Ông bố “gà trống nuôi con” 24 năm, đưa con gái tật nguyền đi thi Toán

Thiên Bình, Theo VOV 20:13 25/06/2019
Chia sẻ

Thí sinh tật nguyền từ khi lọt lòng, nhưng vẫn theo đuổi ước mơ vào Bưu chính viễn thông. Ở cạnh em luôn là người bố với tình yêu con vô cùng.

Hôm nay (25/6), ngày đầu tiên của kỳ thi THPT Quốc gia 2019, cái nắng nóng oi bức đã quay trở lại với thành phố Hà Nội. Giữa trời nắng chói chang bóng dáng của cô gái Lê Thị Minh Hiền (1995) vẫn nổi bật giữa đám đông thí sinh tại điểm thi ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông).

Cô gái tật nguyền mặc chiếc áo kẻ hồng, với nụ cười luôn nở trên môi dù mỗi bước chân đều rất khó nhọc để bước vào trường thi. Luôn ở bên cạnh con gái, ông Lê Tiến Quý (Mỗ Lao, Hà Đông) không dấu niềm tự hào trong ánh mắt dõi theo từng bước chân con.

Ông bố “gà trống nuôi con” 24 năm, đưa con gái tật nguyền đi thi Toán - Ảnh 1.

Ông Lê Tiến Quý và cô con gái út Lê Thị Minh Hiền chiếm trọn sự quan tâm chú ý tại điểm thi Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông) chiều 25/6.

Sự cố nhầm phòng thi


Đó là điều đầu tiên Hiền chia sẻ với bố khi bước ra khỏi phòng thi môn Toán chiều 25/6.

“Lúc mới vào con bị nhầm phòng thi, may có giám thị chỉ dẫn, đưa đến đúng phòng” - ông Tiến “dịch” lại lời cô con gái.

Vuốt tóc và động viên con gái, ông Tiến nói: “Thôi không sao cả, được thì tốt không được thì thôi”.

Hình ảnh hai cha con trở thành tâm điểm giữa đám đông thí sinh. Vì đi lại khó khăn, nên Hiền ra khỏi trường thi gần như cuối cùng. Hoàn cảnh đặc biệt và nghị lực của cô thí sinh này sẽ khiến bất cứ ai cũng phải khâm phục khi biết đến.

Hiền là thí sinh tự do. Em bị khuyết tật nặng. Năm 2018, em được miễn xét tốt nghiệp. Năm nay, khi sức khỏe cho phép, em đăng ký thi THPT quốc gia để nộp nguyện vọng vào Học viện Bưu chính viễn thông, ngành công nghệ thông tin. Hiền chỉ dự thi 3 môn: Toán, Lý và Hóa.

Ông Lê Tiến Quý chia sẻ, Hiền mất mẹ khi vừa mới chào đời. Dù bị khuyết tật nặng, viết chậm, nói chậm, 10 tuổi mới vào lớp 1. Hơn 10 năm gắn với Bệnh viện Nhi Thụy Điển  do sức khỏe yếu nhưng em vẫn quyết tâm đi thi. Hằng ngày, Hiền ôn bài đến 3h sáng.

“Cũng không biết con có làm được bài không, nhưng thấy con quyết tâm nên tôi cũng rất ủng hộ”, ông Tiến tự hào nói về con gái.

Con đi đâu thì bố là cái bóng của con

Kết thúc buổi thi môn Toán chiều nay (25/6), Hiền cho biết chỉ làm được 20/50 câu. Em hơi buồn về kết quả này nhưng vẫn thấy hài lòng vì đã cố gắng hết sức.

Trước nỗ lực của em, rất nhiều người có mặt đã vỗ tay động viên nghị lực của em. Tạo điều kiện cho hai bố con Hiền khi đi dự thi, lực lượng công an tại điểm thi đã đề nghị bố Hiền đỗ xe ngay cạnh cổng điểm thi để thuận tiện việc đưa đón. Các bạn tình nguyện viên cũng bàn nhau, để sắp xếp người đưa đón Hiền tới điểm thi cho các môn Lý và Hóa vào sáng mai (26/6).

Tâm sự thêm với phóng viên VOV.VN, ông Lê Tiến Quý cho hay, Hiền là con út trong nhà, nhưng lại chịu thiệt thòi đủ đường vì mẹ mất khi sinh em, bản thân em lại bị tật nguyền nặng. Trên Hiền còn một chị lớn đã tốt nghiệp Đại học và đang đi làm

“Nhà chỉ có 3 bố con và không có người thứ 4”, ông Tiến nói.

Kể thêm về cô con gái út của mình, ông Tiến cho biết, Hiền rất thích tin học. Tay trái lành lặn của Hiền có thể thao tác chuột máy tính, nên ở nhà em vẫn sử dụng máy tính để học bài.

“Gà trống nuôi con” trong suốt 24 năm, ông Tiến dạy con theo trình độ của mình. Dạy con phải tự lập hết.

Ông bố “gà trống nuôi con” 24 năm, đưa con gái tật nguyền đi thi Toán - Ảnh 3.

Thí sinh tật nguyền với ước mơ vào Bưu chính viễn thông.

Ông bố “gà trống nuôi con” 24 năm, đưa con gái tật nguyền đi thi Toán - Ảnh 4.

Sự cố vào nhầm phòng thi không khiến cô gái bối rối và mất đi nụ cười trên môi.

“Ai có gia đình, có con thì sẽ biết nuôi con vất vả thế nào. Nhất là tôi là đàn ông. Từ bé, sức khỏe rất Hiền yếu bao tiền cũng đổ hết vào con”, ông Tiến ngậm ngùi chia sẻ.


Con tật nguyền, nhưng cách nuôi dạy con của ông Tiến lại rất đặc biệt, thậm chí còn bị nhiều người phản đối.

“Mọi người cứ phản đối tôi khi bắt con làm việc nhà. Nhưng sau này nếu tôi đi xa, thì con phải tự làm hết. Người bình thường có thể làm một tiếng, nhưng con sẽ làm 4-5 tiếng. Con nấu cơm bố sẽ đứng cạnh đó. Con hỏi nấu thế nào bố biết bố sẽ hướng dẫn còn không biết thì hỏi ông Google”, ông Tiến cho biết.

Giờ đây, Hiền ở nhà vẫn giúp bố nội trợ, biết nấu cơm. Tấm lòng cha mẹ là lớn nhất, điều họ làm cho con luôn là những điều tốt nhất. Với cha con ông Tiến và Hiền, người cha đã chuẩn bị cho con gái hành trang vững chắc để con gái út tự tin theo đuổi mơ ước của mình./.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày