Nữ tài xế GoCar: Khi trách nhiệm trở thành đam mê

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 14/09/2021

Nghề tài xế công nghệ giữa mùa dịch vốn vất vả, nhưng lại trở nên nhẹ bỗng, ngập tràn niềm vui qua lời kể của chị Hương Mỹ (quê Bình Phước), người phụ nữ duy nhất trong đội hình "Biệt đội GoCar" đưa đón các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM.

Hăng hái tham gia công tác chống dịch

Trước khi trở thành một trong 50 đối tác tài xế đầu tiên hỗ trợ việc di chuyển của đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19 tại TP.HCM, chị Mỹ đã từng tham gia công tác tình nguyện với nhiều công việc khác nhau.

Nữ tài xế GoCar: Khi trách nhiệm trở thành đam mê - Ảnh 1.

Gần 4 tháng nay, người phụ nữ với thân hình nhỏ bé đã xông pha góp sức cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh qua nhiều vai trò

Công việc đầu tiên là chị đăng ký trực tại các chốt cùng lực lượng chức năng; nắng gió với chị lúc ấy không phải là vấn đề quá lớn.

Sau đó, khi hay tin ký túc xá ĐH Quốc gia được trưng dụng làm nơi để cách ly F1 đang thiếu nhân lực, chị liền đăng ký làm công tác hậu cần, không nề hà bất cứ công việc gì, chị luôn làm với thái độ tích cực và tinh thần lạc quan.

Khi tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp, F1 được cách ly tại nhà để nhường chỗ điều trị cho F0, chị Mỹ lại đăng ký tham gia đội tiêm vắc xin. Chị kể, lúc ấy đội hình mỏng lắm, nhân viên y tế phụ trách việc tiêm, còn chị đảm nhiệm việc điều phối người dân. Vì đeo khẩu trang, chị phải nói to và nói nhiều lần, tối về cổ đau rát không thể nào ăn được. Nhưng sang ngày hôm sau, chị vẫn tràn đầy nhiệt huyết với công việc, chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát.

Vào những ngày đầu tháng 8, trong bối cảnh thành phố đang thực hiện giãn cách, nghe tin Gojek chuẩn bị đưa vào hoạt động dịch vụ GoCar chỉ dành riêng để chuyên chở các y bác sĩ làm nhiệm vụ chống dịch, chị lập tức đăng ký tham gia vì đây đúng là sở trường của chị.

Nữ tài xế GoCar: Khi trách nhiệm trở thành đam mê - Ảnh 2.

Với kinh nghiệm hơn 15 năm làm tài xế, chị tự tin mình có thể mang đến những trải nghiệm tốt nhất, giúp các y bác sĩ có thể thư giãn và an tâm chống dịch. Chị Mỹ đến và gắn bó với nghề tài xế xe công nghệ cũng nhẹ nhàng, giản đơn như bản chất vốn có của mình. Dù cho ẩn sau đó là những nhọc nhằn, lo toan cuộc sống, nhưng với chị việc chạy xe vừa là đam mê, vừa là trách nhiệm với cộng đồng.

Mong Sài Gòn sớm khỏe lại

Một ngày làm việc của chị Mỹ với GoCar bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc lúc 18h tối, trong đó có 1 tiếng rưỡi nghỉ trưa để lấy lại sức. Không có thói quen ăn sáng, chị thường để dành phần ăn Gojek chuẩn bị cho mình tại khách sạn chị đang lưu trú cho những người lang thang hoặc ai đang nuôi người nhà ở bệnh viện, gặp ai chị cho người đó.

Nữ tài xế GoCar: Khi trách nhiệm trở thành đam mê - Ảnh 3.

"Mùa này hàng quán đóng cửa hết, những người nuôi bệnh rất khó khăn để mua được đồ ăn. Tôi có thể uống sữa và ăn đồ ngọt, phần ăn của tôi xin nhường cho người khác. Cũng chỉ là một hộp cơm, với mình không là gì lớn nhưng với họ tôi nghĩ sẽ thật sự cần thiết", chị Mỹ tâm sự.

Là người lạc quan, chị Mỹ luôn truyền năng lượng tích cực cho người đối diện. Với công việc đang làm, chị quan niệm, một hành động dù nhỏ nhưng cũng đủ thể hiện sự chuyên nghiệp và nghiêm túc của bản thân với nghề. Đến với nghiệp cầm lái bằng sự tinh tế và tâm lý của người phụ nữ, chị Mỹ hy vọng các y bác sĩ sẽ thật sự thoải mái trên mỗi chuyến hành trình của mình.

Nữ tài xế GoCar: Khi trách nhiệm trở thành đam mê - Ảnh 4.

"Tôi sống một mình, nên tham gia những công việc như thế này không có gì phải đắn đo nhiều. Hãng Gojek cũng chăm lo đầy đủ trang phục bảo hộ, tập huấn kỹ càng, mình chỉ cần làm theo không cần lo lắng quá. Dù biết công việc cũng có chút nguy hiểm, nhưng so với những gì đội ngũ y tế đang làm, thì những đóng góp của mình cũng như hạt muối bỏ biển. Chỉ mong sao dịch bệnh được đẩy lùi, cuộc sống của tất cả chúng ta lại trở lại bình thường", chị Mỹ bộc bạch.

Nữ tài xế GoCar: Khi trách nhiệm trở thành đam mê - Ảnh 5.

Điều ấn tượng lớn nhất ở người phụ nữ này là sự lạc quan, luôn nghĩ cho người khác. Trong trang phục bảo hộ kín mít, nếu không quen sẽ rất khó chịu và mệt mỏi, nhưng chị Mỹ lúc nào cũng tràn đầy năng lượng. Có lẽ, nhiều người hạnh phúc khi chạm đến một đỉnh cao nào đó, còn với chị Mỹ, hạnh phúc chính là niềm vui góp nhặt được qua mỗi chuyến xe.