Nằm giữa biên giới Tây Tạng và Nepal, Everest được biết đến là đỉnh núi cao nhất thế giới. Được xem là "nóc nhà" của nhân loại, mức oxy trên đỉnh Everest rất thấp, nhiệt độ cực lạnh, thời tiết diễn biến khôn lường và chứa đựng nhiều hiểm nguy. Tuy nhiên, rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới đều ôm giấc mộng chinh phục đỉnh Everest, chấp nhận lao vào cuộc chơi đầy mạo hiểm, bất chấp mạng sống để giành chiến thắng.
Vào năm nay, Everest được nhắc đến nhiều hơn với cái tên "vùng núi tử thần" khi đã có 11 người bỏ mạng chỉ trong vòng 9 ngày, con số kỷ lục kể từ năm 2015. Nhiều nhà leo núi lẫn truyền thông quốc tế đã liên tục lên tiếng về tình trạng quá tải và những "lỗ hổng" gây chết người ở nóc nhà thế giới này.
Thời tiết và mối nguy tiềm ẩn
Vào đầu tháng 5, đa số những người chinh phục đỉnh Everest đều tập trung tại Everest Base Camp. Đây là điểm đầu tiên cần phải vượt qua nếu muốn chinh phục nóc nhà của thế giới. Trại phía Nam nằm ở Nepal với độ cao 5.364 m và trại phía Bắc ở Tây Tạng (Trung Quốc) với độ cao 5.150 m.
Thời tiết là một yếu tố quan trọng trên con đường chinh phục đỉnh Everest.
Cùng trong thời gian đó, thời tiết không được thuận lợi ở dãy núi Himalaya phía Nepal sau cơn bão Fani. Điều này buộc chính quyền địa phương phải dừng các hoạt động leo núi ít nhất hai ngày. Gió mạnh đã thổi bay gần 20 lều trại và một số người leo núi đang di chuyển đến một số trại cao hơn cũng buộc phải trở về trại đầu tiên.
Thời tiết xấu kéo dài khiến những người tập trung tại trại đầu tiên bắt đầu đông hơn. Vào giữa tháng 5, thời tiết thuận lợi hơn vào hai ngày 19 và 20/5, một số đội quyết định tiếp tục cuộc hành trình. Đa số những người khác chờ đợi thêm khi thời tiết hửng nắng và tạnh ráo, đó là vào các ngày 22- 24/5.
Một số chuyên gia leo núi cho biết đây chính là lúc vấn đề xảy ra. Chỉ trong ngày 23/5, có hơn 250 người đã quyết định lên đường chinh phục đỉnh Everest và bức ảnh "tắc đường" nổi tiếng đã ra đời, gây sốc dư luận và truyền thông quốc tế. Đây là số người leo núi cao nhất trong một ngày từ trước đến nay. Vì thế, họ buộc phải chờ hàng tiếng đồng hồ trên một con đường nhỏ hai chiều lên xuống. Đa số mọi người trở nên kiệt sức và bình oxy cạn kiệt dần, họ loay hoay không biết làm thế nào vì những người chỉ dẫn đồng hành cũng không có mặt ở bên lúc cần thiết nhất.
Theo luật leo núi của Nepal, các đội thám hiểm phải có các sĩ quan liên lạc trên núi. Lần này, có 59 sĩ quan được chỉ định đồng hành cùng các đội nhưng chỉ có năm người trong số họ ở lại cho đến cuối đoạn đường chinh phục. Một số người thậm chí còn vắng mặt và số khác đã quay về sau vài ngày ở trại đầu tiên.
Kinh nghiệm và cạnh tranh
Những nhà leo núi kỳ cựu và lãnh đạo ngành du lịch cho rằng nguyên nhân khiến số người leo núi tử vong cao đột biến trong năm nay chủ yếu do quá nhiều người leo chưa có kinh nghiệm. Ngày càng nhiều đại lý lữ hành giá rẻ bất chấp nguyên tắc để nhận khách đi tour Everest dù họ không có kỹ năng. Không ít nạn nhân thậm chí còn không biết dùng các dụng cụ leo núi. Điều đó trở thành mối đe dọa với những người có mặt trên ngọn núi này.
Norbu Sherpa, một hướng dẫn viên thám hiểm, cho rằng chính phủ Nepal nên ngừng cấp giấy phép cho những người leo núi thiếu kinh nghiệm. "Theo tôi thấy, nhiều người quyết định chinh phục Everest khi thể lực không phù hợp. Một người phải có sức khỏe tim mạch thật tốt mới có thể chịu đựng điều kiện môi trường khắc nghiệt ở trên đó", ông Norbu Sherpa trả lời hãng tin CBC.
Chinh phục đỉnh núi Everest là một cuộc chơi đầy mạo hiểm mà ở đó người chơi bất chấp mọi thứ để được tham gia và giành chiến thắng.
