. Cười thoải mái, thích thú rồi thương và đồng cảm với họ. Trúng Số là chuyện họa được hơn phúc và của thiên rồi cũng trả địa mà thôi.
Phim có phần kịch bản chỉn chu, thoại thâm thúy và lối diễn hài nhẹ nhàng. Không dừng ở đó, phim còn là sự thăng hoa của dàn diễn viên. Bất ngờ nhất là Dustin Nguyễn, nam diễn viên Việt kiều đã có những tiến bộ nhất định về việc đọc thoại và thể hiện cảm xúc. Kết hợp với Thu Trang, cả hai tạo thành một cặp đôi ấn tượng trên màn ảnh.
3. Ma Dai
Hài hước và tròn đầy là những gì người ta nghĩ tới khi nói về Ma Dai. Phim đã khéo léo sử dụng một câu chuyện ma mới mẻ và “hư cấu” để kể những câu chuyện khác về tình người và tình yêu.
Phim khắc phục được căn bệnh lê thê, dài dòng trầm kha của phim Việt bằng những tình tiết có kết dính với nhau. Đường dây kịch bản được phát triển cẩn thận, không thừa, không thiếu. Bên cạnh đó còn là những góc quay được lựa chọn kỹ càng và khai thác tốt. Phim có yếu tố ma quỷ nhưng không làm khán giả sợ sệt mà lại đem lại tiếng cười duyên dáng cũng như những bài học thâm thúy về cuộc sống, về tình yêu và mất mát. Hơi khiên cưỡng và “xi nê hóa” khi để hai nhân vật chính yêu nhau nhưng có thể nói bộ phim đã chứng minh được câu nói mà khán giả được nghe xuyên suốt phim: “Tình yêu và cái chết thật ra rất giống nhau. Nó xảy ra bất ngờ, tình cờ và không thể nào cưỡng lại được”
4. Dịu Dàng
2015 có thể được xem là năm nở rộ tài hoa của Dustin Nguyễn. Sau khi được khen nức nở khi làm đạo diễn và đóng phim hài, anh lại khiến giới mộ điệu tiếp tục kinh ngạc khi thấy anh thử sức ở thể loại phim tâm lý tối tăm. Dịu Dàng chắc chắn không phải là một tác phẩm dễ xem và dễ hiểu nhưng chắc chắn sẽ làm ai đã xem qua phải nhớ.
Bên cạnh sự thăng hoa của Dustin Nguyễn, Dịu Dàng còn chứng kiến sự thăng hoa của diễn viên trẻ Thanh Tú trong vai Linh, cô gái sớm bị gả cho ông chủ tiệm cầm đồ Thiện (Dustin Nguyễn) và sự thăng hoa của đạo diễn Lê Văn Kiệt. Được chuyển thể từ tác phẩm Một Sinh Vật Dịu Dàng của đại văn hào Fyodor Dostoyevsky nhưng phim là một sự sáng tạo thú vị của đạo diễn. Anh mang hình ảnh cuộc sống ở nông thôn Nam Bộ lên rất đặc trưng rồi “dỡ” nhân vật, cách kể chuyện ra để làm lại theo ý mình. Ánh sáng vàng vọt u tối, căn nhà lạnh lẽo như nhà xác, sự thiếu vắng nhạc nền tạo một bầu không khí căng thẳng và thúc đẩy những mâu thuẫn xung quanh hai nhân vật chính.
5. Quyên
Được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, Quyên kể về một cô gái Việt Nam xinh đẹp sống chật vật trên đất khách vào thời kỳ bức tường Berlin sụp đổ. Cách dựng phim cũ kỹ, diễn viên không thuyết phục được khán giả qua diễn xuất nhưng Quyên lại làm họ mềm lòng vì tuyết trắng, thu vàng nơi nước Đức xa xôi cùng cuộc sống cực khổ và khắc nghiệt của cộng đồng người Việt xa xứ của thế kỷ trước. Những phiên chợ trời kéo dài từ sáng sớm canh ba cho đến tận khuya, sự tranh giành địa bàn bảo kê, sự hà khắc của đất khách... tất cả được chuyển tải đến người xem với vô vàn những cảm xúc.
