Phát triển du lịch văn minh và thân thiện

Minh Châu, Theo Diễn đàn doanh nghiệp 20:50 25/07/2022

Cùng với sự bùng nổ du khách trong và ngoài nước, du lịch đang đối mặt với bài toán làm thế nào để phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, với trọng tâm ứng xử văn minh, thân thiện và mến khách.

Sau khi mở cửa du lịch và đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, nhiều dịch vụ du lịch đã được đầu tư nâng cao chất lượng hơn, nhằm tăng trải nghiệm cho du khách. Tuy nhiên, thực tế đã có không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ, điểm đến du lịch có hành vi “chặt chém”, có thái độ phục vụ kém khiến du khách thất vọng. Dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng yêu cầu đặt ra là phải loại bỏ tình trạng này để phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, với trọng tâm ứng xử văn minh, thân thiện.

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hoạt động du lịch đã sôi động trở lại, nhất là vào những kỳ nghỉ lễ và dịp nghỉ hè. Không ít nơi đã xảy ra tình trạng quá tải, dịch vụ không bảo đảm do không kiểm soát được lượng khách.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho hay, những hiện tượng “chặt chém”, nâng giá, ứng xử không đúng với du khách chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng các địa phương cần nghiêm khắc xử lý để phát triển du lịch chuyên nghiệp. Các địa phương cần tổ chức đoàn thanh, kiểm tra liên ngành thường xuyên tới các cơ sở kinh doanh du lịch; yêu cầu các cơ sở niêm yết giá công khai, minh bạch; tuyên truyền cho hộ kinh doanh có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự.

Phát triển du lịch văn minh và thân thiện - Ảnh 1.

Những hiện tượng “chặt chém”, nâng giá, ứng xử không đúng với du khách chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, nhiều địa phương đã công khai số điện thoại “đường dây nóng” trên các phương tiện truyền thông. Hầu hết vụ việc đã được cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc làm rõ và xử lý thỏa đáng. Vì vậy, khi gặp sự cố, du khách liên lạc ngay theo “đường dây nóng” để cơ quan chức năng giải quyết, thay vì sử dụng mạng xã hội gây ồn ào, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

Từ phía góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên phong, CLB lữ hành UNESCO cho biết: "Giao tiếp ứng xử giữa du khách với cư dân, du khách với đơn vị dịch vụ cũng là một phần tạo nên chất lượng dịch vụ sản phẩm du lịch. Hoạt động du lịch mang tính chất tổng hòa, với nhiều khách, nhất là khách quốc tế thì giao tiếp ứng xử sẽ để lại ấn tượng cho chuyến đi. Do đó, trong các chương trình đào tạo cho nhân viên và người dân làm du lịch đều tập huấn kỹ về kỹ năng giao tiếp song hành với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ".

“Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch,  chnhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch phải cắt giảm nhân sự, nặng nề nhất là khối lưu trú, dịch vụ nhà hàng. Nhiều người đã chuyển nghề do thời gian nghỉ lâu. Nay khôi phục lại hoạt động du lịch, các đơn vị này đang phải tuyển mới nhân sự và vừa kết hợp tuyển vừa đào tạo theo kiểu 'vừa chạy vừa xếp hàng'. Do đó, trong quá trình tập huấn Bộ quy tắc ứng nơi công cộng của Hà Nội và Bộ quy tắc ứng xử du lịch văn minh là những tài liệu để công ty phổ biến tới nhân viên, hội viên. Tuy nhiên, việc đào tạo hướng dẫn cần có thời gian và ý thức của doanh nghiệp khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hướng tới sự chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ”, ông Phùng Xuân Khánh chia sẻ.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái đề nghị, không chỉ đơn vị kinh doanh du lịch cần có ứng xử thân thiện, lịch thiệp, mà ngay cả khách du lịch cũng nên có thái độ du lịch văn minh, góp sức trong việc giữ gìn cảnh quan, môi trường du lịch.

Phát triển du lịch văn minh và thân thiện - Ảnh 2.

Khi gặp sự cố, du khách liên lạc ngay theo “đường dây nóng” để cơ quan chức năng giải quyết.

Tại Hà Nội, Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra các đơn vị kinh doanh du lịch để bảo đảm giữ gìn môi trường du lịch ở các điểm đến và nhanh chóng giải quyết các kiến nghị, phản ánh của du khách. Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở đã ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng; hỗ trợ thông tin cho gần 400 lượt du khách; tiếp nhận 16 phản ánh, kiến nghị của khách du lịch.

Về vấn đề này, giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở đã cung cấp số điện thoại “đường dây nóng” cũng như Tổng đài hỗ trợ khách hàng 1800 556 896 hoạt động thường xuyên. “Hà Nội đang nỗ lực xây dựng hình ảnh điểm đến “An toàn - thân thiện - hấp dẫn - chất lượng”, vì thế, công tác thanh, kiểm tra luôn được tăng cường và xử lý kịp thời những vụ việc mà du khách phản ánh”, bà Đặng Hương Giang khẳng định.