Một bài chia sẻ của một cặp vợ chồng ở Hà Nội có tổng thu nhập 140–165 triệu đồng/tháng nhưng mỗi tháng chỉ tiết kiệm được 10–15 triệu đang gây tranh cãi trên mạng xã hội. Điều khiến nhiều người dừng lại và bình luận sôi nổi không phải là con số tiết kiệm ít, mà là khoản 38 triệu đồng tiền học mỗi tháng cho ba con nhỏ – tương đương 23–27% tổng thu nhập hàng tháng, nếu chưa tính chi phí phát sinh khác.
Với không ít người, đây là một lựa chọn hợp lý và có tầm nhìn. Nhưng với số khác, đây là một mức chi tiêu "rất liều lĩnh" trong bối cảnh chưa sở hữu nhà, kinh doanh tự do và phải gánh nhiều chi phí cho đại gia đình.
Bài đăng gây tranh cãi
Cặp vợ chồng trong bài viết có ba con lần lượt 3 tuổi, 7 tuổi và 10 tuổi. Cả ba đều đang học trường tư gần nhà, tổng chi phí mỗi tháng là 38 triệu đồng. Đây là mức học phí không hiếm gặp tại các trường tư chất lượng ở các thành phố lớn. Tính trung bình khoảng 12–13 triệu cho mỗi bé, nhiều người cho rằng mức này là "hợp lý nếu gia đình đủ khả năng chi trả".
Nếu chọn trường tốt, các em được tham gia đa dạng hoạt động, tăng cường cơ hội phát triển năng lực toàn diện. Cung cấp những trải nghiệm phong phú sẽ giúp trẻ đạt được những tiềm năng trí lực tối đa cho cả cuộc đời. Hơn thế nữa, không ít trường còn tích hợp các chương trình học bản quyền về vận động, ngôn ngữ và nghệ thuật. Không có gì sai nếu dành một khoản chi lớn cho con trong giai đoạn quan trọng này.
"Có con rồi mới hiểu, đầu tư cho con học trong môi trường tốt là cách mình bù lại thời gian không thể dành nhiều cho con. Hai vợ chồng đều bận, nên chi học phí để con được chăm sóc, học hành bài bản hơn cũng là điều dễ hiểu", một phụ huynh chia sẻ.
Không ít người cho rằng mức chiếm gần 27% thu nhập để đầu tư giáo dục cho con là không hề cao, nếu đặt trong tổng thể chi tiêu của một gia đình có điều kiện. "Giáo dục là thứ duy nhất không sợ mất giá trị. Nếu con có nền tảng vững chắc từ nhỏ, sau này gia đình còn tiết kiệm được gấp nhiều lần khi con không phải học thêm, học lại hay loay hoay tìm lối đi", một người bình luận.
Tuy nhiên, phe phản đối lại đặt ra câu hỏi về tính bền vững. Một người dùng viết: "Con số 38 triệu thì đúng là đầu tư cho tương lai, nhưng đầu tư kiểu mỗi tháng tiết kiệm được 10-15 triệu, Tết về quê hay đi chơi là hết sạch, thì không thể gọi là tài chính lành mạnh được".
Ảnh minh hoạ
Thực tế, khi gia đình này chia sẻ chi tiết bảng chi tiêu thì nhiều người đã có cái nhìn cụ thể hơn: Tiền thuê nhà: 15 triệu/tháng (nhà 4 tầng, vừa ở vừa kinh doanh). Tiền học cho 3 bé: 38 triệu/tháng. Tiền ăn: 30–32 triệu/tháng cho 9 người (2 vợ chồng, 2 ông bà nội, giúp việc, 3 bé, 2 cháu đại học ăn tối) cùng 2 chó, 1 mèo, 1 chim. Điện nước: 4–5 triệu. Thuốc cho ông bà nội: 8 triệu. Thuốc + biếu ông bà ngoại: 5 triệu. Xăng xe: 1 triệu. Quần áo, mỹ phẩm, linh tinh: 5 triệu. Hiếu hỉ, ma chay, lễ giỗ: 3–5 triệu
Tổng cộng đã gần 120–130 triệu, chưa tính ăn ngoài, tiêu vặt, phát sinh và khoản tiết kiệm ít ỏi mỗi tháng.
Với mức thu nhập 140–165 triệu, chi 38 triệu tiền học không hẳn là "quá tay", nhưng nó khiến tổng chi tiêu gần như chạm trần thu nhập hàng tháng, không tạo ra được dư địa tài chính để đầu tư dài hạn hay phòng ngừa rủi ro.
"Tiền học phí có thể không vấn đề gì nếu bạn đã có nhà, có bảo hiểm, có quỹ dự phòng, nhưng trong trường hợp này thì chi phí đó làm cả hệ thống tài chính gia đình trở nên mỏng manh", một chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân, chia sẻ.
Dĩ nhiên, nếu xác định giữ nguyên tiền học là ưu tiên số một, thì các khoản chi khác sẽ phải "nhường chỗ". Quan trọng gia đình xác định ưu tiên điều gì. Thực tế, các khoản mà ông bố này liệt kê đều có thể hạn chế bớt, miễn mình có quyết tâm hay không mà thôi. Việc lập ngân sách từng hạng mục, theo dõi dòng tiền và giới hạn tiêu dùng theo kế hoạch cụ thể là điều hoàn toàn khả thi.
Ngoài ra, có thể nghĩ cách tăng thu thay vì chỉ giảm chi. Kinh doanh tự do nghĩa là có khả năng tăng thu nhập nếu chiến lược đúng.
Đầu tư cho con không sai, nhưng cần "bản đồ tài chính" rõ ràng. Không ai có thể nói thay cha mẹ nên chi bao nhiêu cho con cái. Nhưng điều quan trọng là mọi khoản chi – dù vì tình yêu, vì kỳ vọng hay vì niềm tin vào tương lai – đều nên được cân nhắc trong tổng thể chiến lược tài chính dài hạn.
Nếu xác định giữ vững chất lượng giáo dục cho con là điều không thể nhượng bộ, thì các hạng mục khác cần tinh gọn một cách chủ động, chứ không phải bị động "gồng gánh" đến cuối tháng.
Câu chuyện này không có đúng – sai. Nó chỉ đặt lại một câu hỏi: Bạn đang chi tiêu theo mục tiêu tài chính hay theo thói quen gia đình? Và bạn đã có một kế hoạch rõ ràng cho 3 năm, 5 năm tới chưa?
Bạn nghĩ thế nào?