Năm 2024, WeChoice tiếp tục hành trình truyền cảm hứng với chủ đề “Việt Nam tôi đó”.
Cảm nhận về “tính Việt Nam” trong mỗi người mỗi khác, nhưng chỉ cần thốt lên cụm từ này, điều mà ai cũng có thể cảm nhận được là niềm tự hào. Người Việt, dù ở đâu, trong tim đều có một mảnh đất nơi ta được sinh ra, lớn lên và gắn bó. Đó là nơi lưu giữ những câu chuyện lịch sử oai hùng, là mạch nguồn văn hóa và là những phẩm chất riêng của người Việt.
Chính từ cảm xúc này, WeChoice 2024 ra đời – nhằm tôn vinh lòng tốt, tinh thần anh hùng, sự tử tế và tình yêu quê hương tha thiết của người Việt.
Để hiểu hơn về thông điệp “Việt Nam tôi đó” cũng như đồng cảm với những giá trị mà thông điệp này muốn gửi đến cộng đồng - hãy cùng chúng tôi trò chuyện với ông Vương Vũ Thắng - Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần VCCorp, thành viên Hội đồng thẩm định WeChoice Awards 2024.
Chào ông,
Cụm từ “Việt Nam tôi đó” - chủ đề của WeChoice 2024, chỉ cần nhắc đến đã thấy sức “chạm” của nó trong lòng mỗi người. Nhưng làm sao để các câu chuyện truyền cảm hứng về một “Việt Nam tôi đó” vượt ra khỏi giới hạn truyền thông và trở thành động lực thực sự cho cộng đồng? Hay nói cách khác là làm thế nào để giá trị Việt trong các câu chuyện này không chỉ được ghi nhớ mà còn được tiếp nối?
Nước Việt Nam đang trên đà thay đổi mạnh mẽ. Sự thay đổi được biểu hiện trong nhiều khía cạnh, đặc biệt trong lòng dân tộc, trong từng con người Việt Nam. 2024 là một năm thật sự khó khăn không chỉ đối với nước ta mà còn toàn thế giới. Nhưng cũng chính vào lúc khó khăn, tinh thần con người được thử thách và bộc phát ra một cách đẹp đẽ nhất.
Câu chuyện về những con người mang sứ mệnh “truyền cảm hứng”, nếu không ai nhắc đến, thì chúng chỉ nằm trong một nhóm nhỏ, rất khó lan rộng ra. Nhưng khi chúng ta nhận ra những câu chuyện ấy mang một dấu ấn riêng về tinh thần tương thân tương ái của người Việt, từ đó đưa lên thành một câu chuyện để xã hội biết đến, thì chúng sẽ được nhân rộng ra rất nhiều.
Không có gì truyền thông tốt hơn bằng việc tự những câu chuyện đó có sẵn những ý nghĩa nhân văn. Thật ra, việc truyền thông cho những câu chuyện truyền cảm hứng như vậy rất đơn giản, chúng ta chỉ cần kể ra, còn bản chất mỗi câu chuyện đều mang một sức mạnh “truyền cảm hứng” riêng rồi.
“Sự kể” ở những nhân vật WeChoice khá đặc biệt. Bởi như ông nói, mỗi nhân vật đều có sức “truyền cảm hứng” riêng. Điều khiến những người làm WeChoice lo nhất là những câu chuyện về hành trình lan tỏa giá trị tích cực của họ sẽ không được kể đủ nhiều, đủ sâu hoặc khi kể xong thì tính truyền cảm hứng sẽ không được cân đo trên một thang độ cụ thể. Nhưng có phải là “hữu xạ tự nhiên hương”, nếu một người hoặc một điều gì đó có giá trị, thì tự nhiên sẽ được công nhận, không cần phô trương. Ông nghĩ sao?
Mỗi câu chuyện truyền cảm hứng tại WeChoice đều có một đời sống riêng lan truyền vào từng ngóc ngách của xã hội. Chúng truyền một loại cảm hứng riêng biệt và thúc đẩy những điều tốt đẹp trong mỗi người.
Chúng ta không thể cân đo được những câu chuyện này sẽ truyền được bao nhiêu cảm hứng. Nhưng nhiệm vụ của WeChoice là tìm ra những câu chuyện đẹp nhất, ý nghĩa nhất, làm lay động lòng người nhất và kể về chúng một cách trung thực nhất cho cộng đồng. Rồi thì tự câu chuyện sẽ có sức mạnh riêng đem đến rất nhiều cảm hứng đẹp cho xã hội.
Chúng ta cũng sẽ không thể biết tính truyền cảm hứng trong mỗi câu chuyện của WeChoice sẽ lan đến những ngóc ngách nào, thời điểm nào. Có thể khi một người đọc câu chuyện này vào năm nay và trong lòng có một cảm hứng mạnh mẽ, nhưng 10 năm sau họ mới có điều kiện để hành động.
WeChoice gieo những hạt giống tích cực vào 10 năm trước, có thể 10 năm sau mới đơm hoa kết trái. Sự chờ đợi để hạt giống nảy mầm khá dài, nhưng rất đáng.
Tức là sẽ không có giới hạn nào cho sự truyền cảm hứng?
Mục tiêu của WeChoice là tìm ra những câu chuyện, con người có năng lực và có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ để đem đến những điều tốt đẹp đến với cộng đồng, đến trái tim người khác. Ở đây có tính “trái tim” rất mạnh, truyền cảm hứng không phải tôi kể một câu chuyện hay, mà câu chuyện đó phải chạm vào trái tim người khác thì nó mới gọi là truyền cảm hứng.
Nếu câu chuyện hay nhưng không có sự “chạm”, thì người ta chỉ “wow” rồi sau đó cũng quên mất. Tuy nhiên, nếu câu chuyện có một sự “chạm” thì không chỉ thốt lên “hay quá” mà người ta còn suy nghĩ “liệu mình có thể sống như thế được không nhỉ?”. Một bên là “câu chuyện này hay quá” xong quên, còn một bên là “mình có thể sống đẹp như thế không nhỉ” rồi ghi nhớ chúng trong lòng.
Trên MXH, từng có ý kiến cho rằng chúng ta nên tách riêng nghệ sĩ ra một hạng mục riêng, còn trong đề cử Nhân vật truyền cảm hứng, nên chỉ dừng lại ở những nhân vật ở lĩnh vực đời sống xã hội, hay những người ít nổi tiếng hơn so với nghệ sĩ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi nghĩ không chỉ những câu chuyện đời sống xã hội, mà những câu chuyện của nghệ sĩ cũng rất phù hợp trong đề cử Nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice.
Nghệ sĩ có khả năng truyền cảm hứng và chạm đến trái tim rất tốt cho cộng đồng. Một nghệ sĩ có 3 triệu fan, khi họ kể một câu chuyện tốt đẹp, họ sẽ chạm được ít nhất 3 triệu fan của họ. Vậy nên, nếu nghệ sĩ xuất hiện trong danh sách đề cử Nhân vật truyền cảm hứng, rồi sau đó họ sống một cuộc sống tốt đẹp, đem đến giá trị tốt đẹp thì ít nhất có 3 triệu người được lợi từ đấy.
Tôi nghĩ nghệ sĩ họ cũng có khát vọng, những điều tốt trong trái tim họ, họ cũng là một người Việt Nam, cũng giống như thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, chị bán phở treo… nên họ có mặt trong câu chuyện chung của WeChoice
WeChoice nhận thấy cộng đồng đã đề cử những niềm cảm hứng từ những câu chuyện rất đỗi bình thường như lần đầu tiên, một group Facebook cũng được đề cử truyền cảm hứng. Trước đó, một đội ngũ làm truyền thông cho Facebook của Di tích Nhà tù Hoả Lò cũng trở thành Đại Sứ. Ông đánh giá thế nào về sự chuyển dịch trong việc đề cử của cộng đồng?
Từ xưa lúc bắt đầu làm chương trình, tinh thần của WeChoice luôn là những câu chuyện đời thường. Có năm chủ đề của chương trình là “Điều phi thường nhỏ bé”, rồi “Mặt trời ẩn trong tim”...
WeChoice không phân biệt hành động đấy phải là vĩ đại, hay được đông đảo mọi người thừa nhận. Mà một người có câu chuyện đẹp chạm vào trái tim người khác, đấy đã là “truyền cảm hứng” rồi. Những câu chuyện chỉ cần nghe là có thể xúc động ngay. Năm nay WeChoice tiếp tục làm điều đó. Tôi hay nói đấy là một sự truyền cảm hứng theo kiểu WeChoice.
Bất kể câu chuyện đến từ ai, có thể là một người vô danh hay một người nổi tiếng - ai cũng được, quan trọng là câu chuyện nó đẹp và chạm đến trái tim người khác.
Tôi thấy ông nhắc nhiều về tính “chạm” của những câu chuyện truyền cảm hứng đến trái tim của mỗi người. Vậy theo ông, điều gì trong các câu chuyện của top 20 khiến tinh thần “Việt Nam tôi đó” có sức “chạm” mạnh mẽ và ảnh hưởng đến cộng đồng?
Điều hiện rõ nhất trong top 20 để cho thấy một tinh thần “Việt Nam tôi đó” chính là tấm lòng con người Việt Nam. Từ người thầy sẵn sàng nuôi 22 em bé xa lạ, đến một chị chủ quán bình thường, chỉ vì thương những người có hoàn cảnh khó khăn nên “treo” phở lên để cho người xa lạ… Những điều này toát lên tấm lòng con người Việt Nam. Bình thường điều này không dễ nhìn thấy, nhưng qua WeChoice thì nó được bộc lộ rõ.
Người Việt Nam nổi tiếng với tấm lòng vị tha, tương thân tương ái, tấm lòng hào hiệp. Nhưng không cần phải đợi giàu thì mới đi giúp đỡ người khác, không cần đợi đến lúc hoạn nạn thì mới giúp đỡ nhau, mà bất cứ lúc nào họ đều sẵn sàng dang rộng vòng tay. Chẳng hạn như “tổ đội” Sài Gòn Xanh, những bạn trẻ có tình yêu với thành phố nơi họ sinh ra, với môi trường sống của họ nên họ sẵn sàng tình nguyện đi dọn dẹp rác, lội xuống bùn đen của những con sông ô nhiễm để đem lại một môi trường xanh sạch đẹp cho cộng đồng.
Tấm lòng của chúng ta, khi được giữ vững và chân thành, sẽ lan tỏa sức mạnh, khơi dậy những điều tốt đẹp vốn đã hiện hữu trong lòng người khác chỉ chờ được đánh thức. Đó là lúc họ nghĩ: “Nếu anh ấy làm được, tôi cũng có thể làm được,” hoặc “Chị ấy treo được 100 bát một ngày, tôi sẽ góp một bát để cùng sẻ chia”. Sự cộng hưởng ấy chính là sợi dây kết nối những trái tim, tạo nên sức mạnh tập thể và niềm tin vào sự tử tế.
Trong đề cử Nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice 2024 có rất nhiều bạn Gen Z với tài năng nổi trội. Các bạn có cách nhìn về niềm tự hào Việt Nam rất mới lạ. Đi từ góc độ đấy, ông nghĩ rằng tính dân tộc có đang chuyển dịch từ ý thức “bảo tồn” sang tinh thần “phát huy” và “sáng tạo”, đặc biệt là trong kỷ nguyên 4.0 - nơi có sự phát triển mạnh của công nghệ?
Khi sự sáng tạo dựa trên hiểu biết về bản sắc văn hóa, thì văn hóa khó có thể mai một được. Nếu sáng tạo mà không có nền tảng, rất dễ khiến chúng ta xa rời bản sắc. Vậy nên, chúng ta luôn cần những người coi văn hóa là một phần đời sống của họ. Khi văn hóa trong trái tim, mình làm gì cũng có dấu ấn.
Đấy là một trong những lý do WeChoice ra đời. WeChoice luôn tìm kiếm và tôn vinh những người như vậy, để họ tiếp tục sống và duy trì bản sắc trong lòng họ và họ tiếp tục sáng tạo để tỏa sáng cho cộng đồng.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
WeChoice Awards là giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, có ý nghĩa nhân văn lớn, nhằm tôn vinh những con người, sự kiện, sản phẩm và công trình lan tỏa niềm cảm hứng tích cực tới cộng đồng. Năm 2024, WeChoice Awards đã chính thức quay trở lại với chủ đề "Việt Nam tôi đó".
Sau khi nhận được rất nhiều đề cử ấn tượng do cộng đồng gửi về, cổng bình chọn của WeChoice Awards 2024 đã chính thức mở từ ngày 25/12/2024. Ngay từ bây giờ, hãy truy cập wechoice.vn và bình chọn cho những nhân vật, câu chuyện mà bạn cảm thấy được lan tỏa mạnh mẽ niềm cảm hứng Việt Nam tôi đó.
Thời gian bình chọn sẽ kéo dài từ 25/12/2024 đến 12h00 ngày 12/1/2025. Kết quả bình chọn sẽ được công bố vào đêm Gala vinh danh và trao giải diễn ra tối ngày 12/1/2025. Bình chọn ngay tại wechoice.vn !