Ống Kính Sát Nhân là phim điện ảnh Việt Nam duy nhất ra mắt trong dịp cuối tuần này, đối đầu trực tiếp với Ocean's Eight (Đẳng Cấp Quý Cô) của các sao nữ Hollywood đình đám. Từ những thước phim đầu tiên được tung ra từ trailer và poster, khán giả cho rằng đây là một bộ phim trinh thám, điều tra cân não. Nhưng hóa ra, Ống Kính Sát Nhân là một tác phẩm điện ảnh đề tài tâm lý tội phạm với những thủ pháp khắc họa nhân vật khá nặng và... biến thái.
Thanh tra K (tên thật, không phải tên viết tắt - Hứa Vĩ Văn đóng) đã vô tình gây ra cái chết của đồng nghiệp (Thân Thúy Hà) trong một nhiệm vụ truy bắt tội phạm hiếp dâm vì chứng bệnh rối loạn giấc ngủ. Ngay sau đó, vợ chồng một nghệ sĩ cải lương bị ám sát một cách bí ẩn nhưng K bị loại ra khỏi cuộc điều tra. Trong đám tang của nạn nhân, cậu bé con trai đã hoảng hốt vì cho rằng ánh đèn flash của phóng viên là tia lửa từ khẩu súng đã giết chết cha mẹ mình. Mọi lời khai và bằng chứng đều chống lại tay phóng viên kia, vụ án được lệnh khép lại.
Cẩm Phô (Diễm My 9x) là hôn thê sắp cưới của người phóng viên bị tình nghi đó. Cô đến đồn cảnh sát kêu gào được minh oan, nhưng rất tiếc, chẳng ai muốn giải quyết một vụ án đã đóng hồ sơ, nhất là khi họ đã chắc mẩm bắt được hung thủ. K cảm thấy tội nghiệp Cẩm Phô cũng như không bằng lòng với việc kẻ thủ ác vẫn còn trong bóng tối, bất chấp mình đã không còn là thanh tra, anh cùng Cẩm Phô lên đường đi tìm chân tướng. Nhưng càng tìm ra thêm manh mối, cả hai càng tiến dần đến một sự thật kinh khủng hơn đằng sau đó.
Trailer Ống Kính Sát Nhân
Vụ án mạng thực chất chỉ là một khởi đầu, Ống Kính Sát Nhân đã nhanh chóng khiến khán giả nhận ra rằng không phải họ đang xem một bộ phim trinh thám. Bởi ngay khi nhân vật X (Khương Ngọc) xuất hiện, tất cả đều đã biết ai mới là hung thủ thực sự. Nhưng, hắn đã gây án như thế nào, âm mưu thật sự của hắn đằng sau vụ ám sát kia là gì mới quan trọng và đáng thưởng thức. Đừng vội vàng cho rằng phim "lật bài" quá nhanh vì còn rất nhiều thứ hay ho chờ bạn đến hết phim.
Bằng nhịp phim khá rề rà nhưng cực kì tạo được cảm giác căng thẳng, đôi lúc rùng rợn, trong những bối cảnh được set up và đánh sáng tỉ mỉ, câu chuyện bí ẩn của kẻ thủ ác biến thái nhưng cũng cực kì đáng thương dần được lật mở. Từ cảm giác tò mò về vụ ám sát một nghệ sĩ cải lương được dựa trên vụ án của nghệ sĩ Thanh Nga, khán giả được đạo diễn dẫn dắt từ từ đến với câu chuyện và cảm xúc của thanh tra K và cô giáo Cẩm Phô tội nghiệp, cuối cùng là bước vào thế giới đầy những ám ảnh, nỗi đau và sự hoang tưởng của một kẻ phạm tội biến thái. Đến cuối cùng, khi mọi thứ đã ngã ngũ, vụ án đã phơi bày chân tướng thì cũng là lúc cảm xúc trong khán giả thật hỗn mang: một chút nhẹ nhõm, một chút hài lòng, một chút thương tâm và rất nhiều nuối tiếc.
Kịch bản của Ống Kính Sát Nhân được cài cắm khá kĩ, lồng giấu rất khéo trong từng chi tiết nhỏ, từng hành động tưởng như vô nghĩa, từng ánh mắt mà nếu không để ý sẽ rất dễ dàng bỏ qua những thông điệp ngầm. Cũng chính vì vậy mà khán giả lúc nào cũng như ở trong những tình huống căng thẳng, buộc phải cảnh giác và nín thở dõi theo bước chân nhân vật khám phá sự thật ẩn giấu.
Những khung cảnh luôn độc một nguồn sáng, những con phố heo hút người, những bộ trang phục tối màu, những không gian hẹp tạo sự bất an, những con búp bê được tô trát dị hợm và những đứa trẻ kì lạ liên tục tạo nên sự tò mò và không khí sợ hãi như trong những phim kinh dị của Hollywood. Về tổng thể, Ống Kính Sát Nhân phải nói có phần hình ảnh tuyệt vời, hài hòa từ góc máy đến màu sắc và nhịp quay.
Có những trường đoạn bạn cảm thấy nó thật dài đến sốt ruột, cũng có những cảnh được cắt gọt chớp nhoáng tạo ra cái cảm giác hoảng loạn. Nhưng tất cả đều được dàn dựng một cách cố ý để cấu thành nên một "khung cảnh" điện ảnh lạ nhất, đậm không khí nhất so với mặt bằng chung của phim Việt.
Không khó để nhận thấy đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng lấy cảm hứng khá nhiều từ những khung hình ma thuật của Vương Gia Vệ. Đoạn thanh tra K đứng sau cánh cửa và mớ sáng từ bên ngoài hắt lên mặt thành từng vệt gợi nhớ đến Đông Tà Tây Độc, góc máy từ sau lưng nhân vật đang phả khói thuốc trong căn phòng tối mang đậm không khí của 2046, hay như mối quan hệ bắt nguồn từ sự giúp đỡ lẫn nhau rồi biến chuyển thành thứ tình cảm kiềm nén của K và Cẩm Phô gây liên tưởng đến Chu Mộ Văn và Tô Lệ Trân của Hoa Vạn Niên Hoa. Một sự thừa hưởng đẹp đẽ từ một trong những nguồn cảm hứng điện ảnh hấp dẫn nhất thế giới.
Tuy nhiên, dù phần hoàn cảnh và lý do để dẫn đến những hành vi của kẻ thủ ác được đầu tư rất chi tiết nhưng diễn biến hành động ở phần cao trào cũng như giải quyết vấn đề lại chưa đủ sâu và hơi dễ dãi. Khán giả chờ đợi cái gì đó bạo liệt hơn nữa, ghê gớm hơn nữa nhưng rốt cuộc lại không có. Khi kẻ thủ ác tưởng như đã phơi bày hết những góc khuất tối tăm nhất của mình, ta lại chỉ thấy hắn... cười cợt rồi làm những điệu bộ hù dọa thay vì những hành động mang tính quyết định và tạo cảm gíac mạnh. Tương tự với cách giải quyết ở màn "quyết đấu" hạ màn, quá dễ dàng so với phần chuẩn bị lớp lang trước đó, tạo cảm giác hụt hẫng.
Và, quan trọng nhất, chính là lời khen dành cho Khương Ngọc. Một lần nữa sự tinh quái và có phần biến thái trong nét diễn của Khương Ngọc đã được khai thác và làm mới trong Ống Kính Sát Nhân. Một gã thợ chụp ảnh với những nỗi đau xé tận tâm can, nỗi cô đơn hóa thành sự lạc lối và một tâm hồn khao khát được cảm thông giấu trong vẻ ngoài đạo mạo nhưng đầy bí hiểm được Khương Ngọc lột tả cực kì xuất sắc. Giọng nói lúc lên cao, lúc trầm lắng, điệu cười man dại và ánh mắt lạc lõng đều được Khương Ngọc đặt để đúng lúc, tạo nên một tên tội phạm tâm thần đáng nhớ bậc nhất của điện ảnh Việt.
Hứa Vĩ Văn cũng có sự lột xác đáng kể trong lần xuất hiện này. Anh thoát khỏi hình bóng soái ca mực thước, si tình để trở thành tay thanh tra nhiều ưu tư, già dặn, luôn sống trong mặc cảm về lầm lỗi. Tuy nhiên, đường dây phát triển của nhân vật K lại chỉ có một chiều, thế nên ở phần sau của phim, K gần như bị X "nuốt chửng" trên sàn diễn phô bày sự ấn tượng. Nếu có một series dành cho K thì có lẽ anh mới có nhiều đất thể hiện hơn. Hành động quay đầu về phía ánh sáng chói lóa trong nhà tù ở cuối phim hứa hẹn nhiều cái mới sẽ được mở ra nếu có phần tiếp theo. Khi đó, thanh tra K có lẽ sẽ trở thành thám tử K.
Ngược lại với Hứa Vĩ Văn, Diễm My 9x có một hình tượng đơn giản hơn so với Helen của Cô Ba Sài Gòn. Cô giáo Cẩm Phô ăn bận đơn giản, gương mặt trang điểm không quá cầu kì và có nhiều suy nghĩ nội tâm cất giấu. Vai diễn ít đất thể hiện nhưng cũng không quá nhạt nhòa so với hai nam chính, Diễm My vẫn biết cách bung tỏa nội lực đúng lúc để nhân vật của mình trở nên đặc biệt.
Những cái tên còn lại như Kinh Quốc, NSƯT Công Ninh, Thương Tín, Nguyễn Chánh Tín, Lan Phương.. đều làm tròn vai. Mỗi người như một mảnh ghép để tạo nên bức tranh nhập nhoạng những màu sắc đối lập của một vụ án hóc búa, giống như chính vở kịch mà gã thủ ác đeo đuổi trong bộ phim với những thợ rèn, ca sĩ, họa sĩ, bác sĩ và nhà thám hiểm; thiếu bất cứ người nào cũng không thể hoàn thành.
Nói chung, Ống Kính Sát Nhân vẫn còn rất nhiều điểm chưa được làm trọn vẹn, những giai đoạn và chi tiết mà hoàn toàn có thể đẩy mạnh hơn nữa mà có lẽ đòi hỏi đó với một phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn sinh năm 1991 thì hơi quá sức.
Nhưng vẫn buộc phải thừa nhận, thậm chí là khen ngợi, đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng cũng như nhà sản xuất - đều là những cái tên rất mới - đã quyết tâm và tham vọng mang đến làn gió mới cho điện ảnh Việt bằng sản phẩm đầu tiên với vốn đầu tư rất khó thu lời (18 tỉ đồng). Ống Kính Sát Nhân là một món ăn cực kì lạ, nhưng cũng vô cùng đáng thưởng thức giữa mâm cơm vốn chỉ lặp đi lặp lại vài món của phim Việt Nam. Chúng ta có quyền tin rằng nếu những nhà làm phim trẻ có đủ liều lĩnh để hiện thực hóa mong muốn làm phim của mình, điện ảnh nước nhà sẽ ngày càng có nhiều hơn những tác phẩm ấn tượng như thế.