Có một sự thật khá hiển nhiên mà chúng ta thường không để ý: Số lượng các khoản chi tiêu trong cuộc sống luôn áp đảo số lượng các nguồn thu nhập. Nào là tiền nhà, tiền ăn, tiền di chuyển, tiền học, tiền tiết kiệm,... đếm sơ sơ cũng thấy “hết một bàn tay”. Trong khi đó, hiếm ai có thể có tới 5 nguồn thu nhập một lúc.
Nói vậy để thấy rằng việc lập ngân sách chi tiêu là yếu tố gần như tiên quyết trong sự thành - bại của quản lý tài chính cá nhân. Cứ để khoản này nhập nhằng với khoản kia, thành ra hết tiền khi chưa hết tháng là điều chẳng còn xa lạ gì.
Biết là một chuyện, có động lực để làm hoặc có làm được hay không lại là chuyện khác. Lời khẳng định này cũng đúng với việc lập ngân sách chi tiêu.
Ảnh minh họa
Một cuộc thăm dò được thực hiện vào năm 2019, bởi CFP - Ủy ban hoạch định Tài chính được chính phủ Mỹ chứng nhận, đã chỉ ra: 68% người tiêu dùng xứ cờ hoa khẳng định việc lập ngân sách sẽ giúp họ đạt được các mục tiêu tài chính nhanh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, 40% trong số đó lại thừa nhận họ chưa bao giờ thực sự bắt tay vào thực hiện việc lập ngân sách chi tiêu.
Winnie Sun - Nhà sáng lập công ty tư vấn tài chính Sun Group Wealth Partners (California, Mỹ) cho biết khoảng 60% các khách hàng của cô có phản ứng tiêu cực khi nhắc tới việc lập ngân sách. Họ ngay lập tức từ chối khi nghe tới gợi ý này, hoặc rùng mình với một cái nhíu mày, thay cho lời từ chối “không, tôi sẽ không lập ngân sách đâu”.
“Một người đang thừa cân và muốn giảm cân chắc chắn sẽ hiểu rằng họ cần phải có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học hơn. Nhưng đồng thời, họ cũng cảm thấy lo sợ và không thực sự sẵn sàng thay đổi chế độ ăn, đơn giản vì họ đã quen với chế độ ăn cũ.
Việc yêu cầu một người đang chi tiêu không khoa học phải lập ngân sách chi tiêu cũng tương tự như vậy” - Winnie Sun chỉ ra lý do khiến phần lớn mọi người từ chối việc lập ngân sách chi tiêu.
Sarah Newcomb - Nhà kinh tế học hành vi tại công ty dịch vụ tài chính Morningstar (Mỹ) bổ sung cho lời khẳng định của Winnie Sun bằng nhận định: “Việc ngồi xuống và ghi ra từng hạn mức tương ứng với từng khoản chi có thể khiến một người phải đối mặt với cảm giác bất lực và thiếu thốn về mặt tiền bạc. Họ chọn cách không lập ngân sách chỉ đơn giản vì cảm giác nhìn vào tổng thu nhập sẽ mang lại cảm giác dư dả hơn là chia nhỏ nó ra” .
Các chuyên gia tài chính khuyên bạn nên điều chỉnh lại khái niệm lập ngân sách theo hướng tích cực hơn là tiêu cực.
Ảnh minh họa
“Thay vì đánh đồng việc lập ngân sách với việc cắt giảm chi tiêu, hãy nghĩ rằng mình lập ngân sách để tiêu tiền thông thái hơn, đồng thời có thêm tiền. Hãy để các mục tiêu tích cực dẫn dắt việc lập ngân sách” - Winnie Sun chia sẻ.
Lynnette Khalfani Cox - Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, được biết đến với cái tên Money Coach cũng đồng tình với quan điểm của Winnie Sun: “Đối với tôi, việc lập ngân sách không phải là hạn chế bản thân trong việc chi tiêu, mà là cách để phân bổ nguồn tiền của mình. Nó thực sự chỉ đơn giản là vậy thôi. Nếu bạn đang chi tiêu hiệu quả, việc lập ngân sách sẽ giúp bạn chi tiêu hiệu quả gấp đôi. Lập ngân sách không bao giờ là thừa” .
Còn nhà kinh tế học hành vi Sarah Newcomb lại cho rằng bước thiết thực nhất để bắt đầu lập ngân sách chính là phân biệt được khái niệm “mặt hàng thiết yếu” và “mặt hàng không thiết yếu”.
“Các cuộc thảo luận xung quanh việc lập ngân sách thường được chia thành hai phe: Một phe chi tiêu cho nhu cầu (tức là các mặt hàng thiết yếu), một phe chi tiêu cho mong muốn (tức là các mặt hàng không thiết yếu). Người chi tiêu chưa hiệu quả thường là nhóm số 2, hoặc những người không phân biệt được mặt hàng thiết yếu với mặt hàng không thiết yếu” - Sarah Newcomb chia sẻ.
Bởi lẽ đó, bà cho rằng việc xem xét tính thiết yếu của một mặt hàng trước khi quyết định chi tiền sẽ giúp ích rất nhiều trong việc lập ngân sách. Bạn phải biết đâu là thứ đáng mua, đâu là thứ có cũng được, không có cũng chẳng sao thì mới có thể lập ngân sách một cách hiệu quả.