Bên cạnh yếu tố thẩm mỹ hay công năng sử dụng, nhiều người vẫn coi trọng việc sắp xếp nhà ở theo phong thủy. Một trong những nguyên tắc truyền miệng phổ biến nhất là câu nói: “Nhất bếp, nhì phòng ngủ, thứ ba là bàn làm việc và két sắt”. Câu nói tưởng chừng đơn giản này lại phản ánh sâu sắc ba yếu tố then chốt mà phong thủy đặc biệt lưu tâm khi bố trí không gian sống.
Theo câu nói trên, bếp chính là khu vực quan trọng nhất trong nhà. Các chuyên gia phong thuỷ nhận định, bếp không chỉ là nơi nấu nướng, nơi cả gia đình sum vầy, mà còn là “trái tim” của ngôi nhà – nơi giữ lửa, tạo sinh khí và nuôi dưỡng tài lộc.
Nhiều cuốn sách, tài liệu về phong thuỷ nhận định: Bếp là nơi chuyển hóa ngũ hành, tượng trưng cho tài lộc, sức khỏe và sự thịnh vượng của gia chủ. Trong thực tế, bếp cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt quan trọng như nấu ăn, bảo quản thực phẩm, chuẩn bị bữa cơm gia đình – yếu tố gắn kết các thành viên.
Ảnh minh họa
Vì những lý do trên, vị trí của bếp hay cách sắp xếp, bài trí trong bếp ở mỗi gia đình đều rất quan trọng và được các gia chủ chăm chút rất kỹ. Chia sẻ trên kênh Youtube Phong Thuỷ Song Hà, chuyên gia phong thuỷ Nguyễn Song Hà chia sẻ: “Bếp phải đặt ở vị trí ‘tọa hung hướng cát’, nghĩa là nằm ở cung xấu để trấn áp khí dữ nhưng hướng về cung tốt để đón nhận sinh khí".
Ngoài ra, chuyên gia cũng nhấn mạnh tốt hơn hết nên tránh đặt bếp đối diện nhà vệ sinh, đối diện cửa chính hay ngay dưới xà ngang bởi dễ gây bất ổn cho tài khí trong gia đình, theo quan niệm phong thuỷ.
Từ góc độ khoa học, việc bố trí bếp cần tuân thủ nguyên tắc “tam giác làm việc” giữa bếp nấu – bồn rửa – tủ lạnh để đảm bảo thao tác nấu nướng hiệu quả, giảm va chạm và tiết kiệm thời gian. Không nên đặt bếp ngay sát chậu rửa hoặc tủ lạnh, vì sự đối kháng giữa lửa (Hỏa) và nước (Thủy) dễ tạo ra “xung đột” trong không gian, cả về phong thủy lẫn thực tiễn sử dụng.
Tam giác làm việc thuận tiện cho hoạt động của gia chủ trong bếp (Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, bếp không nên thiếu ánh sáng và thông khí, bởi điều này có thể khiến bếp trở thành ổ chứa mầm bệnh, gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tiêu hóa.
Sau bếp, phòng ngủ được xem là khu vực quan trọng thứ hai trong nhà, bởi đây là nơi tái tạo năng lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần của gia chủ. Theo các cuốn Phong thuỷ nhà ở đều có chung quan điểm, phòng ngủ cần yên tĩnh, kín đáo, tránh xung đột năng lượng từ bên ngoài để đảm bảo giấc ngủ sâu và sự hồi phục sau một ngày làm việc.
Chuyên gia phong thủy Bùi Phong khuyến cáo: “Phòng ngủ nên đặt ở vị trí phía sau hoặc giữa ngôi nhà, tránh đối diện trực tiếp với cửa chính hoặc nhà vệ sinh. Giường ngủ không nên kê dưới xà ngang hay gương soi, vì dễ gây áp lực vô hình, khiến người ngủ thường xuyên bị mệt mỏi, lo âu”.
Ảnh minh hoạ
Về mặt khoa học, nhiều nghiên cứu về giấc ngủ đã chỉ ra rằng môi trường ngủ yên tĩnh, ánh sáng dịu và không khí lưu thông tốt là yếu tố then chốt giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ. Tổ chức Sleep Foundation (Hoa Kỳ) cũng nhấn mạnh: “Một không gian ngủ có sự sắp xếp hợp lý, hạn chế thiết bị điện tử và vật dụng gây xao nhãng sẽ giúp cơ thể bước vào chu kỳ ngủ sâu dễ dàng hơn".
Yếu tố quan trọng thứ 3 theo câu nói được đề cập tới ở đầu bài viết chính là: Bàn làm việc và két sắt. Theo phong thủy, bàn làm việc là nơi phát sinh năng lượng trí tuệ, ảnh hưởng đến sự nghiệp, học hành và các quyết định tài chính quan trọng. Còn két sắt lại được xem là “tụ điểm” tài lộc của ngôi nhà, cần đặt đúng hướng và vị trí để kích hoạt dòng chảy tiền bạc.
Ảnh minh họa
Sách Phong thủy cho văn phòng (NXB Trẻ) nêu rõ: “Bàn làm việc nên đặt ở vị trí ‘tọa sơn hướng thủy’ – tức sau lưng có điểm tựa vững chắc, trước mặt thông thoáng để đón cơ hội”. Còn két sắn được khuyên nên đặt ở góc tài vị – thường nằm chéo góc với cửa chính, quay về hướng tốt theo mệnh của gia chủ. Tránh để két sát cửa hoặc nơi quá ẩm thấp.
Từ góc nhìn khoa học, môi trường làm việc yên tĩnh, đủ ánh sáng và ngăn nắp giúp nâng cao hiệu suất lao động và giảm stress. Đối với két sắt, việc đặt ở vị trí kín đáo, thoáng mát không chỉ đảm bảo an toàn mà còn giúp kéo dài tuổi thọ thiết bị, tránh hư hỏng do độ ẩm cao.
Tổng hợp