Các nhà khoa học vừa phát hiện ra rằng đất nước New Zealand xưa kia đã là nơi trú ngụ của loài chim cánh cụt tiền sử khổng lồ. Nó lớn đến nỗi khi phát hiện ra hóa thạch còn sót lại trong đất, các nhà khoa học đã tưởng nó là một loài khủng long gì khác.
Hóa thạch này thuộc thời đại Thế Cổ tân - Thế Paleocen, kéo dài từ khoảng 60 cho tới 56 triệu năm về trước. Loài cánh cụt này cao 1,65 mét, có thể dài ra tới 1,77 mét khi sải người lúc bơi, có thể nặng tới 100 kg.
Đây là một trong những loài cánh cụt to lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất, chỉ bé hơn loài Palaeeudyptes klekowskii (hiện đã tuyệt chủng) có chiều dài lên tới 2 mét và nặng tới 115 kg.
Tuy không phải loài to lớn nhất hay có đặc điểm sinh học gì đặc biệt (ngoài việc to tướng đại ra), thì loài K. bicea này là loài cánh cụt xuất hiện sớm nhất trên mặt đất, theo lời người quản lý Bảo tàng Te Papa, Alan Tennyson. Hồi năm 2004, Tennyson là người đầu tiên phát hiện ra mảnh sọ của loài chim to lớn này.
Nó được đặt cho cái tên khoa học là Kumimanu biceae – "Kumimanu" là "chim quái vật" trong tiếng Māori (tiếng phương ngữ của vùng New Zealand), "biceae" là từ tưởng nhớ tới mẹ của Tennyson, bà Bice Tennyson.
Cánh cụt hoàng đế - Emperor Penguin đang là loài cánh cụt lớn nhất Trái Đất, với chiều cao có thể lên tới hơn 1 mét.
Những loài cánh cụt khổng lồ được phát hiện trước đây chỉ xuất hiện vào khoảng từ 42 đến 35 triệu năm trước. Trong quá khứ, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện những loài chim cánh cụt nhỏ bé, trên mình có những dấu hiệu cho thấy chúng đã dần mất khả năng bay.
Nhà nghiên cứu Tennyson đã tìm thấy hóa thạch của loài cánh cụt này trên một bãi biển thuộc vùng Otago, New Zealand. Lúc ấy, anh không rõ đó là xương loài gì.
Hóa thạch xương nằm trong một hòn đá lớn nên Tennyson đã nhấc cả về văn phòng mình. Nó đã nằm trên giá bảo quản vài năm trước khi được mang xuống giám định vào năm 2015.
Lấy được mẫu xương đầu tiên ra, các nhà khảo cổ biết ngay rằng họ đã tìm thấy xương của một con chim khổng lồ. Cụ thể, đó là một con cánh cụt với kích cỡ hiếm thấy.
"Con quái vật này rất to lớn, cao như người và cơ thể có những cơ bắp cuồn cuộn, như vậy mới có thể chịu được sức ép lớn khi nó bơi xuống sâu tìm mồi", nhà nghiên cứu Tennyson nói. "Chắc chắn nó khỏe hơn một người bình thường".
Nhưng to lớn khỏe mạnh vậy, nó vẫn không thể cạnh tranh được nguồn thức ăn với số lượng hải cẩu, hải mã, cá voi và những loài thú có vú khác đang ngày một tăng. Loài chim cánh cụt to lớn tuyệt chủng.
Nghiên cứu trên đã được đăng tải tại tạp chí khoa học Nature Communications.