Trong cuốn sách The Atlas Of Happiness: The Global Secrets Of How To Be Happy (Tấm Bản Đồ Của Hạnh Phúc: Những Bí Kíp Hạnh Phúc Toàn Cầu), tác giả Helen Russell đến từ Đan Mạch đã đưa ra 30 khái niệm khác biệt về hạnh phúc ở 30 quốc gia mà bà đã đi qua và trải nghiệm, nghiên cứu. Mỗi chương trong cuốn sách dành cho một quốc gia khác nhau và những khái niệm về hạnh phúc mà Russell đưa ra được minh họa và miêu tả bởi chính những người dân địa phương. Những tư tưởng, triết lý sống để đạt được hạnh phúc của họ có thể khác nhau, nhưng đều ẩn chứa rất nhiều bài học mà chúng ta có thể rút ra cho mình:
Người Pháp là người đã sáng tạo ra cụm từ Joie de vivre, có nghĩa đơn giản là "niềm vui được sống". Thế nhưng người Canada dường như giỏi hơn trong việc “thực hành” triết lý này. Họ có thể tìm kiếm niềm vui trong mọi thứ. Không quan trọng có bao nhiêu tuyết cản lối, phải lái xe bao xa, hay người tập trung đông đúc đến mức nào, một người sống Joie de vivre sẵn sàng thẳng tiến đến lễ hội mà họ thích mà không cần đắn đo giây nào. Sống Joie de vivre là khi bạn sẵn sàng đón nhận mọi thứ và tìm được niềm vui từ đó, bất chấp có những khó khăn cản đường. Họ muốn thử tất cả các trải nghiệm, dù có chút “điên cuồng” và sẽ cố gắng biến lựa chọn của mình trở thành đúng đắn.
Pura vida, hay cuộc sống thuần khiết, không chỉ là một khẩu hiệu quảng bá du lịch. Đó là cách mà người Costa Rica sống: ưu tiên những gì quan trọng đối với mình. Ở Costa Rica, mọi người thường đặt gia đình và bạn bè ở vị trí quan trọng nhất. Họ thậm chí còn gọi ngày Chủ nhật là “Ngày của bà” vì thường mọi người sẽ về thăm bà của mình, tụ họp gia đình vào ngày cuối tuần này. Russell cho biết: “Khi một người Costa Rica gặp bạn lần đầu tiên, họ sẽ rất thân thiện. Lần thứ hai gặp nhau, họ sẽ ôm bạn, và lần thứ ba gặp mặt, bạn đã là bạn bè suốt đời của họ”.
Dolce far niente, hay sự ngọt ngào của việc không làm gì, chính là tận hưởng từng khoảnh khắc. Thay vì băn khoăn về những vấn đề rắc rối, người Ý cười vào sự hỗn loạn của thế giới và nói: “Ai quan tâm chứ?”. Họ để mặc những vấn đề khách quan mình không thể thay đổi mà thay vào đó tập trung vào việc tạo ra những khoảnh khắc hạnh phúc trong tầm kiểm soát của mình.
Tinh thần này là một cách gạt bỏ điều xấu để tập trung vào điều tốt. Nó có thể là đi ăn một bữa thật no và chơi hết mình với đám bạn, không để công việc chiếm lấy toàn bộ thời gian cuộc sống của bạn mà cứ hãy nhẹ nhàng, thư giãn.
Russell nhận xét trong cuốn sách của mình: “Điều thú vị của việc không làm gì là nó thụ động. Bạn không cần cố gắng để đạt được hạnh phúc. Bạn đang để cuộc sống diễn ra và tận hưởng điều đó, và cảm giác đó khá là cách mạng”.
Wabi có nghĩa là "sự đơn giản" và sabi có nghĩa là "vẻ đẹp của tuổi tác và sự hao mòn". Khi kết hợp lại, họ truyền đạt ý tưởng rằng hạnh phúc có được bằng cách chấp nhận và tôn vinh sự không hoàn hảo và nhất thời. Triết lý này được đại diện tiêu biểu bằng kintsugi, nghệ thuật sửa chữa đồ gốm bị vỡ của Nhật Bản. Người Nhật dùng một loại sơn mài đặc biệt phủ bột vàng, bạc hoặc bạch kim để che giấu các vết nứt. Nó khiến những vết nứt trở nên càng rõ ràng hơn, nhưng đó là mục đích của nghệ nhân bởi vì các vết sẹo mới là thứ tạo nên vẻ đẹp và giá trị. Giữa thời đại mà phương tiện truyền thông xã hội khiến chúng ta ám ảnh về sự hoàn hảo, wabi sabi là một lời nhắc nhở rằng điều đó là vô nghĩa.
Nga là một nơi có khí hậu quanh năm khắc nghiệt và lạnh giá. Giữa hoàn cảnh đó, người Nga nắm lấy hạnh phúc bằng cả hai tay. Và đó là những gì azart (hay “sự cuồng nhiệt”) truyền tải: sự thôi thúc cháy bỏng để theo đuổi mọi thứ mà cuộc sống đem đến cho bạn, luôn nắm lấy các cơ hội, bất kể hậu quả.
Russell nói: “Ở Nga, người ta phải tìm kiếm hơi ấm mọi lúc mọi nơi. Mong muốn đó và sự sẵn sàng chịu đựng có thể giải thích tại sao ở đây có những nét văn hóa thú vị như phải tắm cho đến khi mồ hôi đổ đầm đìa, phong tục chạy ra ngoài tắm trong băng tuyết".
Nguồn: Afar