"Nửa đêm đọc nhật ký con gái 12 tuổi, tôi hối hận tột cùng: Thì ra, đây là lý do con vui vẻ bất thường"

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ số 15:09 17/01/2025
Chia sẻ

Tôi cứ tưởng con vui vẻ thật sự, nhưng đằng sau đó là sự thật quá đau lòng.

* Bài viết của Mẹ Bánh Bao, một blogger về nuôi dạy con ở Trung Quốc.

Gần đây, tôi chợt phát hiện có điều gì đó bất thường ở con gái mình. Con bé không còn chê bữa sáng tôi làm không ngon, không còn phàn nàn rằng tôi quá nhiều chuyện, không còn mất bình tĩnh, đòi hỏi, thậm chí đôi khi còn cố gắng làm hài lòng tôi một cách cố ý hoặc vô ý.

Dù rất bối rối nhưng tôi cũng không thực sự để tâm lắm.

Cho đến cách đây vài ngày, thấy con về nhà với đôi mắt đỏ hoe, tôi hỏi: "Con sao vậy? Có vẻ không vui lắm. Có chuyện gì xảy ra à?". Đứa trẻ nhẹ nhàng nói: "Không sao đâu", rồi đi vào phòng ngủ và không ra ngoài cả đêm.

Đêm đó tôi trằn trọc suy đoán nhiều lý do: Có lẽ bị giáo viên chỉ trích? Có lẽ đánh nhau với một người bạn? Có lẽ gần đây con đang gặp khó khăn trong việc học tập? Có lẽ cảm thấy hơi không khỏe?

Tôi đã thức suốt đêm.

Cuốn nhật ký đau lòng

Ngày hôm sau, khi con gái đi học, tôi vào dọn phòng và vô tình tìm thấy một cuốn sách trên giá sách của con bị nhét ngược vào, tôi lấy xuống xem. Hóa ra đây không phải là một cuốn sách mà là nhật ký

Tôi biết đây là quyền riêng tư của con và tôi không nên đọc nó, nhưng khi nghĩ đến những thay đổi gần đây của con, đôi mắt đỏ hoe đêm qua và tiếng nức nở yếu ớt phát ra từ trong phòng, tôi vẫn không ngăn được mình.

Phần lớn cuốn nhật ký dày cộm đã được viết từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 9 năm nay, tôi đọc trọn vẹn hai tiếng đồng hồ, lòng tôi đau thắt. Khi gấp cuốn nhật ký của con gái lại, tôi bật khóc.

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng con gái tôi, vốn luôn sôi nổi, thân thiện và không bao giờ thiếu bạn bè, lại có ngày dính vào nạn bắt nạt học đường.

"Nửa đêm đọc nhật ký con gái 12 tuổi, tôi hối hận tột cùng: Thì ra, đây là lý do con vui vẻ bất thường"- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Trong nhật ký, con gái tôi viết:

Có một cô gái tên Lan Lan từng là bạn cùng bàn. Cô bé ấy có tính cách mạnh mẽ, độc đoán và rất khó bắt chuyện. Để duy trì mối quan hệ thân thiện, con gái tôi thường chủ động trò chuyện, chia sẻ đồ ăn nhẹ, giúp bạn dọn dẹp, đi vệ sinh cùng...

Lúc đầu, mối quan hệ tương đối hòa hợp. Cho đến một lần, lớp tổ chức cuộc thi viết chữ và vẽ tranh, con gái tôi đã đoạt giải nhất. Lan Lan muốn con gái đưa cuốn sổ tặng thưởng cho mình nhưng con gái tôi cho rằng đó là "vinh dự riêng" nên đã từ chối.

Kể từ đó, con gái tôi trở thành cái gai trong mắt bạn mình.  

Lan Lan bắt đầu cố tình bỏ mặc con gái tôi, thường xuyên chế giễu con là "bủn xỉn", "cô gái trà xanh"... Cô bé còn nói xấu con gái tôi khắp nơi trong lớp, thậm chí còn chiêu mộ các nhóm nhỏ để cô lập con.

Để thay đổi trạng thái khó chịu này, con gái tôi cũng tỏ ra ưu ái Lan Lan, thậm chí gần như tâng bốc. Con ngây thơ nghĩ rằng chỉ cần trò chuyện vui vẻ và thân thiện hơn thì có thể giải quyết mâu thuẫn.

