Người làm báo lâu nay vẫn được mệnh danh là những người chiến sĩ trên mặt trân văn hóa, tư tưởng. Vinh quang nào bằng nghề cầm bút, nảy mực, đem thông tin truyền đến độc giả. Nơi nào có sự kiện mới diễn ra, chưa đầy vài phút, phóng viên đã lập tức có mặt. Khó khăn, gian khổ nhưng cho dù phải băng đèo, lội suối, chịu đói, chịu khát, phóng viên vẫn cố gắng bằng mọi cách đưa thông tin nhanh nhất, đúng nhất đến độc giả. Những hình ảnh cánh phóng viên xúm lại, chen nhau chụp lấy một bức ảnh hay dù chịu mưa ướt, vẫn ôm khư khư máy ảnh, máy quay phim... có lẽ không còn hiếm gặp.
Thế nhưng, chúng ta vẫn thường chỉ đọc bài viết rồi chúng ta nhớ bài viết đó, mấy ai đủ sức nhớ hết những bút danh ký dưới đó.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Hà - Sinh năm 1976
Tốt nghiệp ngành Quốc tế học, ĐH KHXHNV, đam mê nhiếp ảnh khi mới rời trường phổ thông. Ngày cầm máy đầu tiên là năm 1994. Đến khoảng năm 2000 thì cộng tác với một số báo, chụp ảnh đăng báo.
Là học trò của thầy Đinh Đăng Định, từng học qua các lớp đào tạo ảnh báo chí do Mỹ, Thụy Điển và trong nước giảng dạy
Năm 2006, khi đang kinh doanh ngành ảnh thì bỏ đi làm báo, chấp nhận thu nhập thấp hơn hiện tại, để được làm công việc mình thích, được đi đây đi đó.
Nhà báo Hoàng Hà từng làm việc nhiều năm tại báo điện tử VnExpress. Đến tháng 8/2013, chuyển sang báo điện tử Zing.vn và hiện là trưởng ban Ảnh báo điện tử này.
Để hiểu hơn về nghề báo, nhân kỷ niệm 91 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016), chúng tôi có dịp nghe anh Nguyễn Hoàng Hà, từng nhiều năm làm ở báo VnExpress và hiện là Trưởng ban ảnh của Zing - người được mệnh danh là "ông vua" chùm ảnh đất Bắc, chia sẻ về những khó khăn, tâm sự về nghề báo, về công việc của một Phóng viên Ảnh.
Nhà báo Hoàng Hà trong chuyến tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 vào tháng 3/2014.
Anh có thể chia sẻ đôi chút về công việc vất vả của phóng viên ảnh, nhất là những sự kiện lớn?
Đặc thù của phóng viên ảnh là vất vả về cả chân tay lẫn đầu óc. Họ luôn phải vác nặng chục kg trên người chạy, đi bộ lăng xăng để có được khuôn hình đẹp. Chưa kể những sự kiện có nhiều báo tham gia họ phải chen lấn, lấy chỗ rất vất vả. Nếu không có được tấm hình ưng ý như phóng viên báo khác, họ sẽ cảm thấy day dứt, thua kém.
Đó là lý do nhiều người chấp nhận vác lỉnh kỉnh cả đống lens, máy cùng balo, chân máy, laptop... trên người. Ngoài ra việc vác nhiều đồ trên người khi vào nơi đông đúc cũng khó chen lấn, mà để ở đâu đó gần vị trí tác nghiệp lại sợ bị trộm mất. Về đầu óc, họ luôn phải tư duy xem cái gì cần chụp, cần truyền tải thông tin bằng hình ảnh, cái gì không cần. Làm sao để chup được bức hình đắt giá trong một mớ hỗn độn ảnh của các báo khác, đó cũng là những trăn trở của người cầm máy khi ra "trận".
Ảnh ảnh các phụ huynh xô đổ cổng trường Thực Nghiệm để tranh nhau chạy vào nộp hồ sơ xin học lớp 1 cho con là bức ảnh mà anh Hà khá ưng ý
Để so sánh sự kiện nào vất vả nhất thì khá khó bởi phần lớn khi đã vác máy ra trận là ai cũng mệt và lăn xả. Có lẽ những phóng viên ảnh ở một tờ báo điện tử phải làm quá nhiều sự kiện trong một ngày và đảm nhiệm đa lĩnh vực cả xã hội, thể thao, giải trí thì đó là người vất vả nhất.
Khi tôi còn chưa làm công tác quản lý, là một phóng viên, có những ngày sáng tôi thời sự xã hội, chiều thể thao, tối lại giải trí. Xong sự kiện giải trí là 12h đêm, về biên tập bài đến tận 4h sáng, ngủ được 3 tiếng lại phải dậy làm sự kiện của ngày hôm sau từ 7h sáng. Tôi nghĩ đó là lúc rất quá tải.
Vậy đó có phải bức ảnh anh cảm thấy ưng ý nhất? Theo anh, để chụp ảnh tốt ở sự kiện lớn thì PV ảnh nên làm thế nào?
