Cuộc tìm kiếm vaccine ứng phó các biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Thế giới hôm nay, Theo VTV 09:46 25/08/2021

Biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh đang khiến số ca nhập viện và tử vong tại Mỹ, Pháp và Anh đều tăng mạnh trong tuần.

Biến thể Delta lây lan nhanh tại Mỹ, Pháp, Anh

Tại Mỹ, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC thông báo, số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày qua đã tăng 14% so với trung bình tuần trước đó, số ca tử vong trung bình trong tuần cũng tăng 10,8%. Mỹ ước tính trên cả nước, số ca nhiễm biến thể Delta đã tăng 98,8%.

Tại Pháp, cơ quan y tế cho biết, số người phải nhập viện và điều trị tích cực bệnh COVID-19 đang cao nhất trong hơn 2 tháng. Biến thể Delta đang khiến hệ thống y tế trở nên quá tải, số ca tử vong cũng tăng lên. Bộ trưởng Y tế Pháp dự báo, làn sóng lây nhiễm thứ tư có thể lên đỉnh điểm trong vài ngày tới và bày tỏ lo ngại về tác động của việc học sinh trở lại trường.

Tại Anh, trung bình số ca tử vong trong 7 ngày qua đang cao nhất tính từ số liệu của tháng 3 năm nay. Cơ quan y tế cũng cho biết, số ca mắc mới đã tăng trở lại sau khi giảm mạnh vào giữa tháng 7. Số ca mắc trung bình 7 ngày qua đã tăng 13%, các ca nhập viện gần đây cũng có xu hướng tăng.

Cuộc tìm kiếm vaccine ứng phó các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 - Ảnh 1.

Số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày qua tại Mỹ đã tăng 14% so với trung bình tuần trước đó

Thế giới vẫn đang "khát" vaccine

Thế giới vẫn đang khát vaccine, các loại vaccine vốn được nghiên cứu ban đầu để đối phó với chủng virus gốc chưa thể gọi là tuyệt đối khi gặp phải biến thể mới.

Các nhà khoa học khẳng định, các vaccine hiện hữu vẫn có hiệu quả tích cực trong đối phó các biến thể của virus SARS-CoV-2, kể cả biến thể Delta.

Các vaccine này có thể làm giảm khả năng mắc bệnh, khả năng tăng nặng của bệnh và khả năng tử vong. Dù vậy, các loại vaccine vốn được nghiên cứu ban đầu để đối phó chủng virus gốc, bức tường bảo vệ của các loại này chưa thể gọi là tuyệt đối khi gặp phải biến thể mới, đây cũng là chuyện thực tế. Các hãng dược khắp thế giới vì vậy vẫn đang tìm kiếm các loại vaccine mới có hiệu quả hơn trước biến chủng virus độc lực cao và lây lan nhanh hơn các chủng virus trước đó.

Thế giới vẫn đang khát vaccine, nên ngay cả những tân binh, những ứng viên mới ở dạng tiềm năng, còn non trẻ cũng rất được quan tâm.

Cuộc tìm kiếm vaccine ứng phó các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 - Ảnh 2.

Vaccine COVID-19 sản xuất trong nước của Cuba

Cuba

Ngày 20/8, Cuba cấp phép khẩn cấp cho hai loại vaccine COVID-19 sản xuất trong nước là Soberana 02 và Soberana Plus, bổ sung 2 loại này vào chương trình tiêm chủng toàn quốc để chống lại biến thể Delta. Soberana 02 là vaccine tái tổ hợp, được tạo ra bằng cách cấy một gene mã hóa từ protein của virus vào vật chủ. Cuba cho biết, loại vaccine COVID-19 này có hiệu quả lên đến 91,2%. Trước đó, Cuba đã cấp phép một loại vaccine nội khác là Abdala.

