Ớn lạnh với loạt nhóm hội độc hại, đầy rẫy bẫy lừa trên Telegram: Ai cũng có thể trở thành nạn nhân

Mây, Theo Đời sống Pháp luật 19:12 23/05/2025
Chia sẻ

Không thể phủ nhận rằng Telegram rất tiện lợi, thế nhưng chính những hội nhóm độc hại kia đã khiến cho nền tảng này có thể biến thành công cụ tiềm ẩn nguy hiểm đến người dùng.

Với những người dùng MXH, Telegram là ứng dụng quen thuộc. Dù bạn là sinh viên, dân văn phòng, người kinh doanh hay chỉ là một thiếu niên đang còn ở độ tuổi đến trường... thì chắc chắn cũng từng biết đến, sử dụng qua Telegram. Nó phổ biến đến nỗi, theo thống kê từ DataReportal đầu năm 2024, khoảng 32,6% người dùng Internet Việt Nam trong độ tuổi 16-64 sử dụng Telegram - tức là cứ ba người thì có một người dùng ứng dụng này. 

Tuy nhiên, chính những đặc điểm như mã hóa, tự hủy tin nhắn, và khả năng tạo nhóm lên đến 200.000 thành viên... đã biến Telegram cũng dần trở thành thế giới ngầm của tội phạm mạng, nơi chúng trao đổi với nhau, và bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của kẻ xấu.

Mới đây, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã yêu cầu các nhà mạng phối hợp chặn hoạt động của các ứng dụng Telegram trên lãnh thổ Việt Nam. Theo thống kê từ cơ quan chức năng, hiện có tới 68% tổng số kênh và nhóm hoạt động trên Telegram tại Việt Nam bị xác định là chứa nội dung xấu độc hại.

Tất cả đều có lý do. Bởi trong suốt những năm qua, người dùng MXH đã đối mặt với rất nhiều tình huống nguy hiểm thậm chí là trở thành nạn nhân của những nhóm hội độc lại, lừa đảo trên Telegram. Đây là một trong những số đó!

Hội nhóm buôn bán clip nhạy cảm từ camera bị hack 

Nghe giật mình không? Các nhóm này chuyên rao bán các đoạn video nhạy cảm được lấy từ việc hack camera an ninh, đặc biệt là camera trong phòng ngủ, phòng tắm, hoặc khu vực riêng tư của các gia đình tại Việt Nam. Các nhóm này thường có hàng nghìn thành viên và công khai quảng cáo các dịch vụ như cung cấp mã code để xem trực tiếp camera bị hack thông qua ứng dụng như Hik-Connect. 

Ví dụ, một nhóm được đề cập có tên "nhóm Vip hack camera" với hơn 300 mã code camera bị hack. Những hành vi này không chỉ vi phạm quyền riêng tư mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến tâm lý và danh dự của các nạn nhân. 

Việc phát tán nội dung nhạy cảm, xâm phạm quyền riêng tư, gây hoang mang cho người dùng camera an ninh. Nhiều nạn nhân, bao gồm cả người nổi tiếng, không biết mình bị theo dõi cho đến khi video bị phát tán công khai trên Telegram.

Ớn lạnh với loạt nhóm hội độc hại, đầy rẫy bẫy lừa trên Telegram: Ai cũng có thể trở thành nạn nhân- Ảnh 1.

Ớn lạnh với loạt nhóm hội độc hại, đầy rẫy bẫy lừa trên Telegram: Ai cũng có thể trở thành nạn nhân- Ảnh 2.

Đối tượng rao bán clip hack từ camera nhà riêng tại Việt Nam. (Nguồn ảnh: Báo Lao Động)

Hội nhóm “việc nhẹ lương cao”, sở hở là phải đóng tiền làm nhiệm vụ rồi... bị chiếm đoạt

Một trong những nhóm hội lừa đảo phổ biến nhất trên Telegram là lừa đảo tuyển cộng tác viên (CTV) cho các sàn thương mại điện tử như S., L, T… Các đối tượng thường đăng tin tuyển dụng trên mạng xã hội, quảng cáo công việc "nhẹ nhàng, lương cao" như đặt hàng online, thả tim video, hoặc tăng tương tác để nhận hoa hồng từ 10-20%. 