Bức ảnh ấn tượng thì tôi có nhiều nhưng sự kiện mà tôi thấy nhớ mãi (không hẳn là tốt nhất) là hai sự kiện. Thứ nhất, là cảnh các phụ huynh xô đổ cổng trường Thực Nghiệm để tranh nhau chạy vào nộp hồ sơ xin học lớp 1 cho con. Hôm đó tôi thức trắng đêm cùng các phụ huynh ở ngoài cổng trường để theo dõi tình hình.
Tình huống xô xát giữa CĐV Hải Phòng và CSCĐ được tác giả ghi lại.
Đến sáng khi cổng trường vừa hé mở, nhiều người vội vã xô vào khiến cổng trường đổ. Tôi kịp chạy vào trong chụp được vài bức. Bức ảnh nói lên được thực trạng tâm lý đám đông của người Việt, sự thiếu ý thức, chen lấn xô đẩy ở bất kỳ nơi nào có dấu hiệu của "lợi lộc".
Thứ hai là hình ảnh cảnh sát cơ động xô xát với cổ động viên Hải Phòng tại một trận bóng đá ở sân Hàng Đẫy. Lúc đó khi tan trận, CĐV Hải Phòng quậy loạn khán đài ra tận đường Hùng Vương. Chỉ có mình tôi chạy theo. Lúc đó CĐV ném gạch vào lực lượng an ninh. Đó là lý do một số thanh niên bị cảnh sát giơ chân đạp cảnh cáo.
Làm nghề PV, đã bao giờ anh phải đối mặt với rủi ro, nguy hiểm?
Lần chụp ảnh cổ động viên Hải Phòng, một số người lúc đó đã dọa định đánh tôi vì dám xông vào giữa chụp ảnh nhưng sau đó tôi nhanh trí xử lý tình huống nên không sao.
Theo tôi, làm nghề phóng viên ảnh phải có máu liều, biết chấp nhận rủi ro để có được tác phẩm tốt để truyền tải đến bạn đọc.
Được biết, trong sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm Việt Nam, anh là người đầu tiên đăng ảnh về ông ấy? Ai cũng biết Tổng thống Mỹ nổi tiếng cỡ nào, ông ấy đi một bước là có cả một "rừng" ống kính đi theo. Vậy, giữa đám đông phóng viên ấy, làm cách nào anh chụp cho mình được những bức ảnh ưng ý?
Đó là lần đầu tiên tôi tác nghiệp đón một vị Tổng thống của Mỹ đến Hà Nội. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là tôi là người đầu tiên đăng ảnh Tổng thống Obama khi vừa xuất hiện tại Việt Nam trên Zing.vn với bức ảnh ông vẫy tay chào. Khoảnh khắc ông ấy chào rất nhanh rồi bỏ tay xuống mà tôi vẫn kịp chụp, trong khi hầu hết các phóng viên khác bị trượt.
Bức ảnh Tổng thống Obama đến Hà Nội do PV ảnh Hoàng Hà chụp lại - (Ảnh: NVCC).
Đó là một phần nhờ yếu tố kinh nghiệm tác nghiệp lâu năm. Tôi rất hài lòng với bức ảnh này dù chụp từ rất xa, điều kiện thiết bị máy móc hạn chế, không có ông kính tiêu cự lớn như phóng viên quốc tế. (Máy bay đỗ tương đối xa vị trí phóng viên tác nghiệp). Sau khi chụp được khoảnh khắc này tôi lập tức truyền ngay về tòa soạn. Và hình ảnh lan tỏa trên mạng xã hội được khen ngợi nhanh, kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc.
Ngoài sự kiện này, anh có còn kỉ niệm nào đáng nhớ khi tác nghiệp ở những sự kiện lớn?
Sự kiện lớn mà tôi nhớ thì có nhiều, những lần tác nghiệp bão lụt, lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mít tinh kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam năm 2015, Đại hội Đảng 12 vừa qua. Tất cả đều là những ngày tháng chiến đấu lăn lộn, thậm chí thời gian ngủ không có nhiều.
Trong nghề, tôi luôn hết mình vì công việc. Có lúc, tôi sẵn sàng bỏ chi phí hàng triệu để có tấm ảnh đẹp đăng báo, mặc dù lấy nhuận bút làm thứ mưu sinh. Khi còn làm ở VnExpress, đồng nghiệp gán cho tôi danh hiệu là "vua chùm" bởi chùm ảnh (bài ảnh) sản xuất liên tục, đăng liên tục. Ai cũng tưởng mình hàng tháng kiếm được nhiều tiền lắm. Nhưng sự thật là nghề này ráo mồ hôi lại hết tiền. Chi phí cho những chuyến đi, để có một bức ảnh thường là lớn, nhuận bút không bù lại được. Nhiều người trêu, anh này cái gì cũng xài, từ bà quét rác, công nhân móc cống, thiếu nữ với hoa cho đến các chính khách, hoa hậu, sao, người đẹp…
Trận lụt năm 2008, hàng trăm chiếc xe buýt xếp hàng xô vào nhau đợi lưu thông. Bức ảnh do nhà báo Hoàng Hà chụp lại - (Ảnh: NVCC).