Ô nhiễm không khí ảnh hưởng sức khỏe trẻ em Ấn Độ

An Ngọc, Theo VTV 16:34 11/11/2023
Chia sẻ

Những ngày qua, thủ đô New Delhi của Ấn Độ luôn ở trong tình trạng chất lượng không khí xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Vào thời điểm này, nhiều bệnh viện nhi tại New Delhi đang rơi vào tình trạng quá tải do số trẻ nhập viện tăng cao.

Khóc ngằn ngặt trên giường bệnh với chiếc máy phun sương trên khuôn mặt nhỏ xíu, bé Ayansh Tiwari, mới một tháng tuổi, ho sù sụ. Các bác sĩ cho biết, chính chất lượng không khí nghiêm trọng tại New Delhi vào thời điểm này trong năm là nguyên nhân gây ra tình trạng trên.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng sức khỏe trẻ em Ấn Độ - Ảnh 1.

(Ảnh: Hindustan Times/Getty Images)

Phòng cấp cứu đơn giản của bệnh viện ở thủ đô Ấn Độ chật cứng trẻ em với triệu chứng khó thở, nhiều em mắc bệnh hen suyễn và viêm phổi. Số bệnh nhi tăng đột biến khi ô nhiễm không khí lên đến đỉnh điểm vào mỗi mùa đông ở siêu đô thị 30 triệu dân này. Không khí lạnh giữ lại các chất gây ô nhiễm bắt nguồn từ các phương tiện giao thông, hoạt động sản xuất công nghiệp, bụi xây dựng và đốt rác thải nông nghiệp.

Anh Harikesh Tiwari, bố bệnh nhi Ayansh Tiwari, nói: "Con tôi bị ho, người khó chịu, quấy khóc liên miên, uống sữa thì nôn trớ. Không phải chỉ trẻ con mới gặp phải những vấn đề như vậy đâu, ngay cả người lớn cũng bị ngứa họng, nhức mắt vì ô nhiễm không khí".

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng sức khỏe trẻ em Ấn Độ - Ảnh 2.

(Ảnh: Financial Express)

Trẻ nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí hơn người lớn vì trẻ thở nhanh hơn trong khi não, phổi và các cơ quan khác chưa phát triển đầy đủ. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Ấn Độ vào năm 2021 cho thấy, cứ 3 học sinh ở New Delhi thì có gần một em bị khó thở do ô nhiễm không khí.

Tiến sĩ Dhulika Shingra, bác sĩ chuyên khoa phổi nhi, cho biết: "Phòng cấp cứu của bệnh viện chúng tôi những ngày này rất bận rộn. Bệnh nhi đông, nhiều khi không còn chỗ mà đứng. Thời điểm này khó khăn cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ".

New Delhi thường xuyên nằm trong danh sách trong số các thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới. Dữ liệu từ chỉ số chất lượng không khí (AQI) cho thấy, vào ngày 9/11, mức độ hạt PM2.5, loại nhỏ nhất và có hại nhất, có thể xâm nhập vào máu, lên tới 390 microgam/m3, cao hơn 25 lần mức tối đa hàng ngày được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày