Mới đây, vụ thảm sát tại Nhật Bản đang khiến cho dư luận thế giới cảm thấy rùng mình run sợ.
Thủ phạm được xác định bước đầu là Satoshi Uematsu (26 tuổi) - một thanh niên có vẻ ngoài cực kỳ thư sinh và thân thiện. Theo báo cáo cho biết, Uematsu đã dùng búa đập vỡ cửa kính, đột nhập vào cơ sở dành cho người khuyết tật, rồi dùng dao đâm chém điên cuồng vào bất cứ người nào mà hắn nhìn thấy. Vụ việc khiến 19 người thiệt mạng, và được đánh giá là vụ thảm sát đẫm máu nhất trong lịch sử Nhật Bản từ Thế chiến II.
Chân dung thanh niên thư sinh Satoshi Uematsu - thủ phạm giết 19 người tại Nhật Bản vừa qua
Nhưng vấn đề ở đây là thanh niên này có một vẻ ngoài và lý lịch quá "sai" để trở thành một sát thủ hàng loạt khát máu.
Thông tin từ phía cảnh sát cho thấy, Uematsu dường như có định kiến về những người khuyết tật trong xã hội Nhật Bản. Tức là động cơ của hắn xuất phát từ tâm lý, một dạng tâm thần.
Và khi đã dính đến tâm lý, mọi chuyện lại phức tạp hơn nhiều.
Dường như có những người sinh ra đã được định là kẻ sát nhân
Hiểu được động cơ của những kẻ giết người hàng loạt luôn là thử thách khó khăn đối với cảnh sát và các chuyên gia. Trong vài thập kỷ gần đây, các nhà khoa học đã quyết định thực hiện một nghiên cứu, nhằm xây dựng bức tranh toàn cảnh về những gì diễn ra trong tâm lý của những sát thủ giết người không gớm tay này.
Ted Bundy - một trong những kẻ sát nhân tàn bạo nhất lịch sử nước Mỹ
Kết quả thực sự gây sốc, khi cấu trúc não bộ của những kẻ giết người hàng loạt có một sự tương đồng đến kỳ lạ. Cấu trúc này khác biệt so với những người bình thường, và có tới 50% nguyên nhân do gene. Điều này có nghĩa rằng, nhiều khả năng đây là những người "sinh ra đã là sát thủ".
Và quả thật, các nghiên cứu sau đó cũng chỉ ra rằng có một số loại gene di truyền có thể biến một người trở thành kẻ giết người.
Ví dụ như CDH13 (cadherin 13) - một loại gene tham gia vào quá trình liên kết neuron trong não bộ. CDH13 được cho là có thể kích hoạt phản ứng bạo lực ở người. Hoặc như gene monoamine oxidase A (MAOA) ngăn cản não bộ sản sinh ra dopamine - hoá chất hạnh phúc, khiến con người dễ có các hành vi bạo lực hơn.
Những bằng chứng từ các nghiên cứu khoa học
Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy đến với nghiên cứu của Ken Kiehl. Đây là nhà tâm lý học đã từng thực hiện rất nhiều nghiên cứu về những tội phạm giết người hàng loạt. Ông đã phỏng vấn và thực hiện các xét nghiệm trên hơn 4.000 tội phạm tại Mỹ - nghiên cứu với quy mô lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này.
Theo Kiehl, thí nghiệm của ông cho kết quả những kẻ tội phạm tâm thần có ít chất xám và hạch hạnh nhân trong não bộ nhỏ hơn.
Tiếp đến, Kiehl sử dụng công nghệ chụp cộng hưởng từ (fMRI), tập trung hướng đến khu vực vỏ não vành trước (anterior cingulate cortex - ACC) - khu vực chịu trách nhiệm quản lý chuyển động của cơ thể. Cuối cùng, họ theo dõi những tên tội phạm này trong 4 năm.
Kết quả cho thấy những tên tội phạm có ACC hoạt động yếu thường có xu hướng tiếp tục phạm tội sau khi được ra tù. Thậm chí, điều này đúng ngay cả khi họ tính thêm cả những yếu tố khác như tuổi tác, thói quen sử dụng rượu bia, ma túy...
Và Kiehl không phải là người duy nhất tin rằng trên đời có những trường hợp "sát nhân bẩm sinh". Một nghiên cứu khác do Helen Morrison - bác sĩ giám định tâm thần tại Chicago - thực hiện trên 135 tội phạm giết người hàng loạt cũng đem lại kết luận tương tự.
Morrison cho rằng nhiều kẻ trở thành sát nhân là do có lỗi trong gene, khiến họ có thêm một nhiễm sắc thể. Ví dụ như Bobby Joe Long - một tên tội phạm điển hình với 3 tội danh cướp - giết - hiếp, có thừa một nhiễm sắc thể X.
Bobby Joe Long - một tên tội phạm điển hình với 3 tội danh cướp - giết - hiếp
Theo cô, việc có thừa một nhiễm sắc thể đã khiến Long bị thừa oestrogen, để rồi hắn cảm thấy phẫn nộ và cuồng loạn vào tuổi dậy thì trước những bất ổn xảy ra với chính cơ thể mình.
Hoặc như trường hợp của Richard Speck - tên tội phạm đã tra tấn, cưỡng hiếp và giết 8 nữ y tá trường học tại Chicago. Hắn cũng có thừa một nhiễm sắc thể Y.
Còn giáo sư Jim Fallon, chuyên gia thần kinh học tại ĐH California thì tìm ra một loại ADN gây bạo lực: MAO-A. Loại ADN này được xem là "gene chiến binh", tác động đến hormone cảm xúc serotonin trong não bộ, khiến con người trở nên cuộc bạo hơn.
Nếu như điều này là thực?
Trên thực tế, các nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở mức đặt ra giả thuyết, chứ chưa thể có kết luận chính thức. Không có gì đảm bảo Uematsu là một tên sát nhân bẩm sinh, cũng như những tên tội phạm giết người hàng loạt khác trên toàn thế giới. Hơn nữa, các yếu tố như môi trường, hoàn cảnh gia đình, xã hội... cũng có ảnh hưởng không hề nhỏ.
Uematsu có phải là một tên giết người bẩm sinh? Chưa thể kết luận được
Tuy nhiên, nếu như thực sự tồn tại những người "sinh ra đã là sát nhân", dường như nhân loại cần đề ra một giải pháp thiết thực, như xác định được gene đó ngay từ khi đứa bé mới sinh.
Fallon cho biết, có thể bằng một số kỹ thuật, gene "giết người" hoàn toàn có thể được loại bỏ. Hoặc giả, những người như vậy được trải qua một nền giáo dục cực tốt, liệu họ có thành công và lương thiện trong tương lai. Điều này sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh.
Nguồn: Daily Mail