Ông Eduardo Martinez - Chủ tịch Tập đoàn Biocubafarma cho biết: "Lợi thế của các loại vaccine Cuba so với các vaccine hiện nay là không cần phải bảo quản cấp đông ở nhiệt độ lạnh sâu. Các vaccine Cuba có thể giữ ở nhiệt độ 2 đến 8 độ C, thuận lợi cho bảo quản và phân phối".

Theo các số liệu của Cuba, trong 2,5 triệu người đã được tiêm vaccine, chỉ 21.000 người vẫn nhiễm COVID-19, chiếm 0,8% và chỉ có 99 người tử vong (tức là chỉ 0,003%).

Ấn Độ

Cuộc tìm kiếm vaccine ứng phó các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 - Ảnh 3.

Vaccine COVID-19 của Ấn Độ

Ngày 21/8, Cơ quan Quản lý dược Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine COVID-19 ZyCoV-D. Đây là loại vaccine đầu tiên trên thế giới dựa trên công nghệ DNA được cấp phép. Vaccine ZyCoV-d được cho phép tiêm với người từ 12 tuổi trở lên, có hiệu quả khoảng 66% với biến thể Delta.

Tiến sỹ Suresh Kumar - Giám đốc Bệnh viện Lok Nayak Jai Prakash Narayan, Ấn Độ cho biết: "Vaccine này được cấp phép đúng vào lúc chúng ta rất cần để đối phó biến thể Delta và làn sóng dịch mới, đặc biệt ngăn chặn số ca bệnh trẻ em".

Các nhà khoa học cho rằng ưu điểm của vaccine công nghệ DNA là giá rẻ, an toàn và ổn định. Vaccine công nghệ này cũng dễ bảo quản, không yêu cầu nhiệt độ lạnh sâu, thời hạn sử dụng có thể lên tới 5 năm. Những yếu tố khiến việc vận chuyển và lưu kho vaccine trở nên dễ dàng.

Anh

Vaccine CV2CoV, do Công ty công nghệ sinh học CureVac của Đức, hợp tác cùng hãng dược Anh GlaxoSmithKline phát triển. Kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy vaccine này có khả năng trung hòa kháng thể mạnh hơn với các biến thể Delta, Beta và Lambda. Dù mới tạo được phản ứng miễn dịch và hiệu quả bảo vệ trong các thử nghiệm trên khỉ, cổ phiếu của các công ty này đã tăng 10%, cho thấy sự tin tưởng và trông đợi của thị trường.

Các nhà khoa học cũng nỗ lực phát triển loại vaccine COVID-19 phổ quát, hiệu quả với nhiều loại biến thể. Công ty công nghệ sinh học Gritstone, trụ sở tại bang California, Mỹ, vừa nhận thêm khoản đầu tư 20,6 triệu USD từ Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh CEPI, cho loại vaccine COVID-19 phổ quát mà hãng này đang nghiên cứu. CEPI cùng với GAVI và WHO chính là những nhà đồng sáng lập Cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX. Khoản tài trợ mới nhất này sẽ giúp công ty tiến hành thử nghiệm lâm sàng ban đầu vaccine trên người ở Nam Phi. Thử nghiệm sẽ tiến hành trước cuối năm nay. Một phần của thỏa thuận tài trợ là, nếu Gritstone thành công, loại vaccine COVID-19 phổ quát này sẽ được cung cấp trên toàn cầu thông qua cơ chế COVAX.

Cuộc chiến với COVID-19 vẫn nóng, nóng ở hệ thống y tế, nóng ở ngoài cuộc sống và trong cả các phòng thí nghiệm nghiên cứu vaccine. Cùng với các biện pháp ngăn đà phát triển của dịch, tiêm vaccine vẫn là lựa chọn tất yếu để thắng cuộc chiến này. Virus đã biến đổi và có thể còn biến đổi, nhưng giới khoa học cũng đang nỗ lực không ngừng, chạy đua trong nghiên cứu, cải tiến và tìm ra các loại vaccine ngày càng hiệu quả hơn.