Những ngày sau Tết, Bộ Y tế liên tiếp công bố thêm các ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, ngày ghi nhận số ca mắc cao nhất là ngày 16/2 với 42 ca. Số ca mắc Covid-19 sau Tết mắc tập trung ở tâm dịch Hải Dương.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, tại những vùng có dịch bệnh đang lưu hành ví dụ như Hải Dương tình hình dịch bệnh những ngày ra Tết có chiều hướng đang phức tạp dần lên. Nguyên nhân là do trong dịp Tết là dịp nghỉ lễ dài mọi người có cơ hội giao lưu gặp gỡ. Mức độ bùng phát dịch hay không sẽ phụ thuộc vào việc giãn cách xã hội tại Hải Dương.
Còn đối với các vùng khác TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác đang làm rất tốt công tác khống chế dịch bệnh nguy cơ bùng phát dịch sẽ thấp.
Theo chuyên gia trong khoảng 1 tháng nữa Việt Nam mới xác định được đỉnh dịch (ảnh minh hoạ)
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho hay: "Dù có rất nhiều ca bệnh xuất hiện liên tục nhưng chưa thể khẳng định được cụ thể đỉnh dịch. Cá nhân tôi nhận định thì khoảng 1 tháng nữa chúng ta mới biết được đỉnh dịch.
Việc quan trọng nhất của chúng ta hiện nay là tập trung mọi sức lực để ngăn không cho dịch lan rộng trong cộng đồng. Cánh cửa chặn dịch sẽ hẹp lại nếu chúng ta không cùng quyết tâm và đồng lòng".
Theo chuyên gia dịch tễ điểm khó khăn của đợt dịch lần này là virus SARS-CoV-2 biến thể có tốc độ lây lan nhanh. Việc lây lan trong cộng đồng chủ yếu trên những người trẻ tuổi, di chuyển nhiều, ít triệu chứng lâm sàng gây khó khăn cho việc kiểm soát.
"Hiện nay, vẫn chưa có kết luận rõ ràng các chủng virus biến thể sẽ khiến cho bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, xu hướng của virus sẽ biến đổi để con người khó phát hiện ra bệnh. Mục đích hướng tới của virus sẽ lây lan cho toàn nhân loại", PGS. Nguyễn Huy Nga phân tích.
Virus SARS-CoV-2 lây lan chủ yếu qua giọt bắn vì vậy người dân cần thực hiện nguyên tắc theo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.
Tại thời điểm hiện tại, trong đợt dịch thứ 4 này, sẽ có 2 tình huống:
Tình huống thứ nhất, chúng ta sẽ kiểm soát tốt dịch, số ca lây nhiễm giảm dần và sau đó trong 1 khoảng thời gian nhất định không xuất hiện ca lây nhiễm mới trong cộng đồng giống như các đợt trước.
Tình huống thứ 2: Ca lây nhiễm tăng nhanh và lan rộng khó kiểm soát. Nếu tình huống này xảy ra chúng ta cần thực hiện giãn cách xã hội và phong tỏa những khu vực đó. Thậm chí nếu các tỉnh thành không khống chế được dịch thì phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc phong tỏa toàn tỉnh thành.
Bệnh cạnh đó, chúng ta sẽ phải xây dựng thêm các bệnh viện dã chiến. Nếu tình huống này xảy ra chúng ta phải chú ý bảo vệ đối tượng nguy cơ cao cụ thể: người cao tuổi, người có bệnh nền, các bệnh viện đông bệnh nhân, đội ngũ nhân viên y tế...
Trả lời câu hỏi khi nào dịch bệnh Covid-19 có thể kết thúc tại Việt Nam? PGS. Nguyễn Huy Nga nhận định: "Việt Nam có kết thúc được dịch bệnh hay không sẽ còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới. Theo tôi vào cuối năm 2021 tình hình dịch bệnh sẽ dịu đi. Trên thế giới các ca bệnh đã giảm dần và bệnh càng nhẹ đi, lây lan mạnh. Virus đang chạy đua với con người để có thể gây bệnh cho nhiều người vì vậy chúng ta cần phải cảnh giác".