Với lượng tiêu thụ cà phê lên tới 18 pound/người (khoảng 8 kg/người) mỗi năm, Thụy Điển là một trong những quốc gia tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới.
Cà phê đã thực sự trở thành một nét văn hóa đặc trưng cho quốc gia này. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng trong suốt chiều dài lịch sử của Thụy Điển.
Bắt đầu từ thế kỷ 18, một số vị vua đã bắt đầu cấm việc lưu hành cà phê. Và một vị vua Thụy Điển thậm chí còn đi xa hơn, khi ông tiến hành thực nghiệm trên hai gã tử tù để chứng minh loại đồ uống này độc hại cỡ nào.
Cà phê bắt đầu đặt chân tới Thụy Điển vào thế kỷ thứ 17, và người dân nơi đây ngay tức khắc mở rộng vòng tay với thứ đồ uống này. Nhưng nó lại không hề nhận được sự hoan nghênh từ các vị vua, khi họ cho rằng cà phê gây ảnh hưởng xấu tới người dân của họ.
Bắt đầu từ năm 1756, dưới triều đại vua Adolf Frederick, quốc gia này bắt đầu đánh thuế rất nặng lên việc nhập khẩu và tiêu thụ cà phê. Thậm chí những người uống cà phê không trả thuế sẽ bị…tịch thu cốc chén.
Cũng trong năm đó, cà phê đã bị cấm lưu hành tại Thụy Điển. Hoàng gia Thụy Điển bỏ ra rất nhiều nỗ lực trong việc hạ thấp loại đồ uống này, đồng thời khuyến khích người dân tiêu thụ những loại đồ uống khác.
Người dân Thụy Điển, đặc biệt là giới thượng lưu, những người có thể mua được các loại hạt cà phê quý hiếm, vẫn điềm nhiên tiếp tục sử dụng cà phê, bỏ ngoài tai những lệnh cấm vô lý.
Và rồi Gustav III lên nắm quyền điều hành đất nước. Là con trai của một người đã ban sắc lệnh cấm cà phê, ông tỏ rõ sự ghê tởm sâu sắc với nó và cho rằng nó rất có hại với sức khỏe con người.
Nỗ lực chống lại thứ đồ uống này được đưa lên đến đỉnh điểm khi ông bẻ khoa học theo ý mình nhằm chứng minh cho người dân thấy họ nên vĩnh viễn từ bỏ thói quen uống cà phê của mình.
Với một động thái gây ngỡ ngàng ngay với những nhà khoa học hiện nay, Gustav quyết định tiến hành thực nghiệm này trên các phạm nhân.
Ông tìm thấy hai phạm nhân mang tội giết người để tiến hành thực nghiệm. Cả hai người này đều đã lĩnh án tử, vậy nên vị vua đề nghị giảm án xuống chung thân, để họ có thể tham gia vào thực nghiệm.
Nhiệm vụ của họ rất đơn giản: Uống cà phê và trà. Một người được yêu cầu uống ba ấm trà mỗi ngày, còn một người được yêu cầu uống lượng tương đương cà phê mỗi ngày.
Vốn nghĩ rằng mình sẽ sớm được thấy những tác hại của cà phê, nhưng trớ trêu thay, phạm nhân uống cà phê đã sống, và thậm chí còn sống lâu hơn Gustav.
Gustav qua đời năm 1792 sau một vụ tấn công tại Nhà hát Nhạc kịch Hoàng gia Stockholm, trong khi phạm nhân uống trà sống tới năm 83 tuổi, và phạm nhân uống cà phê còn thọ lâu hơn thế, tuy chưa xác minh rõ con số này là bao lâu.
Không chỉ mình Gustav, vua Phổ Frederick the Great cũng là người rất độc đoán với món cà phê này. Cấm cà phê chưa đủ, ông thậm chí còn cấm luôn việc rang xay cà phê và đưa cận thần xuống phố nhằm đánh hơi hương vị của loại đồ uống này.
“Cảm giác thật ghê tởm khi thấy người dân tôi ngày càng dùng nhiều cà phê. Ai cũng uống cà phê. Đã là dân Phổ, chúng ta phải uống bia.”
Thế nhưng, dù nỗ lực ngăn cấm đến đâu đi nữa, cà phê vẫn vượt qua mọi sự độc đoán để hòa mình đi khắp châu Âu. Riêng với Thụy Điển, mùi vị cà phê đặc trưng đã trở thành một phần không thể thiếu trong nét văn hóa đầy yên bình của quốc gia này.
Tham khảo: History.com