Nhưng kết quả là gì?

Con gái tốt bụng giúp Lan Lan làm bài tập, nhưng Lan Lan lại cố tình ném bài tập đi, nói rằng tay con bẩn.

Con gái ân cần nhắc nhở Lan Lan rằng bạn làm sai một câu hỏi nhưng Lan Lan đã tố cáo con gái sao chép đáp án.

Con gái của tôi đã mất nhiều đêm để làm một chiếc vòng tay, đồng thời còn viết thiệp sinh nhật cho Lan Lan một cách hết sức chu đáo nhưng bạn gái này đã đọc to những lời riêng tư trước mặt mọi người.

Điều nghiêm trọng hơn nữa là dưới sự ảnh hưởng của Lan Lan, các bạn cùng lớp khác bắt đầu loại trừ và cười nhạo con gái tôi. Con trở thành mục tiêu chế giễu, bắt nạt với cả lớp.

Con gái tôi cứ tự hỏi mình trong nhật ký: "Tôi thực sự khó chịu đến thế à? Tại sao họ lại đối xử với tôi như một "ngôi sao chổi" và tránh xa? Tại sao dù tôi có cố gắng thế nào cũng không thể khiến họ ngừng ghét tôi? Tôi thực sự không đáng được yêu thích à?"

Nhìn thấy sự nhẫn nại, đau đớn, bất lực và buồn bã trong lời nói của con gái, tôi chợt hiểu những thay đổi của con gái mình trong thời gian này: Con chợt trở nên nhạy cảm và ngoan ngoãn là vì bị bạn hành hạ trong một thời gian dài, khiến con dần mất đi sự tự tin trước đây. 

Trước đây, tôi luôn nghĩ bắt nạt học đường là bạo lực nhưng tôi đã bỏ qua rằng mặc dù có một kiểu bắt nạt không gây tổn hại về thể chất nhưng gây ra những tổn thương không thể tưởng tượng được.

Giáo viên khó có thể nhận ra nhưng tất cả những đứa trẻ khác đều biết. Nó thường ẩn mình trong bóng tối bí mật nhất, che đậy bằng tình bạn, dùng những lời chế nhạo thông thường, những trò đùa vô ý, những tin đồn thầm kín và sự cô lập để thực hiện những hành vi gây tổn hại tinh thần.

Tại sao con giữ bí mật?

Tại sao con gái tôi không nói với chúng tôi hoặc cô giáo ngay sau khi cháu phải chịu quá nhiều? Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều bạn bè, thầy cô và các chuyên gia tâm lý, cuối cùng tôi cũng hiểu ra. Trên thực tế, nhiều học sinh nữ sẽ chọn cách chịu đựng kiểu "bắt nạt tinh thần" bí mật, không bạo lực này vì hai lý do:

1. Con gái có nhu cầu quan hệ bạn bè mạnh mẽ hơn

Một chuyên gia từng nói: "Các cô gái sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để tránh ở một mình, bao gồm cả việc duy trì một tình bạn bị lạm dụng". Các cô gái có nhu cầu mạnh mẽ về các mối quan hệ một cách tự nhiên và họ háo hức mong muốn được người khác công nhận và yêu thích. Để duy trì mối quan hệ thân thiện, họ dễ rơi vào tình thế bị các mối quan hệ thao túng, bắt làm "con tin".

Những cô gái mạnh mẽ sẽ dùng các mối quan hệ làm vũ khí để kiểm soát người khác. Những cô gái trân trọng các mối quan hệ thường là những người dễ bị thao túng và lợi dụng. 

2. Bị mắc kẹt bởi "hội chứng gái ngoan"

Nền giáo dục mà chúng ta dành cho các cô gái luôn là: Con cần phải dịu dàng, thân thiện, biết vâng lời, quan tâm đến cảm xúc của người khác, hòa đồng, được yêu thương và được nhiều người yêu mến...

Con không thể hành động thẳng thắn như con trai, cãi vã ầm ĩ, trút giận. Con phải kìm nén cảm xúc và cố gắng hết sức để tránh xung đột. Kết quả là các cô gái học được cách sống tử tế, nhã nhặn, tiết kiệm và bị mắc kẹt trong xiềng xích của việc trở thành "gái ngoan".

