Phát hiện quả cầu hoàn hảo bí ẩn lơ lửng giữa vũ trụ

Anh Thư, Theo nld.com.vn 15:08 20/05/2025
Chia sẻ

Một kính thiên văn vô tuyến mạnh đã ghi lại hình ảnh khiến giới khoa học bối rối: Một cấu trúc vũ trụ được đặt tên là Teleios.

Trong dữ liệu thu thập được từ một kính thiên văn vô tuyến mạnh mang tên ASKAP đặt tại Úc, các nhà thiên văn học đã tìm thấy thứ có vẻ là một bong bóng hình cầu hoàn hảo, treo lơ lửng giữa vũ trụ.

Một nhóm nghiên cứu đa quốc gia do nhà vật lý thiên văn Miroslav Filipović từ Đại học Western Sydney (Úc) dẫn đầu đã đặt tên cho vật thể này là Teleios.

Phát hiện quả cầu hoàn hảo bí ẩn lơ lửng giữa vũ trụ- Ảnh 1.

Vật thể vũ trụ bí ẩn được đặt tên là Teleios bởi dạng cầu hoàn hảo của nó - Ảnh: ĐẠI HỌC WESTERN SYDNEY

Theo Science Alert, Teleios theo tiếng Hy Lạp cổ đại có nghĩa là "hoàn hảo", bởi quả cầu vũ trụ bí ẩn nói trên dường như tròn đến không tì vết.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng các khả năng, các nhà nghiên cứu vẫn không thể chỉ ra vật thể nói trên là thứ gì. Mặc dù vậy, họ vẫn đưa ra một số giả thuyết thú vị.

ASKAP vốn đã phát hiện ra một kho tàng các vòng tròn kỳ lạ thuộc nhiều loại khác nhau trên bầu trời như một phần của cuộc khảo sát Bản đồ Tiến hóa vũ trụ (EMU).

Một số trong số chúng ở khoảng cách giữa các thiên hà có phần khó xác định, bao gồm các Vòng tròn Vô tuyến Kỳ lạ (ORCS) nổi tiếng.

ORCS là những vòng tròn lớn, mờ nhạt nằm ngoài thiên hà Milky Way (Ngân Hà) chứa Trái Đất, xuất hiện đơn lẻ trong ánh sáng vô tuyến và không tương ứng với bất kỳ vật thể rõ ràng nào trong các bước sóng khác. ORCS vẫn là bí ẩn lớn trong thiên văn học.

Teleios lại nằm bên trong Ngân Hà, gần hơn và nhỏ hơn ORCS nhưng vẫn khó xác định vị trí cụ thể.

TS Filipović và các đồng nghiệp đã tiến hành phân tích kỹ lưỡng vật thể này và phát hiện ra rằng nó chỉ phát sáng yếu ớt ở bước sóng vô tuyến.

Bước sóng này khiến họ nghi ngờ rằng rất có thể nó là tàn dư của một trong những loại siêu tân tinh sáng nhất trong vũ trụ.

Các siêu tân tinh loại này xảy ra khi một sao lùn trắng ở quỹ đạo đôi gần với một ngôi sao đồng hành hút quá nhiều vật chất từ ngôi sao đồng hành đó, đến mức "nổ bụng".

Teleios có thể cách Trái Đất khoảng 7.175 hoặc 25.114 năm ánh sáng.

Tuy nhiên, với cả hai kịch bản về khoảng cách nói trên, các mô hình tiến hóa của siêu tân tinh loại Ia dự đoán phải có tia X được ghi nhận từ vật thể. Nhưng Teleios không sở hữu điều đó, một cách hoàn toàn khó hiểu.

Một khả năng khác là Teleios là tàn dư của siêu tân tinh Type Iax, một loại siêu tân tinh loại Ia nhưng sao lùn trắng trong đó không bị phá hủy hoàn toàn.

Điều này phù hợp với các đặc tính phát xạ của Teleios, nhưng nó cần phải gần hơn nhiều, khoảng 3.262 năm ánh sáng.

Kịch bản này có nghĩa là Teleios nhỏ hơn một chút, rộng khoảng 11 năm ánh sáng. Nhưng không có phép đo độc lập nào cho thấy nó có thể nhỏ như vậy.

Tất cả những mâu thuẫn này khiến Teleios càng hấp dẫn và có thể sẽ được giới khoa học "săn sóc kỹ lưỡng" trong tương lai.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày