Theo số liệu do Cơ quan Y tế quốc gia Pháp công bố tối ngày 8/10, nước Pháp ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở mức trên 18.000 ca. Đây là các số liệu cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Pháp từ đầu năm nay. Ngoài ra, số ca phải nhập viện điều trị cũng đang ở mức cao nhất từ 3 tháng qua, với 7624 bệnh nhân trên toàn nước Pháp.
Ngoài khu vực thủ đô Paris và vùng đô thị Aix-Marseille, trong ngày 8/10, chính quyền Pháp cũng ra thông báo cho biết đã có thêm 4 thành phố lớn khác của Pháp bị đặt vào tình trạng báo động tối đa, tức là mức cảnh báo cuối cùng trước khi phải áp đặt tình trạng y tế khẩn cấp, bao gồm Lyon, Lille, Grenoble và Saint-Etienne.
Các quán cà phê tại Pháp bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19 (Ảnh: Le Monde)
Bắt đầu từ sáng 10/10, các thành phố này sẽ phải áp dụng các quy định hạn chế như đang áp dụng tại Paris như đóng cửa các quán bar, quán cafe, các phòng tập thể thao, hạn chế hoạt động của các nhà hàng, cấm tụ tập quá 10 người nơi công cộng. Ngoài 4 thành phố này, có 2 thành phố khác cũng đang có diễn biến dịch rất phức tạp là Toulouse và Montpellier và nhiều khả năng cũng sẽ bị đặt vào tình trạng báo động tối đa từ đầu tuần sau.
Trong khi đó, tại thủ đô Paris, giới chức y tế vùng này ngày 8/10 cũng đã ra quyết định kích hoạt “Kế hoạch trắng”, đặt toàn bộ các bệnh viện trong vùng vào tình trạng khẩn cấp, hủy toàn bộ lịch nghỉ phép của nhân viên y tế cũng như hoãn các ca phẫu thuật không cấp bách để dành toàn bộ nguồn lực đối phó với Covid-19.
Theo mô hình dự báo của giới chức y tế Pháp, số giường bệnh hồi sức cấp cứu dành cho các ca Covid-19 nặng tại khu vực quanh thủ đô Paris có thể sẽ đạt mức 100% vào cuối tháng này nếu diễn biến dịch tại khu vực này không có dấu hiệu được cải thiện.
Trong lúc này, chính phủ Pháp đang phải đối mặt với quyết định khó khăn về việc liệu có áp đặt lệnh cấm đi lại giữa các thành phố trong thời gian tới hay không, trong bối cảnh các trường học tại Pháp sẽ bước vào kỳ nghỉ 2 tuần. Nếu được áp dụng, điều này đồng nghĩa với việc nước Pháp buộc phải tái phong tỏa một phần lãnh thổ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Pháp, Olivier Veran cho rằng, hiện tại vẫn chưa cần thiết phải dùng đến biện pháp này: “Chúng tôi quyết định không hạn chế đi lại giữa các thành phố vì một số lí do. Thứ nhất, nước Pháp vẫn chưa rơi vào tình huống mà virus lây lan khắp nơi như hồi mùa Xuân, khi đó việc đi lại bị hạn chế.
Nếu nhìn trên bản đồ thì có thể là hiện tại virus lây lan trong hầu hết các thành phố lớn, trừ một số ít ngoại lệ. Vì thế việc đi lại từ nơi này đến nơi khác không đồng nghĩa với việc xuất khẩu virus đến một nơi nào đó hiện chưa có dịch”./.