Chúng không thể nhận ra những người ác ý và cho rằng mọi thứ là lỗi của mình. Chúng thậm chí không biết cách trút bỏ sự bất mãn, bày tỏ sự tức giận và không biết cách từ chối rõ ràng việc bị tổn thương. Chúng chỉ có thể chịu đựng và chịu đựng một mình trong đau đớn.

Các em không dám mách bố mẹ, thầy cô vì sợ bị trách móc:

"Tại sao người ta chỉ tấn công con? Con đã làm gì sai? Con có quá nhạy cảm không?".

"Tại sao con lại muốn làm bạn với một người như thế?".

"Tại sao con lại cho phép người khác bắt nạt mình?".

Chúng không dám phản kháng, sợ khơi dậy lòng căm thù của người khác, không dám nhờ giúp đỡ, sợ cha mẹ, thầy cô thất vọng về mình. Vì vậy, chỉ biết tự xấu hổ và chịu đựng nỗi đau.

Sau khi biết lý do, tôi đã nói chuyện rất lâu với con trước khi đi ngủ.

Tôi ôm con và nói: "Mẹ biết gần đây con buồn, mẹ cũng buồn, nhưng mẹ muốn nói với con: Đó không phải lỗi của con, nhóc ạ". Vừa dứt lời, nước mắt con gái tôi đã trào ra. Tôi giúp con gái lau nước mắt và nói với con một cách kiên quyết:

"Trước đây, chính mẹ là người sai, mẹ luôn dạy con phải tử tế và lễ phép, nhưng mẹ lại không nói với con rằng chúng ta không cần phải phục tùng trước những lời công kích ác ý của người khác. So với những định kiến mà thế giới bên ngoài dành cho con gái, mẹ mong các con có thể tôn trọng và trân trọng tình cảm của chính mình: Con có thể nói rõ ràng với bên kia về bất kỳ hành vi hoặc ngôn ngữ nào khiến con khó chịu: Tôi không thích điều này, sau này xin đừng nói những điều như vậy với tôi.

Con phải biết rằng bản chất con người luôn bắt nạt kẻ yếu và sợ hãi kẻ mạnh, và tác hại luôn tăng dần từ nhỏ đến lớn. Chỉ có lớn tiếng từ chối và phản kháng rõ ràng thì con mới không để người khác có cơ hội làm tổn thương mình, mới có khí chất "không dễ chọc", mới có thể đẩy lùi được những kẻ bắt nạt đó. Con phải tin rằng dù có chuyện gì xảy ra thì bố mẹ vẫn luôn ở phía sau và ủng hộ".

Con gái nghẹn ngào khóc trong vòng tay tôi như muốn trút hết nỗi bất bình 11 tháng qua.

Đêm đó, tôi vuốt lưng con gái, lắng nghe lời con nói và cùng con thảo luận về cuộc chiến ngầm giữa các cô gái, thế nào là một người bạn thực sự, những suy nghĩ của những kẻ bắt nạt và cách chống trả mạnh mẽ chúng.

Tôi có thể cảm nhận rõ ràng rằng trái tim con đang ấm lên đôi chút, con bé đã lấy lại được dũng khí, sức mạnh và sự tự tin. Tiếp theo, tôi sẽ đứng sau lưng và đồng hành cùng con gái mình chiến thắng trong cuộc chiến này.

Tôi biết rằng giao tiếp xã hội luôn là vấn đề phức tạp trong thế giới của con gái. Việc bắt nạt tinh thần giữa các bạn cùng lứa thậm chí còn khó đề phòng hơn.

Nhưng tôi tin rằng chỉ cần dành cho con mình đủ tình yêu thương và sự chấp nhận, dạy chúng cách chọn bạn bè, cách nhận biết ý định của những kẻ bắt nạt, cách chống cự dũng cảm và mạnh mẽ cũng như cách giải quyết những mâu thuẫn, xung đột thì chúng ta chắc chắn sẽ giúp con đi qua bóng tối, bước về nơi ánh sáng để toả nắng rực rỡ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày