Núi lửa phun trào tại đảo quốc Saint Vincent gây mất điện, nước trên diện rộng

Quỳnh Chi, Theo VTV 08:37 12/04/2021
Chia sẻ

Núi lửa La Soufriere ở Saint Vincent đã phun trào từ ngày 9/4, gây mất điện và nguồn cung cấp nước trên diện rộng tại đảo quốc này.

Sau nhiều thập kỷ không hoạt động, núi lửa La Soufriere đã thức giấc, phun tro bụi lên không trung ở một vùng rộng tới 10km, khiến cư dân sinh sống ở khu vực xung quanh phải sơ tán.

Ngày 10/4, núi lửa La Soufriere tiếp tục phun trào, phát ra những tiếng động ầm ầm. Thủ tướng Saint Vincent Ralph Gonsalves đã ra lệnh sơ tán cư dân gần khu vực núi lửa này hoạt động.

Tổ chức Quản lý Khẩn cấp Quốc gia Saint Vincent (NEMO) đã ghi nhận một trận phun trào núi lửa khác vào sáng sớm 11/4, gây ra tình trạng mất điện, nước trên diện rộng, trong khi tro bụi bao phủ nhiều khu vực của quốc đảo này.

Núi lửa phun trào tại đảo quốc Saint Vincent gây mất điện, nước trên diện rộng - Ảnh 1.

Núi lửa La Soufriere phun tro bụi lên không trung ở một vùng rộng tới 10km (Ảnh: AP)

Các báo cáo cho biết, trong ngày 10/4, tầm nhìn ở một số khu vực của hòn đảo đã bị hạn chế. Trong khi đó, ở thủ đô Kingstown phía Nam của đảo quốc, tro bụi núi lửa đã gây ra một làn khói bụi mỏng.

Tính đến ngày 10/4, khoảng 16.000 người sống trong các khu vực "báo động đỏ" đã phải đi sơ tán, 3.000 người đã qua đêm tại những địa điểm trú ẩn khẩn cấp.

Tro bụi đã khiến một số chuyến bay bị hủy bỏ. Tầm nhìn bị giảm đi đã ảnh hưởng tới việc người dân đi sơ tán ở một số khu vực.

Núi lửa phun trào tại đảo quốc Saint Vincent gây mất điện, nước trên diện rộng - Ảnh 2.

Tầm nhìn bị hạn chế, các chuyến bay đã bị hủy (Ảnh: AP)

Núi lửa nằm ở cực Bắc của đảo, nhưng tại thủ đô Kingstown nằm ở phía Nam của Saint Vincent, tro bụi cũng tạo thành một lớp sương mỏng bao phủ. Giới chức Saint Vincent cảnh báo rằng, St Lucia ở phía Bắc và Grenada ở phía Nam quốc đảo có thể bị ảnh hưởng nhẹ bởi tình trạng tro bụi núi lửa. Phần lớn tro bụi này được cho là sẽ gây ảnh hưởng về phía Đông Bắc vào Đại Tây Dương.

Lượng tro bụi đang khuếch tán với vận tốc khoảng 175 km/h về khu vực phía Đông và bắt đầu ảnh hưởng đến hòn đảo láng giềng Barbados.

Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Thảm họa vùng Caribe cho biết: "Người dân Barbados đã được khuyến khích ở trong nhà do những đám tro bụi dày đặc đang di chuyển trong không khí".

Tại Saint Vincent và Grenadines, đảo quốc có dân số hơn 100.000 người, núi lửa đã không hoạt động kể từ năm 1979, sau một vụ núi lửa phun trào gây ra thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu USD. Một vụ phun trào của núi lửa La Soufriere vào năm 1902 đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày