Năm 2015, sự việc Lý Kim Sơn, nam sinh có thành tích học tập đứng đầu tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đi thi đại học lại chỉ nhận 239/750 điểm đã gây xôn xao dư luận địa phương. Trước đó mọi người xung quanh đều tin rằng nam sinh này có thể đạt điểm cao, đỗ đại học danh giá nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Giáo viên chủ nhiệm của Lý Kim Sơn đã xin kiểm tra camera giám sát phòng thi để tìm hiểu vấn đề bất thường, phát hiện nam sinh này đã nộp 3 tờ giấy trắng trong kỳ thi quan trọng. Giáo viên lập tức tìm đến nhà nam sinh Lý để trách mắng học trò nhưng cảnh tượng trước mắt khiến ông phải ngỡ ngàng.
Thành tích bất thường của nam sinh xuất sắc
Lý Kim Sơn học tại một trường trung học tại khu vực hẻo lánh, điểm số luôn ở mức xuất sắc. Kết quả thi thử đại học của cậu luôn đứng đầu cả tỉnh, không bao giờ dưới 650 điểm. Ở trường học, học sinh khác chỉ cạnh tranh cho vị trí thứ 2 vì biết rằng Lý Kim Sơn luôn đứng nhất. Nam sinh mang theo kỳ vọng của nhà trường sẽ trở thành học sinh đầu tiên tại khu vực đỗ top đầu cả nước.
Chính vì vậy khi kết quả kỳ thi đại học công bố, Hiệu trưởng đã không tin vào mắt mình khi Lý Kim Sơn chỉ đạt điểm số khiêm tốn. Bạn học, thầy cô đều cho rằng bài thi của cậu bị chấm lỗi, an ủi Kim Sơn nộp đơn xin phúc khảo. Tuy nhiên nam sinh này lại rất bình tĩnh, dường như không cảm thấy buồn bã trước điểm số nhận về.
Bố mẹ cậu nghe đến điểm thi liền ngỡ ngàng, không khí gia đình trùng xuống. Họ lo lắng cho tâm trạng của con trai nhưng cậu lại nói: "Con chấp nhận kết quả này, con sẽ không phúc khảo hay thi lại đại học đâu. Con sẽ đi làm luôn để tự lo liệu cho chính mình".
Sau kỳ thi, Lý Kim Sơn ra đồng phụ bố mẹ, sau đó lên thành phố tìm công việc giao đồ ăn cả ngày vất vả ngoài đường, từ sáng đến tối với mức lương 5.000 NDT/tháng (hơn 17 triệu đồng). Mọi người xung quanh đều tiếc nuối khi cánh cửa vào đại học của nam sinh tài năng bỗng chốc đóng sập một cách khó hiểu.
Thầy Lưu là giáo viên chủ nhiệm của lớp Lý Kim Sơn, cảm thấy thái độ của học trò trước điểm thi như vậy là vô cùng bất thường. Lý Kim Sơn trong mắt thầy luôn là học sinh chăm chỉ, điềm tĩnh và có ý chí. Thầy Lưu quyết tâm tìm hiểu nguyên do đằng sau nên đã đàm phán với Phòng Giáo dục quận để xem lại bài thi của nam sinh họ Lý cũng như trích xuất camera phòng thi.
Thầy Lưu phát hiện ra Lý Kim Sơn không đặt bút viết bất kỳ chữ nào trong 3 môn thi chính tiếng Trung, tiếng Anh và Toán, trực tiếp nộp 3 tờ giấy trắng. Trong 2 ngày thi, cậu chỉ làm bài thi Khoa học nên mới nhận điểm kém. Lúc này người thầy cảm thấy vô cùng tức giận, lập tức báo Hiệu trường và định tìm đến nhà nam sinh trách mắng vì cho rằng Lý Kim Sơn không nghiêm túc trong kỳ thi quan trọng này.
Nhà của Lý Kim Sơn có khoảng sân nhỏ, bao quanh là những bức tường nứt vỡ, chất đồ đạc bụi bặm. Cha của Lý Kim Sơn vừa tiếp đón thầy, nói vài câu đã bắt đầu ho không ngừng, mặt lộ rõ vẻ yếu ớt, xanh xao. Thầy Lưu hỏi mới biết, cha cậu mắc bệnh lao phổi do từng làm thợ nề nhiều năm, sau Kim Sơn còn một em trai đang đi học. Bữa cơm gia đình họ Lý mời thầy Lưu cũng chỉ có đĩa trứng tráng là "thịnh soạn" nhất.
Vừa chào tạm biệt bố mẹ Lý Kim Sơn, thầy Lưu không kìm được nước mắt. Ông nhanh chóng gọi điện cho học trò để hỏi thăm tình hình. Lúc này Kim Sơn mới bộc bạch, cậu không muốn trở thành gánh nặng trong gia đình đã vốn khó khăn nên mới cố tình đạt điểm thấp để có thể đi làm luôn, phụ bố mẹ kiếm tiền.
"Em không nỡ nhìn bố khổ sở vì bệnh tật thêm nữa. Em muốn có tiền để chữa bệnh cho bố. Nếu em mất bố, việc học đại học còn có ý nghĩa gì?", Lý Kim Sơn nói.
Thầy Lưu cảm động trước lòng hiếu thảo của cậu học trò nghèo. Ông xin phép Ban giám hiệu để chia sẻ câu chuyện Lý Kim Sơn nhằm mục đích gây quỹ toàn trường giúp bố cậu chữa bệnh, đồng thời thuyết phục cậu học lại. Với thành tích cao, nam sinh hoàn toàn có khả năng nhận học bổng, xin trợ cấp và các khoản vay sinh viên, cũng như vừa học vừa làm.
Vơi bớt gánh nặng tài chính, Lý Kim Sơn quay lại ôn thi và đỗ vào ĐH Vũ Hán (Trung Quốc) danh giá. Bố cậu cũng được chữa trị, sức khỏe ổn định hơn. Ngày nhận giấy báo nhập học, cậu bật khóc và bày tỏ lòng biết ơn với thầy Lưu cùng những người đã giúp đỡ mình.