Diễn biến phức tạp
Trong hơn 30 năm, sự phát triển của công nghệ hỗ trợ sinh sản và tỷ lệ vô sinh cao tới 15% - 20% đã khiến thị trường mang thai hộ ở Trung Quốc phát triển rất nhanh. Hiện tại, mang thai hộ đã âm thầm trở thành chuỗi công nghiệp ở Trung Quốc. Nhập các từ khóa như “đẻ mướn” trên Internet, hàng trăm nghìn kết quả sẽ hiện ra ngay lập tức, trong đó phần lớn là tên các nơi trung gian cung cấp dịch vụ đẻ thuê.
Mang thai hộ đã trở nên tràn lan ở Trung Quốc đến nỗi với sự sắp xếp và giúp đỡ của các cơ sở môi giới, chỉ cần bỏ ra khoảng trăm ngàn tệ là có thể vượt qua các quy định hiện hành của nhiều cơ quan ở Trung Quốc để tận hưởng dịch vụ mang thai hộ khép kín. Tóm lại, tất cả mọi khâu từ việc chọn một người đẻ hộ, khám sức khỏe, bệnh viện, giấy khai sinh và thậm chí lấy thẻ xanh tại quốc gia nơi sinh, đều sẽ được cơ sở môi giới niêm giá rõ và chịu trách nhiệm đến cuối.
Theo giới thiệu của bộ phận chăm sóc khách hàng của một số đại lý mang thai hộ: “Quy trình mang thai hộ cơ bản là cả hai vợ chồng lấy tinh trùng và trứng để làm phôi, cấy vào người mẹ cho thuê tử cung sinh hộ. Chi phí là 450 ngàn tệ, nếu muốn con trai phải sàng lọc nhiễm sắc thể, chi phí là 1,2 triệu tệ.
Ngày nay, lợi nhuận của một “thương vụ” mang thai hộ từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu tệ, thu nhập hàng năm của một số cơ sở môi giới mang thai hộ thậm chí có thể lên tới hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu tệ khiến nhiều người trong các ngành khác phải ghen tị.
Đi tìm nguyên nhân
Thứ nhất, sự tiến bộ của công nghệ hỗ trợ sinh sản thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp mang thai hộ:
Sự xuất hiện và công nghiệp hóa dịch vụ mang thai hộ đòi hỏi một tiền đề cơ bản là hỗ trợ kỹ thuật. Từ năm 1983, Nhóm nghiên cứu kỹ thuật sinh sản của trường Cao đẳng Y tế Hồ Nam đã đạt được thành công trong việc thụ tinh nhân tạo bằng tinh dịch đông lạnh và sinh ra những đứa trẻ. Công nghệ hỗ trợ sinh sản con người đã phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc. Công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm - cấy phôi cũng đã bước sang thế hệ thứ ba.
Trịnh Sảng, nữ minh tinh Trung Quốc, bị tẩy chay vì dính scandal nhờ mang thai hộ rồi bỏ con
Giờ đây, với việc sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản con người, các chuyên gia không chỉ giúp những người có chức năng tử cung tốt có thể thụ thai và sinh nở thành công mà còn có thể kiểm soát số lượng thai nhi sinh và giảm thai. Hơn nữa, ngay cả giới tính và khiếm khuyết di truyền của đứa trẻ cũng có thể được phát hiện chính xác. Ví dụ, trong trường hợp thụ tinh ngoài cơ thể, phôi có thể được kiểm tra di truyền trước khi được cấy vào tử cung, để tránh buộc phá thai do trong phôi thai có gene không được chấp nhận.
Thứ hai, tỷ lệ vô sinh gia tăng đã tạo ra nhu cầu thực sự về mang thai hộ:
Nguyên nhân cơ bản khiến mang thai hộ đã phát triển thành một ngành công nghiệp xám ở Trung Quốc và trở thành một vấn đề khiến các nhà quản lý đau đầu là do nhu cầu mang thai hộ thực sự ở Trung Quốc.
“Báo cáo nghiên cứu về tình trạng vô sinh ở Trung Quốc” do Hiệp hội Dân số Trung Quốc công bố năm 2009 cho thấy, trung bình cứ 8 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở nước này thì có 1 cặp gặp khó khăn về sinh sản và hiếm muộn. Tỷ lệ vô sinh ở Trung Quốc đã tăng lên 12,5% - 15%, gần với tỷ lệ 15% -20% ở các nước phát triển, trong khi con số này cách đây 20 năm chỉ là 3%.
Theo quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, ở đâu có cầu thì có cung, thị trường đẻ mướn chợ đen đã xuất hiện.
Thứ ba, lợi nhuận cao kích thích sản xuất chuỗi ngành công nghiệp sinh sản:
Đối với người mẹ mang thai hộ, trợ cấp sinh hoạt hàng tháng hàng ngàn tệ và tiền thù lao cao mà người mang thai hộ nhận được sau khi hoàn thành việc mang thai hộ và sinh con - mặc dù tiền công thông qua trung gian mang thai hộ và các hình thức bóc lột khác là rất nhiều, vẫn dễ kiếm hơn các công việc khác.
Đối với các tổ chức trung gian và cơ sở y tế, việc hoàn thành dịch vụ mang thai hộ không những không phải chịu bất kỳ rủi ro vật chất và tổn hại nào về tinh thần mà còn có thể thu được lợi nhuận khổng lồ một cách khá dễ dàng, điều này rõ ràng là quá hấp dẫn. Do đó, chuỗi ngành công nghiệp mang thai hộ đã được thúc đẩy.
Thứ tư, pháp luật hiện hành của Trung Quốc không phù hợp trong việc điều chỉnh việc mang thai hộ:
Bộ Y tế Trung Quốc năm 2001 đã ban hành "Biện pháp quản lý đối với công nghệ hỗ trợ sinh sản con người" và các quy định, văn bản quy phạm khác nghiêm cấm các cơ sở y tế và nhân viên của họ thực hiện các dịch vụ mang thai hộ. Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hóa dịch vụ mang thai hộ ở Trung Quốc, số lượng lớn các cơ sở môi giới cung cấp phụ nữ mang thai hộ đóng vai trò hàng đầu và không nằm trong phạm vi văn bản này. Do đó, chính phủ chỉ có thể trừng phạt các tổ chức y tế và nhân viên y tế vì đã tham gia vào hoạt động mang thai hộ, nhưng không có quyền trừng phạt phụ nữ mang thai hộ và các cơ sở môi giới mang thai hộ.
Đối với các tổ chức y tế và nhân viên y tế, các hình phạt hiện nay cũng rất yếu, cách xa so với thu nhập thực tế hàng trăm ngàn tệ. Điều này đã làm cho các luật hiện hành của Trung Quốc rõ ràng là không phù hợp và yếu kém trong việc điều chỉnh việc mang thai hộ, và trở thành gốc rễ thể chế của quá trình công nghiệp hóa dịch vụ mang thai hộ ở Trung Quốc.
Theo Sohu