Phần hộp sọ của đứa trẻ bị nhét đá vào miệng trước khi chôn. Ảnh: Stanford University.
Theo Fox News, ở miền bắc Italy, nơi hài cốt của đứa trẻ được phát hiện, mọi người gọi nó là "Ma cà rồng Lugnano". Nó là một trong 5 bộ hài cốt được tìm thấy tại nghĩa trang mùa hè này.
“Tôi chưa từng nhìn thấy thứ gì giống như vậy trước đây. Nó vô cùng cổ quái”, nhà khảo cổ David Soren, tại đại học Arizona (Mỹ), chia sẻ.
Các bằng chứng thu thập được từ xương cho thấy đứa trẻ mắc bệnh sốt rét ở thời điểm tử vong, Independent đưa tin.
Những người có mặt tại địa điểm phát hiện hài cốt cho hay, viên đá được nhét sâu trong hàm nạn nhân cho thấy việc làm này là có chủ đích.
Đây được xem là một nghi thức chôn cất mà người xưa nghĩ có thể ngăn đứa trẻ 'đội mồ sống lại' và lây lan bệnh dịch.
Theo báo chí, các hài cốt được cho là thuộc về nghĩa trang Trẻ em, nơi chứa hàng chục thi thể trẻ em mắc bệnh và bằng chứng của nghi thức phù thủy như xương cóc, móng sư tử, vạc đồng.
Nhà sinh vật học Jordan Wilson, người trực tiếp kiểm tra hài cốt cho biết: “Đây là một hình thức mai táng bất thường mà bạn có thể thấy ở nhiều nền văn hóa khác nhau, nhất là trong thời La Mã. Thời ấy, người ta lo sợ người chết sẽ sống lại và reo rắc bệnh tật cho người sống”.
Các chuyên gia cho biết có nhiều phương pháp thời Trung cổ khác để ngăn xác "ma cà rồng" trở lại thế giới người sống. Một trong số đó là lấy đi trái tim của xác chết.
Trước đó, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy thi thể một bé gái 3 tuổi bị chặn đầy đá ở chân, nghi thức được cho là để giữ người chết không “đội mồ sống dậy”.
Đây là lần đầu tiên một bộ hài cốt trẻ em được phát hiện với đá trong miệng. Những ngôi mộ tương tự từng được tìm thấy nhưng ở nơi khác, gồm một ngôi mộ ở Venice chôn cất một thiếu nữ 16 tuổi được gọi là “Ma cà rồng Venice” với gạch trong miệng, được phát hiện năm 2009.
Năm 2007, hài cốt một người đàn ông có niên đại từ thế kỷ 3-4 cũng được tìm thấy ở Northampton, Anh với lưỡi bị lấy ra và thay vào đó là một hòn đá.