Năm 1988, việc người nông dân họ Triệu ở huyện Duyễn Châu, tỉnh Sơn Đông, đào được một vật thể lạ nặng hơn 3000kg dưới lòng sông đã gây chấn động giới khảo cổ học Trung Quốc. Ngay sau đó, một đội khảo cổ gồm nhiều chuyên gia đã vội vã đến địa điểm xảy ra vụ việc và bắt đầu một cuộc khai quật quy mô lớn. Cũng từ đây, bí mật về báu vật hơn 300 năm tuổi ở vùng đất Duyễn Châu, tỉnh Sơn Đông dần được hé lộ.
Thanh sắt gỉ dưới lòng sông cạn
Theo Sohu, vào năm 1988, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, xảy ra hạn hán nghiêm trọng. Hầu hết sông hồ trong khu vực đều cạn nước, để lộ cả đáy. Thấy vậy, người dân ở đây bèn tranh thủ xuống sông đào một ít cát về để sử dụng. Anh Triệu ở huyện Duyễn Châu cũng không ngoại lệ.
Một hôm trong lúc đang lấy cát, chiếc xẻng của anh Triệu bỗng đụng phải một vật cứng. Tò mò, người đàn ông này lại gần kiểm tra thì nhận ra đó là một thanh sắt gỉ. Nghĩ vật này có thể bán lấy tiền, anh nông dân này vui mừng khôn xiết, quyết tâm đào nó lên bằng được. Tuy nhiên càng đào, anh Triệu nhận thấy đây không phải là thanh sắt thông thường. Thậm chí, nó to lớn đến mức dù người đàn ông này có cố gắng như thế nào cũng không thể nào kéo ra khỏi mặt đất. Hết cách, anh Triệu bèn gọi mọi người xung quanh đến hỗ trợ.
Loay hoay một hồi lâu, cuối cùng thanh sắt này cũng được kéo lên khỏi lòng sông. Khi nhìn thấy hình dạng đầy đủ của nó, mọi người đều đều bất ngờ vì đó là một thanh kiếm khổng lồ, dài tới 7,5m, nặng 3.079 kg. Cho rằng thanh kiếm này là một bảo vật vô cùng quý giá, anh Triệu đã từ bỏ ý định đem nó đi bán để lấy tiền. Thay vào đó, người đàn ông này quyết định gọi điện cho các chuyên gia ở Cục Di tích Văn hóa địa phương đến để nghiên cứu.
Nhận được tin, các chuyên gia đã lập tức tới hiện trường để giám định. Đến nơi, họ vô cùng ngạc nhiên khi trước mắt là một thanh kiếm dài bằng hai chiếc ô tô, chuôi kiếm dày đến mức họ không thể cầm bằng hai tay. Ngay lập tức, hiện trường được phong tỏa và các chuyên gia bắt tay vào công cuộc nghiên cứu.
Ban đầu, các chuyên gia thăm dò xung quanh vì họ suy đoán rằng có thể có những ngôi mộ cổ gần đó. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, các chuyên gia hoàn toàn không tìm thấy dấu vết gì của những ngôi mộ cổ. Sau khi rà soát lại khu vực này bằng các máy móc hiện đại, các chuyên gia kết luận nhận định ban đầu là không đúng và tập trung vào việc giám định thanh kiếm.
Báu vật trị thủy 300 năm tuổi xuất hiện
Do bị vùi sâu dưới sông trong thời gian dài, mặt ngoài của thanh kiếm đã bị bào mòn. Cũng vì thế nên việc xác định được nguồn gốc của nó gặp khá nhiều khó khăn. Để làm sáng tỏ bí ẩn này, các chuyên gia đã quyết định dùng xe tải để vận chuyển thanh kiếm này tới phòng thí nghiệm. Sau thời gian dài cố gắng khôi phục nguyên trạng, cuối cùng, họ cũng xác định được lai lịch của nó.
Theo đó, thanh kiếm này có niên đại khoảng 300 năm tuổi, thuộc thời Khang Hy, do Kim Nhất Phượng, thứ sử Duyễn Châu lúc bấy giờ tạo nên. Các ghi ghép lịch sử tại địa phương cho thấy vào năm 1712 sau Công nguyên, quận Tư Dương lúc bấy giờ gặp phải trận lụt ngàn năm có một khiến mực nước sông Tứ dâng cao cuốn trôi mọi thứ. Thiệt hại về người và của vô cùng nặng nề.
Thấy người dân lâm vào cảnh lầm than, quan huyện Duyễn Châu lúc bấy giờ là Kim Nhất Phượng vô cùng lo lắng. Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, ông đã lãnh đạo người dân ở đây bắt tay vào việc xây dựng đê điều để trị thủy và chống lũ. Nhờ đưa ra những phương pháp ứng phó kịp thời, lũ lụt đã được giải quyết hoàn toàn, cuộc sống của người dân địa phương cũng dần trở lại bình thường.
Tuy nhiên sau đó, những tin đồn mê tín, sai sự thật về đợt thiên tai này bỗng xuất hiện và được lan truyền khắp nơi khiến người dân vô cùng hoang mang. Để làm yên lòng dân, quan huyện Kim Nhất Phượng đã tự dùng tiền lương trong một năm của mình thuê thợ thủ công rèn một thanh kiếm khổng lồ dài 7,5m. Ông thông báo cho người dân rằng thanh kiếm này là vật báu trị thủy và cho cắm nó xuống dưới đáy sông.
Kỳ lạ thay, cũng kể từ đó, huyện Duyễn Châu mưa thuận gió hòa, hiếm khi xảy ra thiên tai. Không những thế, vậy báu này còn giúp người dân đo mực nước sông và phân tán dòng nước, thuận lợi cho việc làm ruộng.
Theo dòng chảy của lịch sử, thanh kiếm này bị phù sa vùi lấp và nằm yên dưới lòng sông. Phải đến hơn 300 năm sau, nó mới được hậu thế tìm thấy. Sau nhiều cuộc nghiên cứu, các chuyên gia đã quyết định trưng bày thanh kiếm này tại Bảo tàng Duyễn Châu, tỉnh Sơn Đông để người dân có thể chiêm ngưỡng và ghi nhớ về nó. Đây cũng là di tích văn hóa cấp 1 của Trung Quốc được người dân lưu giữ và bảo tồn.
(Theo Sohu)