Nước Mỹ chia cắt vì trào lưu "selfie tiêm vaccine": Người ủng hộ, kẻ phẫn nộ tột độ

J.D, Theo Trí Thức Trẻ 00:10 04/03/2021
Chia sẻ

Tại sao trào lưu này lại có thể khiến nhiều người cảm thấy phẫn nộ?

Về câu chuyện tiêm vaccine, nhiều người Mỹ đã sẵn sàng chấp nhận. Tuy nhiên, việc chụp ảnh khi tiêm vaccine lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Ở thời điểm hiện tại, nước Mỹ đang chia cắt vì phép lịch sự của trào lưu có tên "selfie khi tiêm vaccine". Khi ngày càng có nhiều người Mỹ được tiêm chủng - khoảng 47,2 triệu người đã được tiêm mũi thứ 2 vào ngày 27/2 - cuộc tranh luận này đang trở nên nóng hơn bao giờ hết trên các diễn đàn mạng xã hội. Thậm chí, truyền thông báo chí cũng chia làm 2 hướng. Như trang Boston Globe đăng tải bài viết với tiêu đề "Bình tĩnh và giữ lại mấy tấm selfie tiêm chủng thêm một thời gian nữa" nhằm thể hiện sự phản đối, trong khi The Atlantic lại ủng hộ người dân tiếp tục chia sẻ những hình ảnh như vậy.

Nhìn chung thì ai cũng có cái lý của họ. Một số người cho rằng việc chụp những tấm hình tươi cười khi được tiêm chủng là quá tàn nhẫn, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã giết chết hơn 2,5 triệu người trên thế giới. Hơn nữa, vẫn còn rất nhiều người Mỹ - đất nước có khoảng 300 triệu dân - vẫn chưa được tiêm.

Nước Mỹ chia cắt vì trào lưu selfie tiêm vaccine: Người ủng hộ, kẻ phẫn nộ tột độ - Ảnh 1.

Tuy vậy, các chuyên gia y tế cộng đồng lại tỏ ra ủng hộ. Họ đang hy vọng rằng những hình ảnh cho thấy vaccine an toàn sẽ góp phần khuyến khích nhóm người đang do dự quyết định tiêm chủng. Hiện tại, khoảng 1:3 người Mỹ cho biết họ sẽ không tiêm vaccine, theo như khảo sát gần đây của AP.

Selfie vaccine - Xát muối vào nỗi đau?

Việc đăng ảnh selfie tiêm vaccine trong khi nhiều người chưa được vào danh sách tiêm chủng là một việc làm khá tự mãn, và có thể khiến người khác có cảm giác "sợ bị bỏ quên" - hay FOMO. Đây là quan điểm của nhà báo Miles Howard trên tạp chí Boston Globe. Hơn thế nữa, nó có thể làm nổi bật hiện thực bất bình đẳng trong xã hội, khi những người được chăm sóc y tế tốt hơn cũng dễ dàng tiếp cận vaccine hơn.

"Mừng cũng tốt, nhưng hãy ăn mừng một cách kín đáo," - Alan Drummond, một bác sĩ cấp cứu người Canada chưa được tiêm vaccine chia sẻ với trang Conversation. "Đừng tỏ ra mừng rỡ một cách quá công khai khi còn rất nhiều đồng nghiệp khác đang phải đối mặt với sự lo lắng và nỗi sợ.

"Chúng tôi hiểu, chúng tôi cũng mừng cho các bạn. Chỉ là đừng xát muối vào nỗi đau của chúng tôi."

Nước Mỹ chia cắt vì trào lưu selfie tiêm vaccine: Người ủng hộ, kẻ phẫn nộ tột độ - Ảnh 2.

Ở chiều ngược lại, nhà báo Brit Trogen từ trang Atlantic lại tỏ ra ủng hộ trào lưu này, bởi cảm xúc vỡ òa khi được tiêm vaccine thực sự đáng để được chia sẻ, nhằm phản bác lại những người đang tin vào phong trào anti-vaccine.

"Hàng ngàn tấm ảnh về các nhân viên y tế rạng rỡ khi nhìn vào ống kính, hay rơi nước mắt vì vui mừng sẽ tạo cảm xúc trái ngược cho những con số thống kê từ đại dịch," - Trogen nhận định.

Nước Mỹ chia cắt vì trào lưu selfie tiêm vaccine: Người ủng hộ, kẻ phẫn nộ tột độ - Ảnh 3.

Richard Baron, chủ tịch và là giám đốc điều hành American Board of Internal Medicine (ABIM) thì cho biết, trong khi nhiều người chưa được tiêm vaccine, các nhân viên y tế đã được tiếp cận. Trong đó, những người có địa vị và sự ảnh hưởng trong cộng đồng cũng có khả năng thuyết phục người khác tiêm chủng thông qua những bài đăng trên mạng xã hội. Nó giống như việc lan tỏa thông điệp: "Tôi tiêm vaccine rồi, và bạn cũng nên làm vậy!"

"Tôi nghĩ chúng ta cần sử dụng mọi kênh truyền thông có thể," - Baron cho biết.

Khuyến khích tất cả tiêm chủng

Việc lắp đặt các "trạm selfie" - những không gian được trang trí với cảm hứng từ vaccine - hiện đang nằm trong số các phương pháp được sử dụng để khuyến khích mọi người đăng ảnh. Những người phản đối cho rằng đây là một phương pháp không phù hợp, thậm chí là phản cảm. Nhưng Baron cùng nhóm ủng hộ thì không đồng tình với nhận định này.

"Nó (trạm selfie) sẽ giúp bình thường hóa chuyện tiêm vaccine," - Baron cho biết. "Đó là việc nên làm."

Nước Mỹ chia cắt vì trào lưu selfie tiêm vaccine: Người ủng hộ, kẻ phẫn nộ tột độ - Ảnh 4.

Bản thân Baron cũng đã đăng hình ảnh mình được tiêm mũi thứ 2, nhưng cố ý không để lộ mũi tiêm để tránh gây sợ hãi. Ông cho biết mình muốn lan tỏa niềm vui khi được miễn dịch với virus, điều sẽ giúp cuộc sống của người dân trở lại bình thường.

"Nếu bạn tiêm chủng, sẽ có nhiều điều bạn có thể thoải mái làm - đi ăn nhà hàng, đi máy bay," - ông chia sẻ. "Dĩ nhiên là vẫn phải đeo khẩu trang, nhưng có nhiều lý do để mọi người muốn được tiêm chủng. Và để mọi người cảm thấy phấn khích về chuyện đó, tôi không nghĩ có gì sai cả."

Kimberly Manning, một bác sĩ da màu tại Bệnh viện Grady (Atlanta) cũng đăng tải những tấm hình selfie vaccine lên mạng xã hội. Manning cho biết nhiều bác sĩ khác cũng làm như vậy, để hướng đến những người Mỹ da màu vốn đã chịu ảnh hưởng bất cân xứng vì đại dịch, nay còn hoài nghi về vaccine.

"Nếu các bạn có thắc mắc, chúng tôi ở đây để lắng nghe và trả lời, nhưng đừng để mất mạng vì những nỗi sợ vô lý," - trích trong lời hát của Manning ở một video đăng tải trên Twitter.

Nguồn: WSJ
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày