Phát hiện mới của Nhật Bản về biến thể Delta

Bùi Hùng, Theo VOV 21:50 03/08/2021

Hôm nay (3/8), Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Tokyo đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy biến chủng mới Delta có khả năng gây bệnh mạnh hơn nhiều so với virus SARS-CoV-2 trước đó.

Nhóm nghiên cứu do Phó Giáo sư Y học Kato Kei thuộc Trung tâm nghiên cứu y khoa Đại học Tokyo làm chủ nhiệm. Nhóm nghiên cứu đã nhân bản virus có trong biến chủng mới gọi là P681R, rồi làm lây nhiễm trong phần tế bào nuôi cấy, sau đó thử phản ứng. Biến chủng này được nhóm nghiên cứu cho là một "đột biến đặc trưng" của biến thể Delta.

Khi bị nhiễm biến chủng mới, các tế bào xung quanh sẽ bị phá vỡ và chúng kết hợp với nhau thành một khối tế bào được gọi là "hợp bào". Hợp bào hình thành do nhiễm biến thể Delta lớn hơn 2,7 lần so với tế bào nhiễm virus biến chủng khác.

Ngoài ra, chuột thí nghiệm sau khi nhiễm biến chủng từ phòng thí nghiệm là P681R cho thấy hiện tượng giảm cân đáng kể, nhiều hơn từ 4,7 - 6,9% so với những con bị nhiễm biến thể khác. Như vậy, virus biến thể Delta là nguyên nhân chính gây ra khả năng lây bệnh càng ngày càng cao.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu của Anh cũng đã cho biết kết quả nghiên cứu rằng biến thể Alpha có tốc độ lây nhiễm nhanh và mạnh hơn so với các loại virus biến thể khác khoảng 1,3-1,5 lần. Còn biến thể Delta từ Ấn Độ có tốc độ lây nhiễm cao hơn khoảng 2 lần so với các biến thể khác.

Bình thường, virus SARS-CoV-2 chỉ xâm nhập vào cơ thể hoặc bên ngoài tế bào của con người, nhưng biến chủng mới có thể xâm nhập ngay vào bên trong tế bào của con người, sau đó sẽ sản sinh rất nhanh trong lòng tế bào và xâm nhập vào các tế bào khác trong cơ thể. Do đó, chủng biến thể dễ lây nhiễm hơn chủng virus trước.

Theo thống kê, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm biến thể mới cao hơn so với bệnh nhân nhiễm chủng virus ban đầu.

Hiện tại, chưa có phương pháp ngăn chặn sự lây nhiễm của biến thể mới và việc áp dụng phương pháp ngăn ngừa như chủng virus trước đó là không hoàn toàn hiệu quả. Tuy nhiên, trước mắt để ngăn chặn Covid-19, mọi người cần phải thực hiện triệt để việc đeo khẩu trang, rửa tay, tắm, khử khuẩn thường xuyên. Đối với việc đeo khẩu trang, cần phải thiết kế làm sao cho phần thông khí giữa mũi và miệng không hòa lẫn. Ngoài ra, việc để không khí thông thoáng, sạch sẽ là điều cực kỳ quan trọng.

Theo một số chuyên gia Nhật Bản, nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine Pfizer hoặc Moderna sẽ có hiệu quả trong việc phòng chống biến chủng Delta và Alpha.