Ông Eric Murphy, một hướng dẫn viên leo núi người Mỹ đã ba lần chinh phục đỉnh Everest, cho biết ông phải tốn 17 tiếng cho quãng đường thám hiểm thay vì 12 tiếng vì những người leo núi khác đang chật vật và kiệt sức nhưng không có ai hướng dẫn hay giúp đỡ họ.
"Mỗi phút ở đó đều rất quan trọng. Vì thế, chỉ cần một số người thiếu kinh nghiệm không thể xoay xở cũng đủ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với người khác" - ông Murphy cho biết.
Một số trường hợp tử vong xảy ra trong mùa chinh phục Everest năm nay do bị kẹt trong những hàng dài nối đuôi nhau khi chỉ còn cách đỉnh khoảng 300 m. Họ không thể lên hay xuống núi đủ nhanh để nạp bình oxy. Khi ở trong khu vực với độ cao trên 8000m so với mặt nước biển, nếu cạn kiệt oxy, một số người có thể bị đau đầu, nôn mửa, khó thở và rối loạn tâm thần do mắc chứng bệnh độ cao.
Khi nhu cầu chinh phục đỉnh Everest ngày một tăng, các công ty cung cấp dịch vụ mọc lên như nấm. Để cạnh tranh, thu hút nhiều nhà leo núi hơn, họ bất chấp mọi thứ kể cả giảm chi phí cho khách hàng.
"Tuy nhiên, họ lại cạnh tranh ở số lượng chứ không phải chất lượng. Họ thuê những hướng dẫn viên ít kinh nghiệm và không thể xoay xở trong những tình huống nguy cấp như vậy", phó chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn leo núi Nepal, ông Tshering Pandey Bhote, cho hay.
Theo ông Bhote, cơ quan chức năng thừa nhận có vấn đề trong việc quản lý đám đông trên đỉnh Everest nhưng họ vẫn cần khách du lịch, trong khi quản lý ùn tắc trên ngọn núi cao nhất thế giới vẫn là thách thức của chính phủ.
Một thi thể đông cứng của nhà leo núi xấu số trên đường chinh phục Everest.
Những lỗ hổng chưa ai "chắp vá"
Hiện Nepal không có quy định chặt chẽ nào dành cho khách leo núi Everest. Alan Arnette, một nhà leo núi nổi tiếng, nhận định: "Bạn phải vượt qua bài kiểm tra kỹ năng để tham gia một cuộc đua thể lực. Nhưng bạn không cần đáp ứng bất kỳ yêu cầu gì để leo lên ngọn núi cao nhất thế giới ".
Nepal là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nguồn thu nhập của họ chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp leo núi, mỗi năm mang về 300 triệu USD. Chính phủ Nepal không giới hạn số lượng giấy phép được cấp cho các nhà leo núi hoặc có những quy định cụ thể, rõ ràng về việc kiểm soát tốc độ hay thời gian của các cuộc thám hiểm. Điều này đã tạo ra lỗ hổng cho các nhà điều hành tour và hướng dẫn viên leo núi tận dụng để làm những gì họ muốn.
Vào năm nay, giấy phép đã được cấp cho 381 người trong 44 nhóm leo núi, con số cao nhất từ trước đến nay. Kèm theo đó là số lượng hướng dẫn viên leo núi đến từ cộng đồng người dân tộc Sherpa ở Nepal tương đương như vậy.
Những lỗ hổng đã đẩy Everest trở thành vùng núi tử thần chết chóc.
Mirza Ali, một chủ sở hữu công ty du lịch và leo núi người Pakistan đã leo lên đến đỉnh Everets lần đầu tiên trong tháng này sau 4 lần nỗ lực, cho biết đây là một lỗ hổng quá lớn. "Mọi người đều muốn đứng trên đỉnh núi cao nhất thế giới nhưng việc cấp giấy phép không được kiểm tra một cách chặt chẽ. Càng nhiều người đến thì họ càng có nhiều tiền nhưng nó cũng mang theo nhiều rủi ro và cuối cùng là cái chết" - Ali nói.
Các quan chức Nepal cho biết họ đang cân nhắc thay đổi các quy định dành cho người được phép lên ngọn núi cao nhất thế giới. Yagya Raj Sunuwar, một thành viên của Nghị viện, cho biết thời gian này chính phủ sẽ xét lại tất cả luật cũ.
"Chắc chắn sẽ có một số thay đổi trong lĩnh vực thám hiểm. Chúng tôi đang thảo luận về cải cách một số vấn đề, bao gồm đặt tiêu chuẩn cho mọi người leo Everest", ông Mira Acharya, một quan chức cấp cao của bộ du lịch Nepal, cho biết.
Nguồn: Tổng hợp