Nam Cực - vùng đất lạnh giá vĩnh cửu - đến nay vẫn là một trong những địa điểm bí ẩn nhất đối với con người. Và mới đây, các chuyên gia đã thực hiện một chuyến thám hiểm đáy biển tại một khu vực chưa từng được biết đến tại Nam Cực. Kết quả, chúng ta đã có những phát hiện cực kỳ bất ngờ.
Cụ thể, các chuyên gia từ tổ chức môi trường Greenpeace International đã khởi động một chiếc tàu ngầm đến vùng biển Weddell - mái nhà của chim cánh cụt, báo biển và cá voi. Đây là một trong những vùng biển con người chưa từng chạm đến, và rồi họ nhận ra một hệ sinh thái cực kỳ trù phú nằm ngay bên dưới lớp băng vĩnh cửu của lục địa này.
"Chuyến lặn đầu tiên tại biển Nam Cực thật thú vị" - John Hocevar, chuyên gia hải dương, người trực tiếp lái tàu hào hứng cho biết.
"Tôi chẳng biết thứ gì sẽ xuất hiện, nhưng rồi được nhìn thấy quá nhiều sinh vật sống, và chúng cực kỳ đa dạng. Bọt biển, san hô, mực, sao biển... tất cả hoà quyện, tạo nên một hệ sinh thái cực kỳ ấn tượng."
Theo Greenpeace chia sẻ, mục đích của dự án là để khảo sát, nhằm tạo ra một khu bảo tồn hoang dã lớn nhất thế giới hiện nay.
Đáy biển quanh lục địa Nam Cực thực sự rất ấn tượng
Trên thực tế thì dù nằm ở vị trí rất xa - tới hàng ngàn kilomet so với khu vực gần nhất có con người sinh sống, biển Nam Cực vẫn luôn bị làm phiền bởi những con tàu săn cá voi, qua đó đẩy hệ sinh thái tại đây vào hoàn cảnh rất nguy hiểm. Thậm chí, tổn hại gây ra là vĩnh viễn.
Hiện thực ấy thôi thúc các nhà bảo tồn và môi trường học tìm cách biến toàn bộ khu vực biển rộng 1,8 triệu km vuông bao quanh Nam Cực thành một khu bảo tồn.
Không chỉ để bảo vệ cá voi, chim cánh cụt, mà còn vô số những sinh vật đang cư trú dưới đáy biển nữa.
"Đây là bước đầu tiên cho những nghiên cứu chúng tôi sẽ thực hiện, nhưng nó cho thấy một hệ sinh thái dễ bị tổn thương," - trích loài tiến sĩ Susanne Lockhart - chuyên gia sinh thái Nam Cực, một trong những người may mắn tham gia chuyến đi.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện những khám phá tiếp theo, nhằm xác định những khu vực đặc biệt cần được ưu tiên bảo vệ khỏi những chuyến đánh cá của con người."
Bên cạnh đó, các chuyên gia muốn lập ra một bản dự thảo đề xuất lên chính phủ. Bản dự thảo này đã được chính phủ Đức thông qua, và sẽ được đưa ra bàn luận với các nước quốc tế vào tháng 10 năm 2018.