Nước cuồn cuộn đổ về, đập Tam Hiệp "an toàn vượt qua đỉnh lũ"

H.Bình, Theo Người Lao Động 11:48 19/07/2020
Chia sẻ

Tân Hoa Xã đưa tin sau khi đợt lũ số 2 hình thành trên sông Trường Giang, hồ chứa tại đập Tam Hiệp mở 3 cửa xả lũ, lưu lượng nước đổ vào hồ chứa trong ngày 18-7 là 61.000 m3/giây trong khi lưu lượng xả là 33.000 m3/giây.

Do mưa lớn, đợt lũ số 2 hình thành ở thượng nguồn sông Trường Giang (Dương Tử) vào ngày 17-7, gia tăng áp lực lên đập Tam Hiệp - đoạn chảy qua tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, làm mực nước của hồ chứa Tam Hiệp tăng lên nhanh chóng. Mực nước hồ đã lên tới 160,17 m (Theo thiết kế, hồ chứa của đập Tam Hiệp có thể chứa nước lên tới mức 175 m).

Mực nước hồ chứa dâng cao sau nhiều đợt lũ, các tổ máy thủy điện ở đập Tam Hiệp đang hoạt động hết công suất, với công suất phát điện kết hợp là 22,5 triệu kilowatt.

Về phía Tập đoàn Tam Hiệp - đơn vị vận hành công trình thủy điện, họ khẳng định đập Tam Hiệp đã thành công vượt qua đỉnh lũ lớn nhất trong năm, duy trì vận hành ổn định và an toàn. 45% lượng nước lũ được giữ lại trong hồ chứa, trong khi nhiều chỉ số khác của đập vẫn an toàn.

 Nước cuồn cuộn đổ về, đập Tam Hiệp an toàn vượt qua đỉnh lũ  - Ảnh 1.

Mực nước hồ chứa Tam Hiệp đã đạt 160,17 m, cao hơn mức giới hạn lũ trên 15 m trong ngày 18-7. Ảnh: Tân Hoa Xã

Công ty vận hành đập Tam Hiệp cũng bác bỏ tin đồn con đập trên sông Dương Tử vỡ hoặc biến dạng. Trong tuần qua, hãng tin Reuters dẫn lời một nhà địa lý học cho rằng "hồ chứa đập Tam Hiệp không có khả năng tác động đáng kể đến những trận lũ lụt nghiêm trọng nhất".

Theo đơn vị quản lý đập Tam Hiệp, ý kiến của nhà địa lý học đã bỏ qua thực tế nhiệm vụ phòng chống lũ của dự án Tam Hiệp tập trung chủ yếu ở khu vực Chenglingji (Thành Lăng Ki). Với dung tích hồ chứa nước lũ ở mức 22 tỉ m3, khu vực này được thiết kế để ngăn các đợt lũ lớn ở thượng nguồn sông Dương Tử, cùng với đập Tam Hiệp có vai trò quan trọng trong ngăn chặn tình trạng lũ vượt quá tầm kiểm soát.

Nếu lũ lụt xảy ra do mưa lớn ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử, các thành phố xung quanh những khu vực này sẽ chủ yếu dựa vào các công trình thoát lũ của từng đô thị. Trong bối cảnh đó, đập Tam Hiệp vẫn có thể tham gia hỗ trợ bằng cách giữ nước để giảm thiểu sức ép cho những thành phố này.

 Nước cuồn cuộn đổ về, đập Tam Hiệp an toàn vượt qua đỉnh lũ  - Ảnh 2.

Người dân đắp bao cát bảo vệ thành cổ ở huyện Thọ thuộc tỉnh An Huy hôm 18-7. Ảnh: Tân Hoa Xã

Đợt mưa lớn trong ngày 18-7 ở phía Tây Nam TP Trùng Khánh khiến 11 người chết và buộc 21.500 cư dân phải sơ tán. Khoảng 23.000 ha hoa màu bị thiệt hại và hơn 1.000 ngôi nhà bị phá hủy.

Những ngày mưa xối xả đã làm mực nước sông Trường Giang và Ngô Giang dâng cao. Mực nước của các con sông và suối ở phía Đông Trùng Khánh dự kiến ​​sẽ còn tăng thêm.

Trong khi đó, 5 trạm thủy văn trong lưu vực sông Trường Giang vượt quá mực nước cao nhất trong lịch sử. Đơn cử, mực nước tại một trạm thủy văn dọc theo Ngô Giang, một nhánh chính của sông Dương Tử, tăng từ 5,55 m lên 225,03 m, vượt mức báo động trong ngày 18-7.

 Nước cuồn cuộn đổ về, đập Tam Hiệp an toàn vượt qua đỉnh lũ  - Ảnh 3.

Cổ trấn Từ Khí Khẩu tại thành phố Trùng Khánh vào ngày 18-7. Ảnh: Tân Hoa Xã

 Nước cuồn cuộn đổ về, đập Tam Hiệp an toàn vượt qua đỉnh lũ  - Ảnh 4.

Dự báo tỉnh An Huy sẽ chịu thêm 2 trận mưa lớn trong những ngày tới. Ảnh: Tân Hoa Xã

Các khu vực dọc theo sông Dương Tử chứng kiến những thiệt hại di tích nghiêm trọng nhất khi mực nước các sông, hồ dâng cao. Các cây cầu cổ, tường thành và các tòa nhà bị phá hủy.

Theo Cục Quản lý Di sản Văn hóa Quốc gia (NCHA), hơn 500 di tích văn hóa không thể di chuyển đã bị thiệt hại do lũ lụt gần đây ở miền Nam Trung Quốc. NCHA đã phân bổ 3,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 500.000 USD) cho công tác cứu hộ di tích.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày