Một nghệ sĩ ballet để quên ví trên băng ghế trong công viên. Cô vô tư bước đi, bỏ lại đằng sau tiền bạc và mọi thứ có trong nó. 15 phút sau, cô mới nhận ra mình để quên thứ gì. Cô không hoảng loạn, cũng chẳng cảm thấy nhộn nhạo hết cả ruột gan (như phản ứng có điều kiện của phần lớn cư dân toàn cầu). Cô biết nó sẽ ở chính xác nơi mình để lại, hoàn toàn nguyên vẹn.
Và đúng thế, khi quay lại, chiếc ví vẫn ở nguyên vị trí và cô vui vẻ nhặt nó lên như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Được rồi, giờ bạn có thể đặt câu hỏi ở chỗ nào trên thế giới mà người ta có thể vô tư tới mức như thế với tài sản thiết thân của mình? Đáp án là Phần Lan. Nghệ sĩ ballet đó sống ở Phần Lan.
"Tôi cảm thấy rất an toàn ở đây. Tôi chắc chắn là một trong những điều rõ nhất người ta cảm nhận được ở Phần Lan là sự an toàn" - nghệ sĩ ballet Minna Tervamäki giải thích với BBC Travel. Minna được đề cử là "người tích cực nhất Phần Lan" năm 2017 bởi một công ty tên Positiivarit Oy, chuyên làm các sản phẩm thúc đẩy suy nghĩ tích cực. "Chúng tôi tin nhau mà" - cô nói thêm.
Năm 2022 là lần thứ 5 liên tiếp Phần Lan được vinh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới theo báo cáo khảo sát World Happiness Report của Gallup. Tuy nhiên, bản thân người Phần Lan - tự xem mình là một dân tộc có phần khắc kỷ, lại có góc nhìn khác về đánh giá này.
"Người Bắc Âu, đặc biệt là người Phần Lan, hướng nội về mặt cảm xúc" - Meik Wiking, CEO của Viện Nghiên cứu Hạnh phúc (Happiness Research Institute) từ Đan Mạch giải thích. Theo anh, họ thường rất hiếm khi được xếp hạng cao trong việc bày tỏ rõ rệt niềm vui hay cơn giận - trái ngược với một số sắc dân khác như Mỹ Latin chẳng hạn khi người dân thể hiện cảm xúc rất rõ rệt.
Với người Phần, hạnh phúc đến từ việc sống một cuộc sống kín đáo, cân bằng và kiên cường.
Minna đồng ý. Cô nói: "Tôi có những cảm xúc rất mâu thuẫn về khảo sát hạnh phúc. Người Phần đọc nó và phá lên cười, kiểu như: 'Cái gì? Chúng ta ấy à?'. Tôi cho là người Phần hài lòng nhiều hơn là hạnh phúc".
Sự khác biệt này đến từ một nghịch lý là các nghiên cứu về hạnh phúc không thực sự đi vào cảm xúc được thèm muốn nhất của con người: bản thân sự hạnh phúc. Giáo sư Emeritus John Helliwell từ Đại học British Columbia, đồng tác giả báo cáo World Happiness Report xếp Phần Lan ở đầu giải thích rằng việc đo đạc hạnh phúc không phải một môn khoa học về cảm xúc.
Trên thực tế, nó liên quan rất nhiều đến cái ví của Minna ở đầu bài viết. Thay vì cảm xúc, họ phân tích dựa vào chất lượng cuộc sống ở khắp nơi trên thế giới và ở khía cạnh đó, Phần Lan làm tốt nhất.
"Các yếu tố góp phần tạo nên chất lượng cuộc sống là tuổi thọ cao và GDP bình quân đầu người cao", Helliwell nói. "Nhưng cũng có những thứ như có khả năng chăm sóc lẫn nhau, có ai đó để dựa vào khi khó khăn, tự do đưa ra quyết định cuộc sống của riêng bạn và hỗ trợ cá nhân. Đó là về sự tin tưởng và hào phóng, và Phần Lan xếp hạng rất cao trong số đó. Các nước Bắc Âu có xu hướng sở hữu cấu trúc xã hội phẳng hơn, ít bất bình đẳng hơn và khả năng giúp đỡ những người thiệt thòi tốt hơn. Tất cả những điều này sẽ giúp họ đạt điểm cao hơn trong bài kiểm tra yêu cầu xếp hạng chất lượng cuộc sống của họ".
Tiến sĩ Frank Martela, một nhà nghiên cứu tâm lý học xã hội tại Đại học Helsinki, đồng ý. "Lòng tin là một điều quan trọng ở đây (Phần Lan). Mọi người muốn thấy mình là người đáng tin cậy. Nếu bạn đánh rơi ví trên đường, bạn có thể chắc chắn rằng mình sẽ lấy lại được ví - thường là vẫn còn tiền bên trong. Reader's Digest đã thực sự kiểm chứng điều này một lần. Trong tất cả các thành phố họ nghiên cứu, hầu hết ví được trả lại là ở Helsinki. Không có gì ngạc nhiên khi trong tất cả các nước châu Âu, niềm tin vào người lạ cao nhất là ở Phần Lan".
Năm 2018 là lần đầu tiên báo cáo của Gallup yêu cầu những người nhập cư tham gia vào cuộc khảo sát và mức độ hạnh phúc của những người nhập cư hầu như giống với kết quả của toàn bộ dân số, với Phần Lan đứng đầu.
Điều đó có nghĩa là cả những người sinh ra ở Phần Lan và những người di cư đến đó đều hạnh phúc như nhau. Điều này thật thú vị vì về cơ bản nó bác bỏ lý thuyết cho rằng hạnh phúc thực chất là đặc tính của dân tộc Phần Lan.
Helliwell nói: "Nhìn vào hạnh phúc của những người nhập cư sẽ phá vỡ ý tưởng rằng các quốc gia Bắc Âu là những xã hội đồng nhất, khép kín. Nếu hạnh phúc có liên quan nội tại đến tâm hồn người Phần Lan, thì nó cũng có sẵn đối với một người nào đó đến từ Bangladesh chẳng hạn". Tóm lại, hạnh phúc của Phần Lan không phải đến từ yếu tố chủ quan của con người, mà là khách quan của xã hội.
Phần Lan được quản lý với sự nhân đạo và tôn trọng sâu sắc đối với quyền con người. Đó là một trong những nơi tốt nhất trên thế giới để làm mẹ và có một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới. Họ rất giỏi trong chính sách môi trường, bình đẳng giới và cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Đó là tất cả những điều có thể làm cho một quốc gia có nhiều người hài lòng với cuộc sống của họ hơn bất kỳ quốc gia nào khác, cho dù bản chất hay văn hóa của họ có đồng ý về điều đó hay không. Bạn thực sự hoàn toàn có thể có vẻ cáu kỉnh dù đang sống ở nơi "hạnh phúc nhất" trên Trái đất.
"Nếu người Phần Lan nói với bạn rằng họ không hạnh phúc, thì tôi hiểu", Anu Partanen, người gốc Phần Lan, tác giả cuốn sách The Nordic Theory of Everything: In Search of a Better Life (tạm dịch: Thuyết Vạn vật của người Bắc Âu: Đi tìm một cuộc sống tốt hơn), cho biết.
"Bản chất họ thường bi quan và dè dặt về cảm xúc của mình. Họ uống quá nhiều, trời thì tối, mùa đông lạnh giá và áp lực lên tâm lý. Niềm hạnh phúc của người Phần Lan mà chúng ta nghe nói đến không phải là cách họ khiêu vũ, mỉm cười hay tỏ ra hạnh phúc. Nếu đó là ý tưởng của bạn về hạnh phúc, thì không, họ không phải là những người hạnh phúc nhất. Những nghiên cứu này là về chất lượng cuộc sống", Partanen giải thích thêm.
Một điều thú vị là người Phần Lan có hẳn một từ (kalsarikänni) dành cho việc ngồi ở nhà, uống rượu một mình khi chỉ mặc đồ lót và coi đó là truyền thống quốc gia. Nếu có lựa chọn làm vậy một cách vô tư mà không một ai đánh giá, bạn có cho rằng đó là hạnh phúc hay không?
Sự kìm nén cảm xúc hoặc hướng nội nổi tiếng ở người Phần Lan có thể liên quan đến một khái niệm gọi là "sisu". Sisu là một từ tiếng Phần Lan có nghĩa là thể hiện sức mạnh, chủ nghĩa khắc kỷ và tính kiên cường - và đó là một phần quan trọng trong bản sắc của Phần Lan.
Một phần lý do khiến người Phần Lan nói chung không có xu hướng thể hiện nhiều cảm xúc mãnh liệt là vì họ đánh giá cao sự can đảm thầm lặng và sự kiên nhẫn hơn là niềm vui bất thường – và có lẽ đó là lý do tại sao họ rất bối rối khi được vinh danh là những người hạnh phúc nhất.
"Tôi hiểu tại sao người Phần Lan có thể nói 'Thật sao? Chúng ta ấy à?' khi nghe tin mình hạnh phúc nhất. Người Đan Mạch và người Na Uy có cùng phản ứng". Wiking nói. "Mọi người quên rằng chúng ta đang đo lường điều gì khi tiến hành nghiên cứu về mức độ hạnh phúc và họ quên rằng đó là mức trung bình của cả nước. Có lẽ chính xác hơn khi nói rằng người Phần Lan là những người ít bất hạnh nhất trên thế giới.
Họ luôn làm tốt việc giảm thiểu nguyên nhân của bất hạnh. Những thứ như căng thẳng tài chính, rào cản tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tình trạng vô gia cư – những thứ khiến chúng ta không vui. Đơn giản là họ giỏi hơn trong việc chuyển đổi của cải thành hạnh phúc".
Khi những đánh giá hạnh phúc này được công bố, Wiking nói rằng luôn có rất nhiều sự tò mò về các quốc gia được xếp hạng hàng đầu. Chúng ta tự nhiên bị mê hoặc bởi những người dường như đạt được hạnh phúc, trạng thái cảm xúc tuyệt vời mà tất cả chúng ta đều khao khát, và thậm chí còn hơn thế nữa bởi ý tưởng về cả một quốc gia gồm những người sống trong niềm hân hoan.
Có ít câu hỏi được đặt ra hơn về các quốc gia ở cuối danh sách hạnh phúc, bởi vì bất hạnh là điều hiển nhiên. Nếu chúng ta tin rằng có một bí mật nào đó dẫn đến hạnh phúc của người Phần Lan, thì có lẽ điều gần gũi nhất là sống trong một xã hội coi trọng lòng tin và sự hào phóng.
"Khi những nghiên cứu này được công bố, mọi người đều nói 'Muốn hạnh phúc không? Hãy chuyển đến Phần Lan'" - Helliwell nói. Vấn đề là, bạn chắc gì đã hạnh phúc ở một nơi khác quê nhà. Bài học rút ra từ các cuộc khảo sát về hạnh phúc là câu hỏi dành cho chính chúng ta: Làm thế nào để có thể học hỏi và khiến cuộc sống của mình cũng như người khác tốt hơn?
Đôi khi, câu trả lời đơn giản là đến từ những chiếc ví bỏ quên trên băng ghế công viên.
Nguồn: BBC Travel