Phân phối vaccine COVID-19 trên toàn cầu liệu có cân bằng?

PV, Theo VTV 19:29 20/08/2020

Với năng lực sản xuất vaccine hiện nay thì cầu chưa đủ cung, khả năng cao là các quốc gia giàu có sẽ độc quyền phân phối hoặc giữ phần trước cho công dân của mình.

Khi vaccine mới được đưa ra thị trường, các nhà cung cấp sẽ phải vất vả để đảm bảo đủ nguồn cung cho hàng tỷ người trên toàn cầu. Vậy với năng lực sản xuất vaccine hiện nay và nhất là vì vấn đề "lợi ích sát sườn", khả năng cao là các quốc gia giàu có sẽ độc quyền phân phối hoặc giữ phần trước cho công dân của mình. Viễn cảnh này đang là điều mà các chuyên gia y tế nhiều lần bày tỏ lo ngại. Vì "không ai an toàn cho đến khi tất cả chúng ta đều an toàn".

Chủ nghĩa dân tộc vaccine cần được ngăn chặn

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cho biết: "Chúng ta cần ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc vaccine. WHO đang làm việc với các chính phủ và các bên liên quan để đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cao sẽ được tiếp cận vaccine mới".

Bà Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng: "Các kết quả nghiên cứu dịch tễ học đều cho thấy, chỉ có ít hơn 10% dân số có kháng thể chống virus SARS-CoV-2. Ở hầu khắp các khu vực trên thế giới, đại đa số người dân vẫn có nguy cơ mắc bệnh, đồng nghĩa với việc virus có cơ hội tiếp tục lây lan".

Bà Karina Gould - Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc tế của Canada khẳng định: "Chỉ tiêm vaccine cho một quốc gia không phải là giải pháp hiệu quả. Thật sự điều đó còn có thể khiến đại dịch kéo dài hơn".

Cuộc đua vaccine của bộ ba Nga - Mỹ - Trung Quốc

Phân phối vaccine COVID-19 trên toàn cầu liệu có cân bằng? - Ảnh 1.

Cuộc đua phát triển vaccine ngừa COVID-19 đang diễn ra ngày một khốc liệt giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga. Dù có nhiều thông báo từ các nước, tuy nhiên, vẫn chưa có vaccine nào chính thức được đưa ra thị trường.

Cuộc đua đang đến hồi kết và không khó để nhận ra chiến lược của các nước lớn khi cố gắng cán đích đầu tiên. Vaccine COVID-19 sẽ không chỉ là một món hàng sinh lời đem lại hàng tỉ USD lợi nhuận, mà còn là yếu tố chủ chốt trong một chính sách mà không ít nước sẽ áp dụng, đó là "Ngoại giao vaccine".

Ba xu hướng chính trong quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine trên toàn cầu đáng được quan tâm và cảnh giác.

Thứ nhất, khuynh hướng chính trị quốc tế, địa chính trị và chủ nghĩa dân tộc nổi rõ trong quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine, nhiều nước áp dụng chủ nghĩa bảo hộ quốc gia vào quá trình này, nhấn mạnh ưu tiên cung cấp và đáp ứng nhu cầu trong nước.

Thứ hai, coi cuộc cạnh tranh nghiên cứu và phát triển vaccine là cuộc cạnh tranh chiến lược quốc tế. Các phương tiện truyền thông Mỹ bình luận nước nào nghiên cứu và phát triển ra vaccine trước không những có thể nắm quyền chủ động trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, khôi phục kinh tế và việc làm của đất nước, mà còn mang lại lợi nhuận hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD.

Phân phối vaccine COVID-19 trên toàn cầu liệu có cân bằng? - Ảnh 2.

Thứ ba, mỗi quốc gia đều tự đặt ra tiêu chuẩn và tự công bố một loại vaccine riêng, không công nhận nhau, không hợp tác và không chia sẻ thông tin để cùng nghiên cứu và phát triển vaccine với nhau. Điều này không chỉ gây bất lợi cho quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine trên toàn cầu, mà còn gây nên một loạt trở ngại nghiêm trọng cho việc tiêm chủng và đánh giá hiệu quả của vaccine trong tương lai.

Tiến sĩ Anthony Fauci - Chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ nói: "Tôi hy vọng, nhưng tôi chưa thấy có bằng chứng về việc họ đã chứng minh vaccine an toàn và hiệu quả".

Ưu tiên vaccine cho người dân trong nước là mục tiêu hàng đầu. Trung Quốc đã có bước đi được các nhà phân tích gọi là "Ngoại giao vaccine" khi tuyên bố: một khi nước này có được vaccine thì đó sẽ là sản phẩm chung toàn thế giới. Tuy nhiên, Bắc Kinh chỉ cho vay chứ không cho không vaccine. Đối với các nước thân thiết và có tiền hơn, Trung Quốc cam kết sẽ ưu tiên cung cấp vaccine trước các nước khác.

Trong khi Nga công bố giá vaccine chỉ 10 USD/2 liều, giá vaccine do công ty Sinopharm, Trung Quốc công bố là khoảng 150 USD/2 liều, tức là cao gấp 15 lần mức giá mà Nga đề xuất. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị mới đây cam kết sẽ cung cấp khoản vay trị giá 1 tỷ USD cho các nước Mỹ Latin và vùng Caribe để mua vaccine của Trung Quốc.

Thế giới không cần cuộc chiến vaccine

Phân phối vaccine COVID-19 trên toàn cầu liệu có cân bằng? - Ảnh 3.

Tổ chức Y tế thế giới cho biết, có ít nhất hàng trăm dự án nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa COVID-19 với hàng chục quốc gia đang tham gia cạnh tranh, trong đó các nước lớn đang tập trung mọi nguồn lực để về đích nhanh nhất có thể. Việc cạnh tranh nghiên cứu và phát triển vaccine vốn là điều tốt, nhưng nếu không tập trung vào việc cứu sống con người, mà chỉ hướng đến việc tìm kiếm thị trường và lợi ích kinh tế, thì nhiều nước nghèo hơn sẽ khó có được vaccine để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch.

Ông Mike Ryan - Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO khuyến cáo: "Tình hình rất phức tạp ở các nước Mỹ Latin, vẫn cần sự đoàn kết và hỗ trợ to lớn từ các nước khác".

Các chuyên gia ước tính thế giới có thể sẽ có khoảng 2 tỷ liều vaccine COVID-19 hiệu quả vào cuối năm 2021, nếu một số ứng viên hàng đầu chứng minh được hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối đang được tiến hành hiện nay. Tuy nhiên, nếu các nước tìm cách thu mua vaccine để đảm bảo cho toàn bộ dân số của mình thay vì chia sẻ cho các nước khác để ưu tiên bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất thì đại dịch có thể sẽ không được kiểm soát.

Ông Seth Berkley - Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng GAVI nhấn mạnh: "Nếu bạn có ý định tiêm chủng cho toàn bộ nước Mỹ hay toàn bộ EU, mỗi người 2 liều vaccine, thì khi đó bạn sẽ phải có 1,7 tỷ liều. Và nếu đó là toàn bộ số liều vaccine có sẵn trên thế giới thì sẽ chẳng còn gì nhiều cho những nước khác".

Người ta lo ngại một làn sóng các quốc gia sẽ chạy đua để mua vaccine COVID-19 sớm nhất có thể, nhằm chặn đứng dịch bệnh này. Nhiều chính trị gia các nước đang phát triển đã gửi thông điệp: Đến lúc thế giới cần tính đến lợi ích chung, để các nước nghèo hơn cũng có cơ hội tiếp cận vaccine bình đẳng trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình COVID-19 hiện nay.