Bên cạnh những ngày chính của dịp Tết Nguyên đán, vào tháng Giêng, tức tháng 1 Âm lịch, trên mọi miền tổ quốc còn có những lễ hội văn hoá đặc sắc. Tại những lễ hội này, du khách tham gia sẽ có cơ hội được tìm hiểu thêm về những nét đẹp văn hoá truyền thống của từng địa phương tổ chức, thông quá các hoạt động hay nghi lễ khác nhau.
Ước tính có khoảng hàng trăm lễ hội lớn nhỏ, rải rác trên mọi miền tổ quốc vào tháng Giêng âm lịch. Trong số đó, có một ngày hội vô cùng đặc biệt. Đây là một phiên chợ, cả năm chỉ họp duy nhất 1 lần từ đêm mồng 7 đến hết ngày mồng 8 tháng Giêng, và lại nhộn nhịp nhất vào nửa đêm và rạng sáng.
Phiên chợ đặc biệt đang được nhắc tới là phiên chợ Viềng, diễn ra tại xã Kim Thái (bao gồm huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km.
Chợ Viềng Nam Định là một trong những phiên chợ, một ngày hội đặc biệt nhất vào tháng Giêng Âm lịch hàng năm (Ảnh Focus Asia Travel)
Như đã nói ở trên, chợ Viềng chỉ họp duy nhất một lần từ đêm ngày mồng 7 tháng Giêng Âm lịch và kết thúc vào cuối ngày mồng 8. Tại đây, bán đa dạng các loại mặt hàng khác nhau. Có thể kể tới như cây cảnh, cây trồng ăn quả, các loại nông sản, đặc sản, thực phẩm hay các loại đồ dùng hàng ngày, đồ dùng ban thờ, đồ trang trí... Không chỉ là một phiên chợ đơn thuần, phục vụ cho việc mua và bán, dân gian quan niệm rằng, chợ Viềng là phiên chợ "mua may bán rủi". Dù là mua thứ gì, cả người mua và người bán đều luôn vui vẻ, tươi cười, với mong muốn như để đón một năm mới bình an, may mắn.
Ngoài ra, cái tên "Viềng" là từ Hán Việt, có nghĩa là thăm hỏi, viếng thăm, trò chuyện. Bởi vậy, khi tham gia phiên chợ, người ta cũng không bắt buộc phải mua bất kỳ món hàng nào. Đôi khi, mọi người chỉ cần gặp gỡ, chào hỏi, trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp vào ngày đầu năm mới đã là đáng quý.
Phiên chợ Viềng "mua may bán rủi" với đa dạng các mặt hàng, thu hút đông đảo du khách (Ảnh Báo Đại Đoàn Kết)
Theo thông tin trên Trang thông tin Điện tử xã Vĩnh Hào - huyện Vụ Bản, chợ Viềng hàng năm thu hút hàng trăm gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm. Các sản phẩm này đều từ các làng nghề truyền thống hay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong và ngoài hiệu. Từ đó, chợ Viềng cũng trở nên hấp dẫn hơn qua từng năm với các du khách.
Ước tính vào năm 2023, có hàng chục nghìn lượt người về chợ Viềng để "mua may bán rủi", tham quan, vãn cảnh hay chỉ đơn giản là hoà mình vào không khí tấp nập, nhộn nhịp của một trong những phiên chợ xuân đặc biệt nhất dịp đầu năm mới. Những vị khách tới chợ có người già người trẻ, có cả người bản địa và cả những vị khách từ những địa phương lân cận khác. "Năm nào mình cũng đi, rộng mà rất đông, đi bộ 2-3km mới hết mà đâu cũng thấy người, rất náo nhiệt", chị Riley Nguyễn (đến từ Hà Nội) chia sẻ.
"Đến chợ Viềng, tôi chủ yếu là du lịch đầu xuân, dự định mua một chút cây để lấy lộc đầu xuân. Và đến đây thì tôi cảm thấy không gian của chợ rất vui. Tôi đã mua được cây sung để đem về nhà, theo các cụ quan niệm thì mua sung để sung túc và mong một năm mới gia đình sung túc và bình an", anh Bùi Tiến Linh (đến từ Hải Phòng) cho biết.
Lượng đông khách đến với chợ Viềng và mong muốn mua được "lộc" như các loại cây cảnh (Ảnh Báo Đại Đoàn Kết)
Theo những du khách đã từng tham gia chợ Viềng, thời điểm chợ thu hút đông đảo khách nhất là vào chính đêm đầu tiên - thời điểm đêm mồng 7, rạng sáng ngày mồng 8. Nhiều người cũng cho biết, cái cảm giác chen lấn trong dòng người đông nghịt là trải nghiệm vô cùng đặc biệt chỉ có ở chợ Viềng.
"Đi lúc chợ đông nghịt mới vui. Phong tục họp chợ Tết hàng năm của quê hương mình rất ý nghĩa", chị Quyên Đỗ (đến từ Nam Định) nhận xét. Cũng bởi dòng người đông đúc, nên du khách có ý định tham gia cần đặc biệt chú ý về vấn đề tự bảo vệ các tư trang, tài sản cá nhân. Ngoài ra khi đi chợ Viềng, nên chuẩn bị một đôi giày thoải mái, vừa chân để đi không bị mỏi.
Ngoài tham gia phiên chợ Viềng đêm, du khách có thể tham quan một số điểm đến khác gần khu vực hay nằm trong địa bản tỉnh Nam Định, để chuyến du xuân thêm phần trọn vẹn. Một số gợi ý có thể kể tới như quanh chợ là chùa Đại Bi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh; quần thể di tích Phủ Dầy thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, làng cây cảnh Vị Khê. Xa hơn có đền Trần, chùa Phổ Minh hay còn gọi là chùa Tháp, bảo tàng Dệt Nam Định.
Phủ Dầy là địa điểm ngay gần chợ Viềng mà du khách có thể ghé thăm (Ảnh Báo Tổ quốc)