Ông bố ở TP.HCM đòi bỏ 2 môn học "vô dụng", hội phụ huynh phẫn nộ: Quan niệm giáo dục lệch lạc!

Hiểu Đan, Theo Thanh niên Việt 12:37 22/04/2025
Chia sẻ

Một đề xuất hiếm hoi khiến 100% phụ huynh phản đối.

"Đề nghị bỏ những môn vô dụng như Vẽ, Âm nhạc ra khỏi chương trình học để giảm tải cho học sinh – Đề xuất của một ông bố TP.HCM mới đây ngay lập tức dấy lên làn sóng phản đối từ cộng đồng. Lý do phụ huynh này đưa ra là con đã quá mệt mỏi với nhiều môn học chính và thi cử, không cần thiết phải gánh thêm áp lực.

Tuy nhiên, nhiều người nhận định: Ẩn sau ý kiến này là góc khuất đáng báo động: Quan niệm giáo dục lệch lạc – khi kiến thức sách vở bị thần thánh hóa, còn các môn học nuôi dưỡng cảm xúc, thẩm mỹ và tư duy sáng tạo lại bị coi là thứ "phụ".

Ông bố ở TP.HCM đòi bỏ 2 môn học "vô dụng", hội phụ huynh phẫn nộ: Quan niệm giáo dục lệch lạc!- Ảnh 1.

Đề xuất của một ông bố TP.HCM mới đây ngay lập tức dấy lên làn sóng phản đối từ cộng đồng.

"Đối với bạn là vô dụng. Đối với con tôi là bổ ích"

Bình luận về đề xuất này, một phụ huynh cho biết: "Đối với bạn là vô dụng, nhưng đối với con tôi, thậm chí con bạn vẫn là bổ ích". Vì vậy, đừng lấy quan điểm người lớn để áp đặt lên con trẻ. Có người còn mỉa mai, đời ông bố chắc chẳng bao giờ có tiếng cười, chẳng biết thế nào là niềm vui được ca hát, vẽ vời, đắm mình trong cái đẹp.

Không lẽ con người sống chỉ để "cày tiền" mà quên mất tận hưởng những thanh âm cuộc đời? Trẻ con cũng thế – cần học, nhưng cũng cần những môn học làm dịu tâm hồn. Âm nhạc, mỹ thuật không chỉ là sự thư giãn, mà là cách để trẻ giải tỏa căng thẳng, nuôi dưỡng trí tưởng tượng, và khám phá bản thân.

Một người mẹ chia sẻ: "Con mình rất thích vẽ, ở nhà lúc nào cũng cầm cuốn sổ nhỏ vẽ lại nhân vật hoạt hình. Những môn như thế phát triển trí tưởng tượng rất tốt, tại sao lại bỏ?". Người khác thì cho biết con họ cả ngày học ở trường, chiều học bơi, tập võ, cuối tuần đi công viên, bảo tàng, tham gia câu lạc bộ. Tối về, nếu không có bài tập thì đọc sách, nghiên cứu thứ mình thích, thậm chí làm cả Lego Education. Những đứa trẻ ấy đang lớn lên không chỉ với điểm số mà còn với ký ức đẹp về những tiết học âm nhạc, hội họa.

"Tất cả các môn học đều hữu ích, quan trọng là sắp xếp lịch học và hướng dẫn cho con em mình cách học, thu xếp thời gian. Thấy không thích thì bỏ, thấy khó thì đòi cho qua, thì tự mình gián tiếp làm thui chột kiến thức và kỹ năng của con mình thôi. Nên thay vì đề xuất bỏ môn nọ môn kia thì nên tìm cách đồng hành cùng con, dạy con học cho đúng đắn", một người lên tiếng.

