"Năm lên 6, cái Sáu bị ngã vào bếp lửa đang nấu cám lớn, tưởng nó chết rồi chứ. Trời thương, vẫn cho nó làm người. Nhưng đời nó khổ...".
Gần 50 năm trôi qua, cô bé Sáu năm nào lớn lên cùng những đau thương trên cơ thể. Không học vấn - không chồng con - không việc làm, đời Sáu tưởng như đã kết thúc trên căn bếp mùa đông năm đó rồi chứ. 54 tuổi, Sáu không có gì trong tay, ngoài nỗi cô độc và sự đáng thương.
Nhà Sáu có 4 chị em gái. Cô chị cả tên An (59 tuổi) lấy chồng bị tật nguyền từ bé, giờ lại thêm bệnh tim, nhiều năm trời chỉ nằm một chỗ. Cô chị hai tên Ôn lấy chồng chưa được một năm thì bỏ, mắc thêm bệnh tiểu đường nặng bị biến chứng làm mờ mắt, đi viện suốt ngày. Em gái thứ 3 đã mất năm 19 tuổi vì sinh khó. Còn mẹ Bùi Thị Nhã, năm nay đã sang tuổi 95, bị biến chứng não sau một cú ngã đập đầu xuống đất.
Cả nhà Sáu, nói chung hoàn cảnh đến mức cùng cực. Bởi thế, chưa bao giờ Sáu nghĩ mình sẽ có cơ hội được chữa khỏi bệnh.
Năm lên 6, cuộc đời mới chớm nở, nhưng dường như mọi cánh cổng đã đóng sầm ngay trước mặt cô bé Sáu.
Mùa đông năm đó, trời rét, Sáu bận 4, 5 chiếc áo dày cộm, ngồi bên bếp củi trông nồi cám lợn đang nấu dở. Người lớn đi làm hết, chỉ còn mấy chị em ở nhà.
Chẳng hiểu lý do vì sao, lửa bén lên người Sáu. Chị An bảo chắc do Sáu nghịch củi nên ngọn lửa vụt lên bất ngờ. Cô bé 6 tuổi không biết cách cởi bớt áo ra, chỉ ngồi khóc, lửa càng cháy Sáu càng khóc to. Cho đến khi hàng xóm tới thì cơ thể Sáu như một ngọn đuốc sống, cháy hết không còn gì nữa.
Trời thương, nên may mắn Sáu không chết.
Bố chết sớm, mẹ Nhã đưa Sáu từ nhà lên trung tâm tỉnh Phú Thọ chữa trị, 2 đứa con gái gửi hợp tác xã nuôi hộ. Bấy giờ thời bao cấp, có cái gì nuôi nhau là quý lắm rồi. Một suất cơm bệnh viện phát, 2 mẹ con chia nhau mỗi người một nửa. Bà Nhã còn sợ cơm chán quá mà con bé Sáu chết mất.
Hơn 2 năm sau, Sáu khỏi bệnh nhờ những cuộc phẫu thuật "vá" da. Nhưng, toàn bộ phần da trước ngực và cổ bị cháy co rút lại khiến cho đầu, cổ, ngực gần như liền một khối nham nhở. Đằng sau đầu như cái gáo dừa, không còn tóc. Khuôn mặt Sáu bị kéo lệch biến dạng, trơ hàm răng rụng gần hết, chỉ còn vài chiếc "khấp khỉu" luôn chìa ra. Sáu như mang một hình hài khác, đáng thương hơn là đáng sợ.
Sau trận bỏng năm đó, mẹ đưa Sáu đi khám nhưng không thể xóa hẳn mọi vết thương. Sáu sống gần 50 năm với bộ dạng như vậy.
Sáu trải qua 54 năm trên đời, thì 48 năm không thể khép miệng. Như lời chị An vẫn bảo, "Miệng con Sáu cứ há ra, dớt chảy xuống thành dòng, ăn cơm không được. Người bên cạnh nhìn thấy ghê. Họ sợ không dám ngồi gần nó".
Sáu không thể giao tiếp, không thể ngoái đầu, từ ngực trở lên luôn ở trong một tư thế cố định. Thế mà Sáu giỏi lắm, nửa đời người rồi vẫn cứ sống hoài sống mãi như thế không một lời oán trách.
"Trái gió trở trời vết bỏng sẽ rất đau, miệng và răng đều ê ẩm. Gần đây, di chứng vết bỏng sâu nên ngực nó xuất hiện vết loét lớn, thường xuyên đau bụng, dạ dày thì lở loét. Gia đình không có khả năng đưa đi chữa trị nên nó mới phải chịu đựng đến tận bây giờ" - chị An nói.
Sáu không được đến trường, vì nhà Sáu nghèo, một mình mẹ nuôi 4 chị em. Ngày Sáu còn nhỏ, mỗi lần ra đồng đều lấy khăn che mặt. Cô bé sợ lũ trẻ trong xóm hơn là ông "ba bị". Sáu lớn lên trong nỗi mặc cảm, gương chẳng dám soi, tự nhốt mình trong căn nhà lụp xụp và 3 sào ruộng của gia đình.
Gọi là nhà, nhưng chỉ được dựng lên bằng vôi và cát, không xi măng, không sắt thép. Mỗi mùa mưa lũ, 3 mẹ con Sáu lại phải dắt díu nhau qua nhà hàng xóm nương nhờ. Sáu sống tốt nên người ta thương, người ta thông cảm.
Trước, Sáu và mẹ sống nhờ tiền làm công của bà chị hai. Nhưng từ ngày chị bị tiểu đường đến độ mắt mờ dần, cả nhà tằn tiện, lay lắt bằng khoản tiền trợ cấp tật nguyền và trợ cấp tuổi già ít ỏi. Từ năm ngoái, Sáu không thể tiếp tục làm đồng, chỉ quanh quẩn trong nhà. Tiền mua thuốc uống còn không có, nói gì tới khát khao được chữa lành khuôn mặt. Bệnh của Sáu, nếu được lên Hà Nội thì dù không thể cải thiện hoàn toàn, nhưng ít nhất cũng giúp cô có thể quay được cái cổ.
Hỏi Sáu có từng mơ đến một mái ấm của riêng mình không, 2 chị em Sáu cười trừ.
"Nó như này thì ai lấy, khi ngủ còn há hốc mồm. Người ta nhìn ghê quá, sao dám lại gần. Mà nó làm gì có tiền để nuôi được trẻ con" - chị An nhìn xung quanh, bật cười, nhưng trong lòng buồn thương da diết cho số phận đứa em gái.
Chị An - chị cả trong nhà, bỏ việc nhà, việc riêng, cùng Sáu lên Hà Nội chữa trị.
Sáu từng đi làm ăn xa, cố gắng kiếm tiền nuôi mẹ già và các chị. Chưa bao giờ Sáu nghĩ tới bản thân mình, vì cả gia đình ai cũng đều ốm đau, bệnh tật. Sáu nhường cơ hội và tình thương, ngay cả trong suy nghĩ, cho chị và mẹ. "Nếu đã sống cùng khuôn mặt này qua nửa đời người, tại sao lại không thể tiếp tục?", Sáu trầm ngâm.
Cho đến một ngày, Sáu gửi lại người mẹ già và chị Ổn bị tiểu đường nương nhờ hàng xóm, cùng chị An bắt xe hơn 100 km từ xã Quang Húc, Tam Nông, Phú Thọ lên Hà Nội. Hôm đó, chị Ổn cũng vừa đi viện về được mấy hôm, thì Sáu lục đục chuẩn bị. Câu chuyện về cuộc đời gần 50 năm sống chung với vết thương trên khuôn mặt của Sáu đã khiến không ít người thương cảm. Đại diện bác sĩ Viện Bỏng Quốc Gia đã có lời mời Sáu tới thăm khám, chữa trị và toàn bộ viện phí sẽ được tài trợ hoàn toàn.
