Trong khi ngày 23/8, vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech đã trở thành vaccine đầu tiên nhận được sự phê chuẩn đầy đủ của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), thì các nhà nghiên cứu Pfizer vẫn chưa dừng lại và đang theo đuổi việc phát triển một loại vaccine khác chuyên chống lại biến thể Delta dễ lây nhiễm, Chủ tịch, đồng thời là CEO của Pfizer Albert Bourla cho hay.
"Chúng tôi hiện đang phát triển một loại vaccine chuyên biệt để đối phó với biến thể Delta", ông Bourla nhận định trên chương trình NBC Nightly News khi nói về sự áp đảo của biến thể này hiện nay.
"Tôi gần như chắc chắn chúng ta sẽ không cần đến nó bởi mũi tiêm tăng cường vaccine hiện nay đã rất hiệu quả trước việc chống lại biến thể Delta".
Ông Bourla cũng cho biết, những người ngần ngại tiêm vaccine nên cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi FDA ủng hộ hoàn toàn việc tiêm 2 mũi vaccine của hãng này. CEO của Pfizer cho biết, mặc dù có những tác dụng phụ "nghiêm trọng", chẳng hạn như sưng hạch bạch huyết nhưng các trường hợp này rất hiếm gặp.
Các nhà chức trách y tế đã thông báo hồi đầu tháng này rằng, từ 20/9, những người được tiêm vaccine sẽ bắt đầu được xếp lịch hẹn cho mũi vaccine tăng cường.
Mũi vaccine thứ ba sẽ được tiêm 8 tháng sau mũi thứ hai và sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, vốn có thể bị suy yếu sau khoảng 6 tháng. Những người bị suy giảm hệ miễn dịch tại Mỹ có thể nhận được mũi tăng cường là vaccine Pfizer/BioNTech hoặc Moderna.
Giữa bối cảnh chính phủ liên bang tiếp tục đối phó với biến thể Delta, các phương pháp bảo vệ khác cũng nhận được sự thông qua khẩn cấp như phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng nhằm tấn công vào protein gai của virus.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, nhấn mạnh hôm 24/8 rằng, phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng do Eli Lilly Regeneron và GlaxoSmithKline-Vir Biotechnology phát triển có thể giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong khoảng 70 - 85%.