Ông bà chúng ta yêu nhau thời chưa có tivi, chưa có xe hơi và chắc chắn là smartphone cũng chưa ra đời. Để lưu giữ lại những kỷ niệm với nhau, ông bà chỉ biết cách duy nhất là mặc đẹp một chút, trang điểm một chút rồi nhờ đến 1 anh thợ ảnh.
Một anh thợ ảnh nếu "có tâm" sẽ gửi đến ông bà tấm ảnh đẹp đẽ. Thế nhưng một anh thợ tay nghề kém, lại thêm mắt thẩm mỹ có phần "lạc điệu" thì kết quả chẳng biết phải hình dung thế nào.
Đó cũng là tình huống "dở khóc dở cười" của cậu bạn Cao Minh Khanh (sinh sống tại TP.HCM) khi nhìn thấy ảnh kỷ niệm 50 năm ngày cưới của ông bà mình. Quá bức xúc vì anh thợ ảnh làm việc kém chuyên nghiệp, Minh Khanh đã đăng tải hình ảnh của ông bà mình lên Facebook chia sẻ câu chuyện bức xúc này cùng cộng đồng mạng.
Chia sẻ của Minh Khanh trên Facebook - Ảnh chụp màn hình.
Hình ảnh của ông bà được Minh Khanh chia sẻ, phía trên là do anh thợ ảnh "vô tâm" chụp, phía dưới là của chính Khanh chụp lại cho ông bà mình bằng điện thoại.
Có thể thấy trong bức ảnh được đóng khung phía trên, ông bà Khanh chẳng có nét nào trên khuôn mặt giống với ngoài đời, màu da và môi bị photoshop quá tay đến trắng bệch, nhợt nhạt. Đã thế nhìn ông bà còn quá giống nhau, như mặt của 1 người mà lại ghép 2 cơ thể khác nhau vậy.
Chưa hết, theo Minh Khanh chia sẻ, tấm hình của ông bà cậu đi chụp tiệm có giá rất đắt, lên tới 1,5 triệu đồng. "Ảnh mình chụp bằng smartphone, đóng cái khung nữa chắc 500k thôi" - Khanh than thở trên Facebook.
Không ai có thể nghĩ 2 ông bà khi vào ảnh lại khác xa đến thế - Ảnh: FBNV
Đọc chia sẻ của cậu bạn Minh Khanh về tấm ảnh của ông bà, ai cũng phải bật cười vì tấm ảnh đóng khung bị photoshop "sai quá sai". Đồng thời, nhiều người cũng lên tiếng chê trách anh thợ ảnh làm việc kém chuyên nghiệp, vừa chụp hình thiếu kỹ năng, vừa lấy tiền đắt.
Bạn H.Lâm viết: "Có ai mà nghĩ được 2 người trong ảnh kia lại chính là 2 ông bà ở phía dưới đâu, không có gì giống cả trừ tóc. Anh thợ nghiệp dư, chụp kém rồi lại còn lấy hẳn 1 triệu rưỡi của ông bà, không biết điều gì hết".
"Tôi mà cầm cái ảnh này là tôi mang trả lại ông thợ luôn, ai lại đi photoshop người ta nhìn giống y chang nhau, trắng bệch ra thế kia" - chị H.Anh bình luận.
Bên cạnh đó, nhiều người chia sẻ những tấm hình như của ông bà Minh Khanh chụp thật ra ở các vùng quê không hiếm, lý do bởi thợ ảnh ở quê có tay nghề và cơ hội học tập nâng cao chuyên môn không nhiều như ở thành phố.
Bạn A.Tuấn nêu ý kiến: "Ở quê thợ ảnh toàn sửa ảnh như vậy thôi, ai cũng trắng lóa, cứng đơ như vậy, nhất là chụp những người già. Biết là không đẹp nhưng nhìn riết cũng đành chấp nhận".
Những "sự cố" hình ảnh của ông bà nhiều gia đình gặp phải trước đây - Ảnh: FB
Liên quan đến câu chuyện kể trên, chia sẻ thêm với chúng tôi, Cao Minh Khanh cho biết ông bà của cậu sinh sống tại An Giang, tấm ảnh kỷ niệm 50 năm ngày cưới được ông bà cậu cùng nhau đi chụp tại 1 tiệm ảnh cũng ở An Giang cách đây khoảng 2 tháng.
"Ông bà mình năm nay đã ngoài 70 tuổi. Đa số các cụ ở quê thường già cả, cũng ít tiếp xúc máy ảnh, họ chỉ mong 1 tấm ảnh để làm kỷ niệm thôi, thế mà lại gặp phải anh thợ tay ngang, lợi dụng người già để lấy tiền đắt. Mình cũng có thời gian nghiên cứu ảnh nên cũng rành, 1 khung ảnh vậy chỉ tầm 300k thôi, mà họ lấy 1,5 triệu thì là quá thật.
Ông bà mình dễ tính, ở quê những hình ảnh như vậy cũng nhiều nên ông bà mang ảnh về vẫn treo lên tường và không phàn nàn gì. Nhưng sắp tới nhà mình đem cất đi thôi" - Minh Khanh chia sẻ.
Hình ảnh ông bà Minh Khang chụp cùng con cháu vừa qua - Ảnh: NVCC
Minh Khanh cũng tâm sự thêm, lần tới về quê thăm ông bà, cậu sẽ mang máy ảnh về chụp cho ông bà 1 tấm thật đẹp thay cho tấm hình chụp tiệm kia. Cuối cùng, cậu bạn mong rằng những người thợ ảnh ở vùng nông thôn hãy tập trung nâng cao tay nghề của mình để phục vụ khách với chất lượng hình ảnh tốt nhất, hài lòng nhất.
Chân dung cậu cháu trai Minh Khang - Ảnh: FBNV