Cũng như Halloween, Pangangaluluwa của Philippines được tổ chức vào ngày 31/10 hàng năm. Tuy nhiên, nó sẽ không kết thúc ngay mà kéo dài thêm 2 ngày đầu của tháng 11.
Ở Philippines, Pangangaluluwa không được xem là ngày nghỉ lễ. Trừ khi vô tình rơi trúng Chủ nhật, còn không thì mọi người vẫn phải đi làm. Có điều, rất nhiều công nhân viên chức đã sắp xếp trước, xin nghỉ phép để về quê (nếu ở xa) để chuẩn bị cho Pangangaluluwa.
Khác với Halloween quen thuộc là đêm hóa trang, chọc ghẹo và xơi kẹo, Pangangaluluwa là khoảng thời gian tưởng nhớ người đã khuất. Từ khoảng một tuần trước ngày cuối tháng 10, ban quản lý các nghĩa trang đã tất bật. Họ lo dọn dẹp cỏ dại, sơn lại các ngôi mộ, sửa sang lối đi, sẵn sàng đón tiếp các gia đình.
Nếu sắp xếp được thời gian, cư dân Philippines cũng ghé nơi chôn cất, tự tay dọn dẹp phần mộ thân nhân. Đến ngày 31/10, tất cả các phần mộ đều đã sạch bóng. Người Philippines từ khắp các ngả đổ vào các nghĩa trang. Pangangaluluwa vừa là dịp tưởng nhớ tổ tiên, vừa là dịp đoàn tụ anh em, bạn bè. Họ thắp nến sáng trưng, cắm hoa trước bia mộ, thành khẩn cầu nguyện sự bình an cho linh hồn người đã mất.
Cuối tháng 10, cảnh sát giao thông Philippines sẽ được huy động toàn lực lượng, làm việc không ngừng nghỉ. Từ các bến xe buýt đến cảng biển, sân bay, chỗ nào cũng nườm nượp người.
Trên thị trường, giá 2 mặt hàng cơ bản của nghi thức phúng viếng là hoa và nến tăng vọt. Ngoại trừ hoa và nến, người Philippines còn phải lo sắm sửa nguyên liệu nấu thức ăn, đồ uống.
Suốt ngày 31/10, người lớn trong các gia đình bận rộn chuẩn bị cơm nước. Họ cần nấu rất nhiều để ngày hôm sau mang tới nơi chôn cất, cúng tế tổ tiên, mời anh em, hàng xóm, bạn bè.
Trước Pangangaluluwa một tuần, các nghĩa trang đã được dọn dẹp sạch sẽ
Ngày mùng 1-2/11, các nghĩa trang đều đông nghìn nghịt người. Cơ quan chính quyền, cảnh sát địa phương phải cắt cử thêm nhân viên tuần tra, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh công cộng. Những người buôn bán lẻ tấp nập bưng bê, bày hàng gần nghĩa trang. Họ bán hoa, nến, đồ ăn nhanh và nhiều thứ lặt vặt khác.
Mặc dù khác biệt hoàn toàn với Halloween của phương Tây, Pangangaluluwa cũng có hoạt động hóa trang thành ma quỷ. Nhưng người hóa trang không phải đám con nít hay người lớn thích đùa, mà là nhóm biểu diễn hát múa nghiệp dư.
Nhóm biểu diễn Pangangaluluwa sẽ hoạt động trước ngày 31/10, thường là trong 3 ngày, từ 27-30/10. Về cơ bản, nó giống với hoạt động múa lân trước dịp Tết Trung Thu ở Việt Nam.
Các nhà hảo tâm rất thích hoạt động trình diễn này. Một số người còn chuẩn bị sẵn kẹo bánh, thức ăn để thiết đãi. Trước khi rời đi, nhóm biểu diễn Pangangaluluwa tặng lại gia chủ hào phóng một vài món quà lưu niệm (thường là nến trang trí).
Thắp nến hoặc đốt lửa sáng rực nơi chôn cất
Kỳ thực, nhóm biểu diễn Pangangaluluwa chỉ mới xuất hiện gần đây. Họ bắt đầu hoạt động vào năm 2005, tại Thị trấn Sariaya, Quezon. Mục đích của nhóm là gây quỹ tổ chức, khôi phục lễ hội truyền thống Pangangaluluwa.
Kể từ khi bước vào thế giới hiện đại, Pangangaluluwa ở Philippines đã bị nhiều người bỏ rơi. Hiện tại, nó vẫn được tiếp tục, nhưng dường như chỉ giới hạn trong khu vực nông thôn, miền núi. Tại các khu vực thành thị, Pangangaluluwa gần như bị lãng quên hoàn toàn.
Ở cùng thân nhân đã khuất suốt 3 ngày
Pangangaluluwa bây giờ cũng không còn giống ngày xưa. Theo Ủy ban Văn hóa và Nghệ thuật Quốc gia (National Commission for Culture and the Arts-NCCA) của Philippines, Pangangaluluwa truyền thống còn đặc trưng bởi những người tham gia hóa trang, giả dạng linh hồn. Họ quấn chăn mỏng màu trắng, xuất hiện lúc nửa đêm, lang thang gõ cửa từng nhà, hát thánh ca, xin quyên góp và cầu nguyện cho các linh hồn đã khuất.
Mới cách đây vài chục năm, đám trẻ con vẫn bị cha mẹ đánh thức giữa đêm muộn, chỉ cho xem những "bóng ma" trắng nhợt, vật vờ đi lại dưới đường. Không ít đứa sợ đến khóc thét.
Pangangaluluwa của Philippines ngày nay đã "Tây hóa" không ít
Sang Thế kỷ XXI, hình thức Pangangaluluwa truyền thống lụi tàn nghiêm trọng. Không thể cứ trơ mắt nhìn, chính quyền Thị trấn Sariaya vào cuộc. Sự xuất hiện của nhóm biểu diễn Pangangaluluwa vừa là tiếp nối truyền thống "hát rong khất thực" đêm Halloween, vừa hỗ trợ gây quỹ. Sariaya hy vọng nỗ lực "làm sống lại Pangangaluluwa" của mình còn góp phần thúc đẩy, phát triển du lịch địa phương.
Đáng tiếc là chỉ nhóm biểu diễn Pangangaluluwa thôi thì chưa đủ! Thành ra Sariaya vẫn phải biến tấu cho hợp thời. Trẻ em ở Sariaya bây giờ cũng chơi hóa trang, nói "Cho kẹo hay bị ghẹo".
Tham khảo Canadian Inquirer và News Info