Thế là, chị An xung phong đi nuôi Sáu. Bởi kì thực trong nhà không còn ai có khả năng. Gia đình riêng của mình, chị An cũng đành nhờ hàng xóm qua cắm hộ nồi cơm, nấu hộ đĩa thức ăn. Chừng nào Sáu khỏi, 2 chị em cùng nhau đi về.
Sáu lên viện Bỏng, ngay sau đó được chuyển tới khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ. Các bác sĩ bắt đầu thăm khám, làm các xét nghiệm toàn bộ và chuyên sâu rồi sẽ hội chẩn, cùng tìm ra phương pháp tốt nhất chữa trị cho Sáu.
"Trước mắt, chúng tôi sẽ tái tạo lại vùng da và cơ bị kéo rút để bệnh nhân có thể hoạt động cổ một cách bình thường. Phần răng và hàm sẽ can thiệp sau. Dự kiến ca phẫu thuật sẽ tiến hành trong vài ngày tới tại Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ sau khi hoàn thành đủ các thủ tục cần thiết. Phương pháp phẫu thuật sử dụng vạt da có nối vi phẫu là kỹ thuật cao nhất, hiện đại nhất sẽ được áp dụng cho bệnh nhân để có thể phục hồi tốt nhất và nhanh nhất" - Viện Bỏng thông tin.
Cả gia đình gom góp chút hy vọng, cầu nguyện Sáu sẽ được chữa khỏi để "nó đỡ khổ, cổ quay đi quay lại. Nó quá thiệt thòi, cũng không thể tự làm việc để nuôi sống chính bản thân, có thể là cho đến hết đời".
"Tôi rất phấn khởi nên dù hoàn cảnh khó khăn, tôi cũng phải nhờ hàng xóm trông nom chồng, để lên Hà Nội với Sáu. Nếu không được bệnh viện tài trợ miễn phí, không biết đến bao giờ nó mới được cơ hội này, không kể là gần 50 năm qua.
Bác sĩ bảo có khả năng phẫu thuật được và họ quyết tâm chữa trị cho Sáu, để em nó, dù là có muộn màng đi chăng nữa, sẽ bắt đầu lại một cuộc sống mới, đỡ cực khổ hơn".
Sáu không thể biểu hiện mọi cảm xúc trên khuôn mặt, nhưng có lẽ rằng, cả chị An cả Sáu đều đang cười với niềm hy vọng, cuộc đời cô bé Sáu năm nào sẽ được đổi thay, dù đã đi qua hơn nửa đời người.
Từ ngày chị An và Sáu lên Hà Nội, ăn cơm từ thiện đỡ được khoản chi phí đắt đỏ. Có cháo ăn cháo, có cơm ăn cơm. Mấy nay trời mưa, mát mẻ, 2 chị em cũng cảm thấy tâm hồn rộn ràng hẳn lên. Nhớ mẹ, nhớ cô chị gái ở nhà, nhưng Sáu cứ gói ghém một mình, cất sâu đằng sau tâm hồn tưởng như khô cằn kia.
Sáu không thể nói chuyện, nhưng qua ánh mắt, chúng tôi biết, bỏ lại 50 năm đằng đẵng kia, Sáu đang hy vọng về tương lai phía trước, về một khuôn mặt bình thường như bao người bình thường khác.
Khi cuộc sống đủ đầy, người khác sẽ khát khao, hy vọng những thứ xa vời hơn. Nhưng riêng Sáu, được làm người bình thường, có một khuôn mặt bình thường, cũng đã là một điều xa vời. Cuối cùng thì, cả Sáu cả chị An đã cười, sau khi cơn mưa bất chợt dội xuống Hà Nội. Ánh sáng chợt lóe lên từ trong khóe mắt sâu của Sáu. Vậy là, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, Sáu sẽ tìm lại được chính mình, cuộc đời cô bé Sáu năm nào sẽ được đổi thay, dù đã đi qua hơn nửa đời người.