Chưa thể xem là hoàn hảo nhưng Quyên vẫn là một dấu ấn đẹp của năm 2015 khi đã có hãng phim tư nhân, có đạo diễn đã chú trọng vào việc đầu tư nghiêm túc cho phim nghệ thuật và bứt dần khỏi thể loại hài nhảm, phim kinh dị, phim đồng tính để tìm đến những đề tài khó khai thác hơn.
6. Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh
Một giải Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam cùng doanh thu 78 tỷ là những gì xứng đáng với tác phẩm Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh. Phim chứng kiến hai cú bắt tay lớn: một của hãng phim nhà nước và nhà phát hành tư nhân, một của nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh và đạo diễn triệu đô Victor Vũ.
Với Tôi Thấy Hoa Vàng Cỏ Xanh, làng quê Việt Nam hiện lên sống động thú vị chứ không phải chỉ là đồng lúa, con trâu thoáng qua như cách làm phim cũ kỹ. Con nít có nhiều khía cạnh tâm lý đặc sắc chứ không chỉ đơn giản là những đứa trẻ xinh và ngoan. Phim đã tạo ra một cơn sốt mạnh mẽ với khán giả Việt: mỗi hình ảnh thông tin về phim đều có hàng ngàn lượt xem và chia sẻ, khán giả khóc cười, bùng nổ cảm xúc khi phim chiếu, họ có mâu thuẫn nhưng tranh luận với nhau bằng những cách rất lịch sự, họ đưa phim trở thành trào lưu chế ảnh mạnh mẽ không thua những bom tấn Hollywood.
Hơi tiếc là phim không kịp đem đi tranh giải Oscar 2016, tuy nhiên với những gì đã làm được, Tôi Thấy Hoa Vàng Cỏ Xanh đã được một giải thưởng lớn trong lòng cộng đồng người yêu phim nói chung.
7. Mỹ Nhân
Sau Long Thành Cầm Giả Ca và Khát Vọng Thăng Long, Việt Nam tiếp tục có một phim lịch sử khá ổn. Tiếc là phim bị scandal trang phục khiến khán giả vốn đã dị ứng với phim sử, phim nhà nước lại càng có định kiến hơn. Câu chuyện về chúa Nguyễn Phúc Tần được kể khá trọn vẹn trên màn ảnh, trầm bổng dù tiết tấu hơi chậm. Bên cạnh Quách Ngọc Ngoan vốn có khuôn mặt và khí khái hợp bậc quân vương, hiền tài còn có Kim Hiền trọn vai Tống Thị mưu mô sắc sảo, Triệu Thị Hà hiền thục trong vai mỹ nữ yểu mệnh Thị Thừa.
Phim mang cả yếu tố tuyên truyền như chi tiết địa đồ “Vạn Lý Trường Sa” nhưng lại gọn gàng, khách quan và không phản cảm. 500 triệu doanh thu trong con số đầu tư 16 tỷ chỉ là muối bỏ bể nhưng tin mừng là Mỹ Nhân đã làm cho khán giả thích và khiến họ có hy vọng vào những phim sử Việt nếu nhà nước còn manh mún muốn làm.
8. 12 Chòm Sao: Vẽ Đường Cho Yêu Chạy
Vào những ngày tháng 11 ảm đạm thì 12 Chòm Sao: Vẽ Đường Cho Yêu Chạy xuất hiện như một nguồn nước mát. Khi chưa ra mắt, phim bị đánh giá thấp vì dính mác “ngôn tình” sến sẩm và dàn diễn viên thiếu siêu sao, tuy nhiên sau khi công chiếu lại gây tiếng vang. Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng đã xây dựng một câu chuyện “hư cấu” nhưng lại khiến người ta yêu thích và đồng ý lạc trong thế giới hư cấu đó.
Tình yêu và chân dung những người trẻ trong tình yêu được tạo ra khéo léo. Không khí của phim cũng tươi mới, trẻ trung còn phần nhạc phim thì có những ca khúc phù hợp và dễ gây nghiện. Không cần quá sâu sắc hay trầm mặc tỏ vẻ nguy hiểm, xem xong phim hẳn khán giả cũng tràn cảm xúc về tuổi trẻ yêu dấu hay nhặt được vài bí kíp nho nhỏ để ứng xử trong tình yêu.