Sau khi nạn nhân liên hệ, họ được yêu cầu tải Telegram và tham gia các nhóm chat đông thành viên, nơi các tài khoản ảo (thường gọi là "chim mồi") liên tục đăng ảnh chụp màn hình "kiếm tiền thành công" để tạo lòng tin.

Cách thức lừa đảo là yêu cầu các ứng viên nộp tiền để kích hoạt tài khoản làm việc (trở thành viên trong team) rồi chiếm đoạt số tiền đó, nếu không tỉnh táo, nạn nhân có thể bị dẫn dụ đến nhiều nhiệm vụ khác nhau và cứ mỗi lần nhận lệnh là… mất tiền thay vì kiếm được tiền. 

Anh Nguyễn Văn H. (25 tuổi, TP.HCM) chia sẻ với: "Tôi thấy quảng cáo trên Facebook về tuyển CTV cho sàn S., lương 5-10 triệu/tháng. Họ yêu cầu tải Telegram và tham gia nhóm. Ban đầu, tôi chuyển 500.000 đồng để 'kích hoạt tài khoản', sau đó họ yêu cầu nạp thêm 10 triệu để nhận nhiệm vụ VIP. Khi nạp xong, tôi bị kick khỏi nhóm và mất trắng 10,5 triệu đồng.".

Ớn lạnh với loạt nhóm hội độc hại, đầy rẫy bẫy lừa trên Telegram: Ai cũng có thể trở thành nạn nhân- Ảnh 3.

Một số hình ảnh lừa đảo Tuyển Cộng tác viên Online. (Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông)

Hàng loạt group giới mại dâm trá hình dưới dạng Sugar Daddy - Sugar Baby chủ động đi tìm “con mồi”

Các nhóm như "Sugar Daddy VIP" hoặc "Sugar Baby H.N" nhan nhản... trên Telegram. Quản trị viên (admin), thường được gọi là "tú ông" hoặc "tú bà", đóng vai trò trung gian kết nối giữa "Sugar Daddy" và "Sugar Baby". 

Thông tin về "Sugar Baby" được quảng cáo với các chi tiết như ngoại hình, số đo, và mức giá (từ vài triệu đồng mỗi lần gặp đến 20-30 triệu đồng/tháng). Người tham gia phải tuân thủ nội quy nghiêm ngặt, và việc liên lạc trực tiếp giữa các bên thường bị cấm để admin kiểm soát giao dịch. 

Ớn lạnh với loạt nhóm hội độc hại, đầy rẫy bẫy lừa trên Telegram: Ai cũng có thể trở thành nạn nhân- Ảnh 4.
Ớn lạnh với loạt nhóm hội độc hại, đầy rẫy bẫy lừa trên Telegram: Ai cũng có thể trở thành nạn nhân- Ảnh 5.

Hàng chục nhóm chat môi giới mại dâm hoạt động công khai trên nền tảng Telegram. (Ảnh chụp màn hình)

Các nhóm thường yêu cầu trả phí tham gia, từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng cho các gói cơ bản, hoặc hàng chục triệu đồng cho gói "VIP" với cam kết kết nối với các "hot girl", TikToker, hoặc người nổi tiếng. 

Các "Sugar Daddy" được quảng cáo là những người giàu có, "có xe, có nhà, chu cấp từ 15 triệu đồng trở lên", nhưng thực tế thường là các giao dịch mại dâm được tổ chức chuyên nghiệp.

Hoạt động này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây tổn hại đạo đức xã hội, đặc biệt khi lôi kéo các cô gái trẻ, bao gồm cả nữ sinh, tham gia vào các đường dây mại dâm. Mặt khác, rất nhiều người đã trình báo lên cơ quan chức năng việc họ bị lừa, chiếm đoạt tài sản sau khi gia nhập group tìm “đối tác” trên Telegram… 

Ớn lạnh với loạt nhóm hội độc hại, đầy rẫy bẫy lừa trên Telegram: Ai cũng có thể trở thành nạn nhân- Ảnh 6.

Tú ông, tú bà này sẽ đăng tải một số thông tin về "Baby" như ngoại hình, chiều cao, cân nặng, số đo ba vòng để khách lựa chọn. (Nguồn ảnh: Đại Đoàn Kết)

Lừa đảo đầu tư mã chứng khoán ảo

Hình thức lừa đảo đầu tư mã chứng khoán ảo cũng không kém phần tinh vi. Một nạn nhân từng bị mất hơn 1 tỷ đồng khi tham gia vào sàn giao dịch chứng khoán giả mạo. Mã chứng khoán là thật, số tài khoản ngân hàng cũng là thật - nhưng đây đều là công ty “ma” không hoạt động.

Cách thức lừa đảo là đối tượng chỉ tìm cách dẫn người chơi đến nhóm Telegram. Người chơi ban đầu sẽ thắng được một số tiền, nhưng sau đó đối tượng yêu cầu người chơi phải đóng % trên số tiền thắng thì mới được rút tiền về.

Hoặc, đối tượng sẽ đóng giả thành các chuyên gia, rồi hướng dẫn người chơi đầu tư vào các mã chứng khoán giả mạo. Người chơi được thông báo lãi tiền về, nhưng phải nạp thêm tiền, thì mới rút được tiền từ các sàn chứng khoán giả mạo này.

Những vụ việc như thế này thường khiến nạn nhân rơi vào cảnh nợ nần, gia đình lục đực, thậm chí nghĩ đến hành động tiêu cực vì mất danh dự…

Bán tài liệu học giả mạo 

Đây cũng là một chiêu trò phổ biến trên Telegram. Các nhóm này nhắm đến học sinh, sinh viên, dụ dỗ mua tài liệu ôn thi hoặc khóa học với giá rẻ bất ngờ. Một nạn nhân tên P. (18 tuổi, Hà Nội) kể trên diễn đàn: "Tôi thấy nhóm Telegram bán tài liệu thi đại học giá chỉ 200.000 đồng, hứa hẹn đề thi chuẩn. Sau khi chuyển khoản, họ gửi một file rác và block tôi. Tôi vừa mất tiền vừa lỡ kế hoạch ôn thi."

Ớn lạnh với loạt nhóm hội độc hại, đầy rẫy bẫy lừa trên Telegram: Ai cũng có thể trở thành nạn nhân- Ảnh 7.

Tin nhắn dụ dỗ chốt đơn, chốt lời của các đối tượng lừa đảo trên Telegram. (Ảnh chụp màn hình)

Để nhận biết lừa đảo trên Telegram, người dùng cần chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo. Các lời hứa về lợi nhuận cao, công việc dễ dàng thường là bẫy. Không có công việc hợp pháp nào trả hoa hồng 10-20% chỉ cho việc thả tim hoặc đặt hàng online. 

Yêu cầu chuyển tiền trước để "kích hoạt tài khoản" hoặc "đầu tư ban đầu" là dấu hiệu rõ ràng của lừa đảo, vì các công ty uy tín không bao giờ yêu cầu ứng viên trả tiền. Tạo cảm giác cấp bách, như "chỉ còn 5 suất cuối" hoặc "chuyển khoản ngay để nhận thưởng", cũng là chiêu trò khiến nạn nhân mất khả năng phán đoán. 

Ngoài ra, các nhóm Telegram đông thành viên thường sử dụng tài khoản ảo hoặc bot tự động để tạo cảm giác sôi động, trong khi các đường link lạ dẫn đến website giả mạo có thể đánh cắp thông tin cá nhân hoặc tiền trong tài khoản ngân hàng.

Ớn lạnh với loạt nhóm hội độc hại, đầy rẫy bẫy lừa trên Telegram: Ai cũng có thể trở thành nạn nhân- Ảnh 8.

Ảnh minh hoạ.

Hậu quả của những vụ lừa đảo trên Telegram không chỉ dừng ở mất tiền. Nhiều nạn nhân bị đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, thậm chí bị tống tình hoặc đe dọa. 

Trên đây chỉ là 1 trong những nhóm hội đen, thế giới ngầm đã bị các cơ quan chức năng lật lên trên Telegram. Thực tế, các hội nhóm này còn biến tướng dưới nhiều hình thức lừa đảo và kịch bản tinh vi khác. Không thể phủ nhận rằng Telegram rất tiện lợi khi có khả năng lưu trữ thông tin lâu dài, tính năng ẩn danh... song chính những hội nhóm độc hại kia đã khiến cho nền tảng này có thể biến thành công cụ tiềm ẩn nguy hiểm đến người dùng ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày