Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, có 562.787 thí sinh dự thi môn Địa lí, trong số đó, có 42 bài thi đạt điểm tối đa. Và Phạm Thanh Vân (học sinh lớp 12 chuyên Địa, THPT Chuyên Lê Hồng Phong – Nam Định) là một trong những gương mặt xuất sắc đạt điểm tuyệt đối ở môn thi này.
Phạm Thanh Vân (học sinh lớp 12 chuyên Địa, THPT chuyên Lê Hồng Phong – Nam Định) là một trong những gương mặt xuất sắc đạt điểm tuyệt đối môn Địa lí (kỳ thi THPT Quốc gia 2019)
Vân cho rằng đề thi năm nay khá vừa sức đối với các bạn học sinh, chỉ có một số câu khó mang tính suy luận cao, phải suy nghĩ nhiều mới có thể làm được. "Theo mình để làm được những câu hỏi khó, phải nắm vững kiến thức cơ bản. Vì những câu hỏi có khó thì cũng bắt nguồn từ sách giáo khoa. Đọc kĩ yêu cầu câu hỏi và cố gắng tìm ra mối liên hệ, chọn lọc kiến thức và cần có sự tập trung cao độ để loại được phương án nhiễu. Đôi khi nên ứng dụng câu hỏi vào thực tế thì các bạn sẽ dễ dàng tìm ra câu trả lời" – Vân chia sẻ.
Phạm Thanh Vân vốn là gương mặt xuất sắc của khối chuyên Địa – trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định). Cô bạn từng đạt 2 giải Nhì cấp tỉnh môn Địa lí, Huy chương Vàng kỳ thi học sinh giỏi cụm Duyên hải và đồng bằng Bắc bộ, giải Khuyến khích Quốc gia môn Địa lí năm 2018 và giải Nhì Quốc gia môn Địa lí năm 2019.
Ngoài việc học và tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, Vân cũng dành thời gian đi thư giãn với bạn bè
Nhờ khoảng thời gian ôn thi học sinh giỏi Quốc gia, Vân đã được tiếp xúc với nhiều kiến thức chuyên sâu, đọc nhiều sách hơn, thường xuyên làm đề và được các thầy cô giảng dạy, chỉ bảo tận tình nên khi đối mặt với những câu hỏi khó, Vân hoàn toàn tự tin vào kinh nghiệm và kiến thức mà bản thân mình đã tích lũy được.
Trước ý kiến cho rằng môn Địa lí để đạt điểm khá, giỏi, phải dựa phần lớn vào Atlat, Vân cho biết: "Mình hoàn toàn không đồng ý. Thứ nhất, đề thi chỉ có khoảng 10 câu dựa vào Atlat và có khoảng 20 câu là kiến thức cơ bản về nhận biết và thông hiểu, nên nếu chỉ dựa vào Atlat thì điểm của các bạn chỉ đạt yêu cầu đỗ tốt nghiệp. Còn để đạt được điểm 9, 10, làm được những câu vận dụng và vận dụng cao thì các bạn phải nắm vững kiến thức cơ bản, đọc kĩ sách giáo khoa và yêu cầu câu hỏi, đủ tỉnh táo để loại bỏ phương án sai thì điểm của các bạn chắc chắn sẽ cao. Atlat chỉ là một công cụ hỗ trợ các bạn làm bài chứ không phải là tất cả".
Trong quá trình ôn tập trên lớp, có 2 phương pháp thầy cô hướng dẫn ôn tập khiến cho Vân vô cùng ấn tượng, đó là: "Gạch chân và khoanh tròn vào những cụm từ, câu quan trọng và kiến thức trọng tâm trong sách giáo khoa cũng như trước những câu hỏi, từ đó ghi nhớ và suy ra đáp án. Luyện dạng Đề điền khuyết: Đưa ra một câu hỏi hoặc một lời khẳng định (định nghĩa) và tìm đáp án, giúp ghi nhớ các định nghĩa để không bao giờ bị nhầm lẫn".
Được biết, với thành tích đạt giải Nhì Quốc gia, Vân đã lựa chọn nộp hồ sơ tuyển thẳng vào trường Đại học Luật Hà Nội nhưng vẫn đang hồi hộp chờ điểm chuẩn của các trường đại học.
Tập thể lớp 12 chuyên Địa (THPT chuyên Lê Hồng Phong – Nam Định), gia đình thứ hai của cô bạn Phạm Thanh Vân