9. Yêu
Phim đồng tính nam điện ảnh Việt không thiếu nhưng đồng tính nữ thì sau Chơi Vơi mới chỉ có Yêu dám mạnh dạn khai thác. Ngay lập tức, phim đã nhận được sự chú ý từ nhiều khán giả. Nội dung không quá mới mẻ, lại còn được làm lại từ một bộ phim nổi tiếng của Thái Lan nên khi xem Yêu khán giả xem Chi Pu, Gil Lê, B Trần và Phở Đặc Biệt là chính. Dàn diễn phim trẻ trung đã thổi hồn cho phim.
Dẫu không quá xuất sắc nhưng sự ra đời của 12 Chòm Sao: Vẽ Đường Cho Yêu Chạy rồi liên tiếp đó là Yêu đã khiến những người nhạy với nghề điện ảnh dự đoán: chuẩn bị có một lớp đạo diễn mới, một luồng gió mới đến với điện ảnh Việt Nam.
10. Em Là Bà Nội Của Anh
Trở thành hiện tượng mạnh mẽ trong những ngày cuối năm 2015 là Em Là Bà Nội Của Anh. Bộ phim gây ồn ào từ lúc tuyên bố dự án vì… cái tên phản cảm và gắn mác “đạo, nhái” Miss Granny của Hàn Quốc dù thực ra Việt Nam đã mua bản quyền để chuyển thể.
Bỏ qua câu chuyện vẫn đấu đá mãi trên các mặt báo là sự sáng tạo của Phan Xine (Phan Gia Nhật Linh), điểm tích cực là chúng ta đã có một phim vỏ Hàn, hồn Việt. Những chi tiết như tô bún bò Huế, áo dài Việt, nhạc Trịnh, ca sĩ cải lương Thanh Nga… được lồng ghép một cách nuột nà vào phim để khán giả không phải băn khoăn nhiều mà chỉ tập trung thưởng thức tác phẩm.
Phim đã khắc phục khuyết điểm trong hai bản phim Hàn và Trung để tạo nên một tác phẩm chỉn chu và có cảm xúc. Không chỉ người Việt khen phim Việt mà chính đại diện từ CJ Hàn Quốc cũng có những lời khen ngợi tích cực cho Em Là Bà Nội Của Anh. Phim cũng mở ra một hướng đáng suy ngẫm cho phim Việt là sử dụng kịch bản nước khác và “Việt hóa”. Có thể đây không phải là cách xuất sắc nhất nhưng nếu làm hay, phim Việt cũng sẽ có một loạt phim mới mẻ hơn so với những đề tài bình thường. Gu thẩm mỹ của khán giả cũng cao hơn khi giờ đây bên cạnh việc xem những phim tốt họ còn có những phim gốc nước khác để so sánh.
Tạm kết
Nhìn vào quá trình vận động trong năm 2015 của điện ảnh Việt, có thể nói năm nay không có những tác phẩm đặc biệt xuất sắc nhưng có những dấu ấn riêng. Đầu tiên, điện ảnh Việt đã không còn là sân chơi của những Việt kiều mà đã có sự xuất hiện của giới đạo diễn 8X trẻ, thức thời và năng động. Họ tư duy khác, sử dụng những chất liệu làm phim khác. Những người trẻ này là những “hạt giống tiềm năng” cho mùa phim Việt mới. Tiếp theo đó, 2015 cũng chứng kiến những tác phẩm giàu tính nghệ thuật được đầu tư nghiêm túc và dễ tiếp cận hơn. Khán giả bắt đầu để ý tới những tác phẩm này rồi loại trừ dần những bộ phim hài nhảm nhí, dễ dãi.
Một vài dấu hiệu đáng mừng từ nhà làm phim cũng như khán giả, một vài xu hướng điện ảnh mới bắt đầu nhen nhóm hình thành. Hy vọng qua năm 2016, phim Việt sẽ có những bước tiến mạnh mẽ hơn và đạt nhiều thành công hơn nhờ những gì mà năm 2015 đã đặt nền tảng.