Mới đây, các trang mạng của Trung Quốc liên tục chia sẻ những bức họa cổ trang của một họa sĩ tên Vạn Lí. Điều đặc biệt là nhân vật chính trong những bức vẽ đó không ai khác chính là cô con gái 5 tuổi của anh, dù còn nhỏ nhưng ở cô bé đó toát lên một phong thái vô cùng đặc biệt.
Những bức họa "tiểu tiên nữ" mang hơi hướng truyền thống Trung Hoa được chia sẻ một cách chóng mặt.
Vạn Lí năm nay 33 tuổi, hiện đang là họa sĩ tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Vợ chồng Vạn Lí có 2 cô con gái cũng là 2 người mẫu trong các tác phẩm của anh. Cô chị là Đóa Đóa, 5 tuổi rưỡi còn cô em là Meng Meng, mới hơn 3 tuổi.
Ông bố họa sĩ chia sẻ, 3 năm trước, có lần anh nhìn thấy Đóa Đóa mặc 1 chiếc áo xinh xinh có hoa văn thời nhà Thanh, trên đỉnh đầu lại thêm búi tóc nhỏ trông rất “có hồn” nên đã đặt bút vẽ 1 bức tranh sơn dầu. Đó là tác phẩm đầu tiên mang hơi hướng truyền thống Trung Quốc, có vẻ đẹp khác hẳn với xu hướng văn hóa hiện đại mà Vạn Lí vẽ tặng con gái mình.
Bức vẽ đầu tiên mà Vạn Lí dành tặng cho con gái Đóa Đóa.
Từ đó trở đi, mỗi ngày Vạn Lí đều dành 8-10 tiếng để vẽ tranh . Những bức họa với màu sắc nhẹ nhàng, lấy tâm điểm là một “tiểu tiên nữ” trong trang phục truyền thống Trung Hoa trên nền hoa cỏ, sông nước ấy đã khiến mọi người phải nể phục. Họ nể sự khéo tay của Vạn Lí, cũng ngưỡng mộ cả khí chất và thần thái đặc biệt của cô bé Đóa Đóa. Vì thế những tác phẩm của Vạn Lí ngày càng được nhiều người quan tâm, các trang báo còn gọi Đóa Đóa với cái tên mỹ miều là “tiểu tiên nữ”.
Vạn Lí cho biết, trang phục, kiểu tóc và việc trang điểm cho các con đều do vợ anh phụ trách. Bản thân các bé cũng yêu thích những bộ đồ, cách búi, tết tóc mang hơi hướng truyền thống như vậy. Thế nhưng để chụp được 1 tấm ảnh của con làm mẫu vẽ lại không hề đơn giản.
Công tác chuẩn bị cho mỗi bức vẽ đều không hề đơn giản.
Vì con còn nhỏ, không thể tập trung quá lâu vào 1 thứ gì đó nên bố mẹ đã phải tận dụng nhiều loại “đạo cụ” thu hút sự chú ý của con. Ở độ tuổi này, con cũng chưa biết tạo dáng nên vợ chồng Vạn Lí đã tranh thủ nắm bắt những khoảnh khắc tự nhiên nhất như khi con chơi đùa, trò chuyện với bạn để làm ảnh mẫu cho bức họa. Thế mà khi lên tranh, hình ảnh cô bé Đóa Đóa lém lỉnh đã được thay thế bởi một “tiểu tiên nữ” xinh đẹp, trầm tĩnh bên khung cảnh thiên nhiên, mang lại cho người xem một cảm giác về sự yên bình, tự do tự tại.
Những bức vẽ của Vạn Lí khiến người xem cảm thấy sự bình yên trong tâm hồn.
Mỗi tác phẩm Vạn Lí đều phải mất 1 tháng để hoàn thành, có bức còn mất đến 2 tháng, tính đến nay anh đã sở hữu 15 bức vẽ trong đó có 14 bức là vẽ con gái lớn Đóa Đóa. Thấy chị được bố vẽ cho nhiều tranh như thế thì cô em Meng Meng cũng có chút “chạnh lòng”, trách bố chỉ thương chị, thế là bức tranh thứ 15 của Vạn Lí đã ra đời với “mẫu chính” là con gái nhỏ Meng Meng.
Vẽ tranh là cách để ông bố họa sĩ gửi gắm tình yêu thương đến các con.
Suốt 3 năm qua, Vạn Lí luôn dõi theo con và nhận ra, Đóa Đóa đã thay đổi rất nhiều, cô bé trưởng thành hơn, hiểu chuyện hơn. Là một người bố, Vạn Lí chỉ hy vọng con sẽ giữ mãi được nét đáng yêu, hồn nhiên như hiện tại. Ông bố họa sĩ tâm sự: “Mỗi ngày vẽ tranh con, tôi lại cảm thấy như mình đang trò chuyện với bé, khiến tôi nhớ về hình ảnh của con lúc nhỏ và tôi cũng thử tưởng tượng về hình ảnh của con sau này”. Nghĩ đến một ngày con phải khôn lớn, ông bố này bỗng có chút không cam lòng, anh nói: "Giá mà các con cứ mãi mãi như bây giờ”.
Vạn Lí hy vọng các con luôn đáng yêu như bây giờ.
Thay vì đăng ảnh con trên mạng giống như các bậc cha mẹ khác, Vạn Lí yêu thích việc tự tay vẽ lại khuôn mặt, biểu cảm, vóc dáng của con. Vạn Lí nói rằng những bức họa ấy là món quà đặc biệt cũng là tình cảm của người cha mà anh muốn gửi gắm đến con. Hy vọng sau này khi lớn lên, nhìn ngắm những bức vẽ ấy, con sẽ nhớ lại một thời tuổi thơ tươi đẹp và hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của gia đình.
Hãy cùng thưởng thức vẻ đẹp của 2 “tiểu tiên nữ” dưới ngòi bút tài tình của ông bố họa sĩ: