Vật thể Herbig-Haro HH 30 từng được kính viễn vọng không gian tiền nhiệm là Hubble chụp trước đó. Nhưng giờ đây, dưới "mắt thần" của kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới James Webb, các nhà thiên văn đã khám phá ra một đĩa tiền hành tinh ẩn giấu.
Theo Sci-News, vật thể Herbig-Haro là mảng sáng của tinh vân từ các "tiền sao", xuất hiện trong các vùng hình thành sao, được quan sát lần đầu bởi nhà thiên văn học người Mỹ Sherburne Wesley Burnham hồi thế kỷ 19.
Sau đó, tên của hai nhà thiên văn học đầu tiên nghiên cứu chi tiết về loại vật thể này - George Herbig và Guillermo Haro - đã được dùng để đặt tên cho chúng.
Các vật thể Herbig-Haro được hình thành khi khí nóng phun ra từ một ngôi sao mới sinh va chạm với khí và bụi xung quanh nó với tốc độ lên tới 250.000 km/giờ, tạo ra sóng xung kích mạnh.
Chúng có nhiều hình dạng khác nhau, nhưng cấu hình cơ bản thường giống nhau, với 2 luồng khí nóng phun ra theo hai hướng ngược nhau từ một ngôi sao đang hình thành, chảy qua không gian giữa các vì sao.
"HH 30 là một ví dụ về nơi mà luồng khí thoát ra này có hình dạng như một luồng tia hẹp" - nhóm nghiên cứu quốc tế dẫn đầu bởi Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA), một trong những đơn vị đồng điều hành James Webb với cơ quan vũ trụ của Mỹ và Canada (NASA và CSA), cho biết.
Diện mạo mới của HH 30 mà James Webb đã phơi bày tiết lộ một ngôi sao nguồn nằm ở một đầu của luồng tia, ẩn sau một đĩa tiền hành tinh mà ngôi sao đang chiếu sáng.
Đĩa tiền hành tinh là chiếc đĩa đầy đá bụi bao vây các ngôi sao trẻ. Các vật chất trong đĩa có thể kết tụ thành những hành tinh trong tương lai.
Kết hợp dữ liệu từ đài quan sát mặt đất ALMA đặt tại Chile, các nhà khoa học đã có thể quan sát được các hạt bụi có kích thước milimét, được tìm thấy trong một vùng hẹp ở mặt phẳng trung tâm của đĩa.
Trong khi đó, dữ liệu hồng ngoại bước sóng ngắn hơn từ James Webb cho thấy các hạt bụi thậm chí còn nhỏ hơn, chỉ như những con vi khuẩn, phân bố rộng rãi trong đĩa.
Các quan sát kết hợp cũng cho thấy các hạt bụi lớn đã di chuyển để lắng xuống vị trí chúng được tìm thấy. Đó là một giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành hành tinh.
Trong khu vực dày đặc này, các hạt bụi kết tụ lại với nhau tạo thành các viên sỏi và cuối cùng là các hành tinh.
Một luồng khí tốc độ cao phun ra theo góc 90 độ từ đĩa trung tâm hẹp cũng được tìm thấy, được bao quanh bởi dòng chảy hình nón rộng hơn.
"Kết hợp nhau, những dữ liệu trên cho thấy HH 30 là một nơi năng động, nơi các hạt bụi nhỏ và các luồng khí khổng lồ đều đóng vai trò trong quá trình hình thành các hành tinh mới" - các nhà khoa học kết luận.