Phát hiện toàn bộ số tiền hơn 2 tỷ đồng dành mua nhà "bốc hơi", ông bố vội ra ngân hàng kiểm tra rồi "té ngửa" khi biết thủ phạm

Hồng Hạnh, Theo Pháp luật & Bạn đọc 11:34 09/11/2020

Đây là toàn bộ số tiền mà vợ chồng anh đã tích góp dành dụm để mua nhà và phút chốc đã tan theo mây khói.

Đã từng có không ít trường hợp các ông bố bà mẹ rơi vào tình huống dở khóc dở cười khi cho con sử dụng điện thoại. Với trẻ nhỏ, con sẽ nhắn tin lung tung, gọi điện thoại cho khách hàng khi vô tình bấm vào. Trẻ lớn hơn thì con sẽ "click" vào các mục mua hàng và mang đến cho cha mẹ một đống hóa đơn khổng lồ.

Thế nhưng, như thế vẫn chưa là gì so với sự mất mát của ông bố người Hàn Quốc này. Anh Kim kể rằng vợ chồng anh vốn tiết kiệm được 115.000 USD (khoảng 2,6 tỷ đồng) định dùng để đặt cọc mua nhà. Nhưng bỗng một hôm, anh phát hiện số tiền này đã "bốc hơi" khi thấy hàng loạt tin nhắn trừ tiền trong điện thoại của vợ.

Anh Kim vô cùng hốt hoảng liền liên hệ với ngân hàng để tìm hiểu nguyên nhân. Và rồi cả gia đình đã phải "ngã ngửa" khi biết toàn bố số tiền này đã được cô con gái 11 tuổi dùng để mua quà tặng cho 35 người khác thông qua ứng dụng phát trực tuyến Hakuna Live.

Phát hiện toàn bộ số tiền hơn 2 tỷ đồng dành mua nhà bốc hơi, ông bố vội ra ngân hàng kiểm tra rồi té ngửa khi biết thủ phạm - Ảnh 1.

Con gái của anh Kim đã dùng số tiền này để mua quà tặng cho 35 người khác thông qua ứng dụng phát trực tuyến Hakuna Live (Ảnh minh họa)

Những món quà được gọi là "kim cương" đã được thanh toán qua hệ thống ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại thông minh của người mẹ. "Vợ tôi là một người khiếm thị nên điện thoại của cô ấy không khóa bằng mật khẩu. Vậy là con gái tôi đã lấy điện thoại của mẹ để mua quà tặng người khác", ông bố chia sẻ.

Ngay khi phát hiện sự việc, anh Kim đã nhanh chóng liên hệ với 35 người đã được tặng "kim cương" để giải thích và xin lại số tiền. Một số người đồng ý trả lại sau khi nghe câu chuyện, nhưng "còn 40.000 USD (khoảng 927 triệu đồng) không thể lấy lại được", anh Kim cho biết.

Phát hiện toàn bộ số tiền hơn 2 tỷ đồng dành mua nhà bốc hơi, ông bố vội ra ngân hàng kiểm tra rồi té ngửa khi biết thủ phạm - Ảnh 2.

Một học sinh cấp 2 đã gửi 17 triệu won cho một ngôi sao bằng thẻ tín dụng của bố (Ảnh minh họa)

Được biết thêm, đây không phải là trường hợp đầu tiên trẻ sử dụng một số tiền lớn của cha mẹ để chi tiêu. Mới đây, hôm 2/11, một học sinh cấp hai ở Boryeong, tỉnh Chungcheong Nam (Hàn Quốc), đã gửi khoảng 17 triệu won (khoảng 351 triệu đồng) cho một ngôi sao đang live stream bằng thẻ tín dụng của bố.

Theo dữ liệu từ Ủy ban Giải quyết Tranh chấp Hàn Quốc (KCDRC), từ đầu năm 2020 đến nay, đã có tổng cộng 1.587 báo cáo được đệ trình liên quan đến việc mua hàng trực tuyến trái phép do trẻ vị thành niên thực hiện, gần gấp đôi so với 813 báo cáo được đưa ra vào năm 2019.

Tuy nhiên, việc yêu cầu hoàn lại tiền hoặc tìm kiếm các biện pháp pháp lý rất khó. Vì "trong trường hợp của anh Kim, chúng tôi thấy rằng vợ anh ấy đã cho phép con gái sử dụng điện thoại di động của mình, và công an không thể xử phạt người đã nhận quà vì không có gì bất hợp pháp xảy ra", một quan chức tại Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc cho biết.

Các chuyên gia khuyến nghị cha mẹ nên đặt mật mã, khóa vân tay hoặc nhận dạng khuôn mặt trên điện thoại của mình để tránh trường hợp con sử dụng điện thoại khi chưa xin phép.

Thêm vào đó, cha mẹ cũng nên sử dụng các ứng dụng kiểm soát dành cho phụ huynh để ngăn trẻ mua hàng trong ứng dụng trái phép. Hoặc yêu cầu ngân hàng gửi mật khẩu OTP vào điện thoại di động để mỗi khi con có lỡ mua hàng mà không có mật khẩu xác nhận thì giao dịch cũng không thành công.