Ô nhiễm môi trường khiến nhiều người thiệt mạng hơn cả đại dịch COVID-19

Quỳnh Chi, Theo VTV 12:25 16/02/2022

Theo một báo cáo môi trường của Liên Hợp Quốc được công bố vào ngày 15/2, ô nhiễm môi trường đang góp phần gây ra nhiều ca tử vong trên toàn cầu hơn so với COVID-19.

Báo cáo môi trường trên của Liên Hợp Quốc đã kêu gọi "hành động ngay lập tức và đầy tham vọng" để cấm một số hóa chất độc hại.

Ô nhiễm môi trường khiến nhiều người thiệt mạng hơn cả đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: AP)

Báo cáo cho biết, ô nhiễm môi trường từ thuốc trừ sâu, nhựa và rác thải điện tử đang gây ra tình trạng vi phạm nhân quyền trên diện rộng cũng như ít nhất 9 triệu ca tử vong sớm mỗi năm và vấn đề này phần lớn đang bị bỏ qua.

Theo trang web tổng hợp dữ liệu Worldometer, đại dịch COVID-19 đã gây ra gần 5,9 triệu ca tử vong.

Ông David Boyd, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc, tác giả của báo cáo, kết luận: "Những cách tiếp cận hiện tại để quản lý rủi ro do ô nhiễm môi trường và các chất độc hại gây ra rõ ràng đang thất bại, dẫn đến việc vi phạm rộng rãi quyền có một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững (của người dân)".

Dự kiến kết quả nghiên cứu trên ​​sẽ được trình bày vào tháng 3 tới trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, cơ quan đã tuyên bố được hưởng môi trường trong sạch là quyền của con người, tài liệu đã được đăng trên trang web của Hội đồng Nhân quyền vào ngày 15/2.

Ô nhiễm môi trường khiến nhiều người thiệt mạng hơn cả đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Ô nhiễm môi trường gây ra ít nhất 9 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. (Ảnh: AP)

Báo cáo kêu gọi cấm polyfluoroalkyl và perfluoroalkyl, những chất nhân tạo được sử dụng trong các sản phẩm gia dụng như đồ nấu nướng chống dính có liên quan đến ung thư và được mệnh danh là "hóa chất mãi mãi" vì chúng không dễ bị phân hủy; đồng thời khuyến nghị làm sạch các địa điểm bị ô nhiễm và trong trường hợp cực đoan có thể tái định cư các cộng đồng bị ảnh hưởng, nhiều người trong số này là người nghèo, bị thiệt thòi và người bản địa khỏi cái gọi là "khu vực hiến tế" (khu vực địa lý đã bị ảnh hưởng vĩnh viễn bởi những thay đổi nặng nề về môi trường hoặc suy thoái kinh tế).

Thuật ngữ trên, ban đầu được sử dụng để mô tả các khu thử hạt nhân, đã được mở rộng trong báo cáo, theo đó bao gồm bất kỳ địa điểm hoặc khu vực nào bị ô nhiễm nặng do biến đổi khí hậu, không thể ở được.

Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet đã gọi các mối đe dọa về môi trường là thách thức lớn nhất về quyền trên toàn cầu. Và ngày càng có nhiều vụ kiện về khí hậu và môi trường đang kêu gọi nhân quyền thành công.