Nghệ thuật không "vô dụng" – Chúng định hình tương lai

Hiện tại, có thể thấy rằng nhiều trường quốc tế tại Việt Nam đang tích cực đầu tư vào cơ sở vật chất và chương trình giảng dạy các môn nghệ thuật, phản ánh xu hướng giáo dục toàn diện và phát triển kỹ năng sáng tạo cho học sinh. Tại sao? Vì họ hiểu rằng, nghệ thuật không phải "môn phụ". Đó là chìa khóa của một nền giáo dục toàn diện. Trong khi một số phụ huynh coi đó là môn "vẽ chơi, hát cho vui", thì các chuyên gia giáo dục khẳng định: Nghệ thuật chính là yếu tố định hình tư duy, cảm xúc và nhân cách trẻ.

Con bạn háo hức chờ tới tiết nhạc để được hát, mong đến tiết vẽ để được thỏa sức sáng tạo. Đó không phải "vô dụng" – mà là bản năng sống, là mảnh ghép nuôi dưỡng phần người trong mỗi đứa trẻ. Những kỹ năng tưởng chừng "không thi được" ấy, lại chính là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa một người chỉ biết học và một con người sống đúng nghĩa.

Thực tế, những nền giáo dục hàng đầu như Nhật Bản, Phần Lan đều rất coi trọng nghệ thuật. Giáo dục Âm nhạc ở Phần Lan được tích hợp sâu rộng vào chương trình học. Học sinh được tiếp cận với nhiều loại nhạc cụ khác nhau, từ piano, accordion, sáo recorder, giọng hát đến nhạc cụ dân tộc như kantele. Ngoài ra, các nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng và ban nhạc pop như guitar, trống, bass cũng được giảng dạy, giúp học sinh phát triển kỹ năng âm nhạc đa dạng.

Ở Nhật Bản, trẻ em được khuyến khích tham gia vào các hoạt động nghệ thuật chất lượng cao như Mỹ thuật, Thủ công, Âm nhạc, Kịch và Văn học. Triết lý giáo dục Nhật Bản chú trọng phát triển nhân cách, cảm xúc và khả năng sáng tạo, thay vì chỉ tập trung vào điểm số. Nên các môn như Âm nhạc, Mỹ thuật không bị coi là "phụ" mà là phần quan trọng của giáo dục con người.

Ông bố ở TP.HCM đòi bỏ 2 môn học "vô dụng", hội phụ huynh phẫn nộ: Quan niệm giáo dục lệch lạc!- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào năm 2023 cho thấy rằng việc tham gia vào các chương trình nghệ thuật tại trường học có thể cải thiện thành tích học tập và tăng cường khả năng sáng tạo của học sinh. Ngoài ra, nghiên cứu từ Đại học Iowa cũng chỉ ra rằng hoạt động sáng tạo có thể giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện sức khỏe tâm thần tổng thể.

Tại sao nhiều phụ huynh vẫn muốn bỏ nghệ thuật? Nhiều người nhận định, có lẽ vì áp lực thi cử – khi tập trung Toán, Văn, Anh – khiến họ buộc phải ưu tiên. Nhưng phụ huynh cũng đừng quên, một nền giáo dục không chỉ đào tạo những cỗ máy giải đề, mà nuôi dưỡng những con người thực sự biết sống, biết rung cảm, biết sáng tạo.

Một đứa trẻ chỉ giỏi Toán, nhưng dửng dưng không xúc động trước một bản nhạc hay bức tranh – liệu có thực sự hạnh phúc trọn vẹn?

Khi xã hội ngày càng đề cao trí tuệ nhân tạo, chính năng lực sáng tạo - thứ chỉ nghệ thuật mới mang lại - sẽ là điểm khác biệt giữa con người và máy móc. Như lời nhà giáo dục nổi tiếng Ken Robinson từng nói trong TED Talk 2006: "Chúng ta đang giáo dục trẻ em như những cỗ máy, trong khi cần giáo dục chúng như những nghệ sĩ - những người có thể tư duy khác biệt". Và có lẽ, chính những môn học tưởng chừng "vô bổ" ấy lại là thứ giữ lại phần "người" trong mỗi chúng ta.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày