"Phép lạ" từ vaccine Covid-19 Sputnik V: Sở nghiên cứu thầm lặng suốt hàng thập kỷ dần bước ra ánh sáng

J.D, Theo Tổ Quốc 00:10 19/08/2020
Chia sẻ

"Tốc độ phát triển vaccine là không hề nhanh, nếu bạn thực sự hiểu mấu chốt khoa học đằng sau," - trích lời Alexander Gintsburg, giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Gamaleya. Bởi lẽ, đó là thành quả của một công trình dài hàng thập kỷ.

Khi Nga thông báo họ đã có vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được đăng ký trên thế giới chỉ sau 2 tháng thử nghiệm trên cơ thể người, cả thế giới đã bất ngờ, đặc biệt là cộng đồng y khoa và dược phẩm. Tất cả đều bàng hoàng trước tốc độ phát triển quá nhanh của loại vaccine mà Nga cho rằng đủ an toàn để đưa vào sử dụng.

Trên thực tế, những ý kiến hoài nghi cho rằng các công ty dược phẩm của Nga đều tương đối nhỏ, rất ít cơ sở được ghi nhận có các đột phá và quy trình cần thiết để một vaccine được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, người đàn ông đứng sau cuộc cách mạng này cho biết, họ đã phải tốn đến 2 thập kỷ nghiên cứu để có được ngày hôm nay.

Những liều vaccine đầu tiên được sản xuất như thế nào?

Viện nghiên cứu thầm lặng bước ra ánh sáng

"Tốc độ phát triển vaccine này sẽ không hề nhanh, nếu bạn thực sự hiểu mấu chốt khoa học đằng sau," - trích lời Alexander Gintsburg, giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Gamaleya, nơi tạo ra vaccine Sputnik V. Ông cho biết, viện đã tiến hành nghiên cứu các loại vaccine tương tự như Sputnik V kể từ thập niên 1980.

"Khi không có các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu trong những thập kỷ gần đây, vaccine đã trở thành lĩnh vực không được ưu tiên trong ngành dược phẩm. Trong khi đó, các phòng thí nghiệm của Nga vẫn tiếp tục," - Gintsburg trả lời tờ Financial Times. "Chúng tôi tự hào về các di sản khoa học của Nga, cho phép chúng tôi phát triển vaccine Covid-19 một cách nhanh chóng."

Trước khi có Sputnik V, tiếng tăm của Viện Gamaleya không có nhiều bên ngoài phạm vi nước Nga. Viện nghiên cứu được đặt tên theo nhà khoa học Nikolay Gamaleya - người từng làm việc với Louis Pasteur vào năm 1886, và là một trong những nhân tố chủ chốt tạo ra vaccine chống lại đậu mùa. Và cũng chẳng ai nghĩ được rằng Viện nghiên cứu này có thể đánh bại Anh và Mỹ - những nơi có ngành công nghiệp dược phẩm khổng lồ trị giá hàng tỉ đô trong cuộc đua chế tạo vaccine.

Theo yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin, y bác sĩ và các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch sẽ là những người đầu tiên được tiêm Sputnik V trong vài tuần sắp tới.

Trên thực tế, thành quả của Viện Gamaleya chưa chắc đã nhanh hơn các nhà phát triển vaccine khác. Quyết định cấp phép cho Sputnik V của Tổng thống Putin được cho là bước đi tắt, bởi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vẫn chưa được hoàn tất. Đây là giai đoạn được thực hiện trên hàng ngàn tình nguyện viên và phải cần đến nhiều năm, nhằm kiểm tra độ an toàn và thời gian hiệu quả của vaccine. Truyền thông Nga đưa tin, giai đoạn thử nghiệm này sẽ được tiến hành trong những ngày sắp tới.

Tuy nhiên, ông Gintsburg bác bỏ mọi ý kiến nghi ngờ về tính an toàn của vaccine. Bản thân ông cùng các đồng nghiệp tại Viện nghiên cứu đã tự tiêm vaccine từ hồi tháng 3.

"Sau 5 tháng thử nghiệm, khả năng miễn dịch của chúng tôi đều tốt với lượng kháng thể cao, đảm bảo sự an toàn khi tiếp xúc Covid-19 dù là bất kỳ nồng độ nào," - ông cho biết. "Vậy nên tại Viện nghiên cứu, chúng tôi vẫn có thể thoải mái làm việc mà không cần phải đeo khẩu trang."

Phép lạ từ vaccine Covid-19 Sputnik V: Sở nghiên cứu thầm lặng suốt hàng thập kỷ dần bước ra ánh sáng - Ảnh 3.

Viện nghiên cứu Gamaleya đã thành công trong việc phát triển vaccine Ebola vào năm 2015, và giờ họ sử dụng công nghệ tương tự đối với Sputnik V phòng Covid-19.

Bác bỏ những hoài nghi

Để bảo vệ quyết định cho phép công bố vaccine vẫn chưa hoàn tất thử nghiệm, chính phủ Nga đã đề cập đến vaccine Ebola do Gintsburg và các cộng sự phát triển vào năm 2015. Đây cũng chính là thành quả lớn nhất từng được biết đến của Viện nghiên cứu này. Và việc sản xuất Sputnik V cũng dựa trên các công nghệ tương tự.

"Với chúng tôi, việc đăng ký cho vaccine này (Sputnik V) không bất ngờ. Nó không phải tự nhiên có, mà là kết quả của một quá trình nghiên cứu kéo dài," - trích lời Nikolay Bespalov, giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh tại RNC Pharma.

"Sự thật là giới khoa học Nga có thể phát triển, sản xuất, thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về dược phẩm đã không còn là bí mật," - ông Bespalov bổ sung. "Nền tảng giáo dục về nghiên cứu khoa học của Nga là rất tốt, với nhiều kinh nghiệm và bề dày lịch sử hỗ trợ."

Trong năm 2019, thị trường dược phẩm của Nga có tới 60% là hàng nhập khẩu - theo số liệu từ chính phủ. Binnopharm, công ty dược phẩm phụ trách sản xuất vaccine cho Viện Gamaleya chỉ có năng lực cho ra khoảng 1,5 triệu liều mỗi năm. Trong khi đó vào ngày 14/8, chính phủ Anh tuyên bố đã ký hợp đồng với Johnson & Johnson và Novavax, với tổng lượng vaccine đặt hàng lên tới 340 triệu liều.

"Nga không có các công ty dẫn đầu thị trường. Hầu hết các nghiên cứu về dược phẩm được thực hiện trong các viện của chính phủ, với ít thông tin được công bố hơn so với phương Tây và Trung Quốc," - Rasmus Bech Hansen, Giám đốc điều hành của Airfinity, công ty phân tích khoa học tại London (Anh Quốc).

Vaccine tại Anh và Mỹ do chính phủ tài trợ tiền, đồng thời tiến hành đặt hàng trước cho các công ty tư nhân và các nhà nghiên cứu. Còn tại Nga, việc phát triển vaccine hầu hết đều do chính phủ lo liệu. Bản thân Viện Gamaleya cũng do chính phủ kiểm soát, với nguồn vốn từ Quỹ Đầu tư quốc gia, và Bộ Quốc phòng đứng ra đặt tên. Quan chức cấp cao của chính phủ sẽ được tiêm trước khi vaccine được cấp phép.

Danny Altmann, giảng viên miễn dịch học tại ĐH Imperial College London (Anh) cho biết, Nga có những chuyên gia y sinh cực giỏi. Tuy nhiên sự thiếu minh bạch về thông tin có thể gây lo ngại. "Chúng tôi không muốn có một cuộc chạy đua giống như thời kỳ 'Chiến tranh lạnh' đối với vaccine."

Video quảng bá vaccine Sputnik V của Nga.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết, họ không có bình luận gì về vaccine mới của Nga vì chưa được tiếp cận các dữ liệu chi tiết. Trên thực tế, tới ngày 13/8 vừa qua Nga mới cho WHO thực hiện tiền kiểm đối với vaccine - vốn là một quy trình cần thiết trước khi đưa ra sử dụng trên quốc tế. "Chúng tôi đang chờ đợi số liệu chi tiết hơn," - ông Tedros Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO phát biểu.

Nguồn: FT
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày